PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

CÁI THÁP BABEL

Chắc nhiều độc giả dư biết chuyện cái tháp Babel trong sách Bible của đạo Gia-tô.

Xưa kia nhơn loại như con một nhà. Đã không phân chia làm dân tộc, lại còn nói chung một thứ tiếng. Nhơn loại lúc ấy hiệp lực lo cất một cái tháp cao đến đụng trời. Đức Chúa Trời thấy bầy khỉ đột kiêu ngạo nầy, mình đã tạo cho chúng nó một cái nhà tròn vo để cho chúng nó ở đó, mà chúng nó còn bày chuyện cất tháp để leo lên cho tới cái chỗ của mình ở. Đứa Chúa Trời giận, bèn làm cho nhơn loại nói mấy trăm thứ tiếng. Nhơn loại vì bị nói chuyện với nhau không thể hiểu nhau như trước, cho nên không thể cọng lực mà cất cái tháp Babel nữa.

Ấy đó, Đức Chúa Trời xưa kia cũng đã biết dùng chánh sách "phân rẽ đặng dễ cai trị" của Machiavel (*)  dạy người đời nay.

Vì câu chuyện cái tháp Babel ấy, mà người đời nay không tin nơi thiên lực, chỉ tin nơi nhơn lực, mới tính lập lại một thứ tiếng chung cho toàn cả nhơn loại thông dụng, đặng có thể, như ngày xưa, cọng lực tạo lập lại một công việc gì lớn bằng Trời vậy.

Tiếng ấy là tiếng "espéranto", hiện thời toàn cả thế giới đâu đâu cũng có một ít người biết dùng nó, mà trong đám người có tư tưởng tiến bộ lại hay học nó nhiều hơn các hạng người khác. Người đi truyền bá tiếng espéranto cũng thường nhắc đến chuyện cái tháp Babel, nói rằng nhơn loại sẽ nhờ tiếng espéranto mà thống nhứt lại như thuở xưa.

Dùng tiếng espéranto để thông dụng trong toàn cả thế giới, Thông Reo không biết chắc nó lợi là thế nào. Song Thông Reo kinh nghiệm được điều nầy. Hai người ngoại quốc gặp nhau, dùng bậy bạ ít tiếng học lóm đặng hiểu nhau, sao coi bộ họ vui vẻ và xem như mấy tiếng đơn sơ của họ dùng mà trao đổi ý kiến đó, là đủ cho họ xài lắm vậy.

Còn như ở Hạ nghị viện mấy ông nghị thông dụng một thứ tiếng, mà lại dùng nó một cách thật là tài. Mà sao họ cứ chưởi lộn, dầm cổ dập đầu nhau mãi?

Thấy hai gương đó, Thông Reo chưa chắc rằng nhơn loại phân chia làm năm bảy trăm thứ tiếng, là bất lợi; còn nhơn loại thông dụng một thứ tiếng, lại là lợi. Chuyện ấy để cho tương lai định. Song Thông Reo chắc điều nầy: Như nhơn loại ngày nay, đồng dùng một thứ tiếng, là tiếng espéranto đó đi, thì nhơn loại cũng còn chia rẽ.

Vì một đêm nọ, Thông Reo có chiêm bao như vầy:

Thông Reo thấy nhơn loại nhờ tiếng espéranto dễ sai khiến nhau mà cọng lực cất lại cái tháp Babel. Thông Reo thấy nhơn loại lúc đầu coi bộ hăng hái lắm. Lần lần, đến khi cái tháp làm gần được phân nửa, lại thình lình sanh ra cái vấn đề: Sau nầy cái tháp sẽ phân chia cho mỗi người là bao nhiêu, quyền lợi của mỗi người trong cái tháp ấy là thế nào?

Rồi mấy ông chủ nhà máy gạch và xi-măng, mấy ông kỹ sư, mấy anh cai cu-li, mấy anh thợ hồ, mấy anh cu-li, cái nhau giành phần hơn.

Thành ra nhơn loại phân chia ra từng khúm, phân chia ra từng cặp, lo bàn bạc cãi đối nhau về cái quyền tư hữu của mỗi người đối với cái tháp Babel. Cái tháp Babel vì đó, mà cũng như xưa kia, không thể cao lên tới trời được.

Không, Thông Reo không chắc rằng nhơn loại ngày nay, hễ đồng dùng tiếng espéranto, thì thống nhứt nhơn tâm được.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6973 (29. 3. 1933)

Chú thích

(*) Machiavel (Niccolò di Bernardo dei Machiavelli1469 - 1527): nhà tư tưởng Italia thời Phục hưng, lý thuyết gia về chính trị; “machiavélisme”,  thuật ngữ xuất xứ từ tên ông, được dùng để trỏ một quan niệm thực dụng đến mức vô sỉ trong chính trị.