BẠN HÀNG CHỢ MỚI

Bạn hàng chợ mới làm sao? Không, không, bạn hàng chợ mới không có làm chi hết.

Thật thế! Từ hôm đầu năm tây tới nay, vì có lời nghị thành phố định thâu tiền chỗ ở chợ mới Sài Gòn trong 4 -5 giờ bán ban đêm cũng bằng một giá như trong 12 giờ bán ban ngày, làm cho các bạn hàng họ liệu thế đóng không nổi số tiền chỗ đêm ấy, mà tắt đèn đóng cửa nghỉ hết ráo.

Nghỉ hết ráo, nghĩa là không làm chi hết chớ gì. Thế mà có mấy nhà viết báo An Nam ta, vì nóng ruột đồng bào, vụt cắt nghĩa rằng, bạn hàng nghỉ ban đêm, là có ý để tỏ nỗi bất bình về cách định tiền chỗ đêm quá nặng ấy.

Họ nói ban thiên mẹo dậu vậy mà báo hại, một số đông bạn hàng chợ mới sợ, chạy lại hỏi Thông Reo vậy chớ nói như thế có phải là gán cho họ làm "reo" hay không? và thành phố tăng tiền chỗ đêm quá nặng như vậy là nghĩa lý gì?

Khó quá! Thông Reo tôi có tật hay pha lửng, nhưng ngộ phải việc bà con đang nóng ruột, họ biểu mình bàn, thời cũng bàn cho họ phép sao!

Anh em chị em bạn hàng chợ mới ta ơi!

Làm "reo" làm sao mà bán ban đêm phải bỏ ăn bỏ chơi, phải thức phải thôi, phải coi chừng coi đỗi (vì ban đêm bọn "quân tử" dễ thừa cơ "thâu dẹ" hơn ban ngày), phải tốn đèn tốn đuốc, phải dọn phải dẹp đám khuya lắc khuya lơ mà lời không đủ đóng lấy một góc tiền chỗ, thì đóng cửa nghỉ cho nó khoẻ!

(Bị kiểm duyệt bỏ)

À, quên! Còn một câu hỏi thứ hai này mới thiệt gắt! Nhưng gắt thì gắt, đã lãnh phải bàn. Thành phố tăng tiền chỗ đêm quá bội như vậy là ngụ ý gì?

Ngụ ý gì! Hồi nầy là hồi cận tết, ai nấy bán giựt dãi, thì người ta cũng lo giựt dãi như ai!... Mà không, một năm nhớ chừng như tới hai mươi mấy tháng chạp mình (tục gọi hai mươi mấy tết) mới là có tăng tiền chỗ chớ. Nhưng tăng cũng vừa vừa phải phải, chớ có đâu làm một cú "nốc" (knock-out) như vậy kìa? Lạ thiệt!

Thông Reo nhớ cách chừng một tháng nay, có một tờ tuần báo Pháp ở đây mà An Nam mình ít ai để ý đến đã kêu ca về sự thành phố cho bạn hàng bày bán đủ thứ tạp hóa ngoài chợ là thiệt hại cho mấy tiệm có patente, (a) báo ấy nói tại chợ chánh thành Paris, mấy tiệm buôn không khi nào chịu ai chơi kiểu ấy.

Tội nghiệp quá! Chúng tôi là người An Nam, sanh ở đất An Nam, chúng tôi biết phận mình ti tiểu mà đâu dám đèo bòng. Trời ôi! Paris đem sánh với Sài Gòn? nhứt là Sài Gòn trong hồi nghèo lớn nữa?

Nhà viết báo kêu ca đó là người Pháp, nên Thông Reo muốn nhắc chuyện "Con nhền nhện với con én" trong thơ ngụ ngôn La Fontaine cho ông nghe.

Con nhền nhện ngày kia kêu tới Ngọc hoàng mà cáo hai con én: "Muôn tâu Thượng đế, tôi biết phận tôi nhỏ nhít nên đi tìm xó hốc, giăng mành lưới để kiếm ăn. Chị én chỉ rộng đồng bay liệng phỉ tình muốn vật chi không được? Thế mà chỉ ỷ sức tràn vô đại chỗ tôi sanh sống, xớt giựt mồi ngoài cửa, đạp rã tuông mành lưới kéo đi luôn cả vợ con tôi".

Ngọc hoàng thấy nói động lòng, mới xuống lời phủ dụ: "Nhện con ta yểm lụy. Vật dưới thế thảy là con ta cả, song luật thiên nhiên đã định: mạnh thì ăn trước ngồi trên. Con én chẳng cố tình mà phá lưới của con đâu. Ấy chỉ tại nó túng mồi, xớt lún xác rồi lôi bừa lưới nhện. Chớ nó cũng biết con tuy nhỏ mà lưới con lợi hại, nếu vương nhằm thời mắt nó còn chi… Thôi, con sanh đâu con cứ việc ở yên, én rày đó mai đây thây nó!"

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6913 (6. 1. 1933)

Chú thích

(a) patente (chữ Pháp): môn bài, giấy phép kinh doanh.