BÌNH PHẨM VĂN THƠ

Ở nước nào cũng vậy, sự bình phẩm văn thơ là một sự cần. Chẳng những cần cho các nhà làm văn, mà lại cần cho người xem văn nữa. Cùng một bài văn hay bài thơ ấy, mà không phải ai ai xem đến cũng đều có thể nhận thấy được hết những cái hay cái dở ở trỏng đâu. Bởi vậy  nên mới cần phải có các nhà phê bình là những người có học vấn cao sâu, có nhãn lực hơn người, để đem những chỗ hay chỗ dở trong văn thơ mà chỉ ra cho mọi người cùng biết.

Những nếu làm văn sĩ là một sự khó thì làm một nhà phê bình cũng chẳng phải dễ gì. Nhà phê bình mỗi khi muốn phán đoán về sự hay dở của một bài văn bài thơ, thì cần phải tỏ ra mình là người học nhiều biết rộng, thấy được những chỗ người ta không hiểu; nếu khen là hay thì phải cắt nghĩa tại làm sao mà hay và hay như thế nào; nếu chê là dở thì cũng phải chỉ ra tại làm sao mà dở và dở như thế nào. Cái giá trị của nhà phê bình chính là ở đó. Bằng như phê bình mà chỉ nói những việc tầm thường mà mọi người đều nghĩ đến được cả, rồi cứ bảo chỗ này hay chỗ kia dở mà tuyệt nhiên chẳng thấy cắt nghĩa chi, thì còn gì là giá trị của nhà phê bình mà cũng chẳng lợi ích gì cho người đọc hết thảy.

Mới đây nhân tình cờ giở quyển Văn học tạp chí số 7 lại gặp ngay một bài của ông Dương Bá Trạc phê bình thơ bà huyện Thanh Quan khiến cho đọc xong tôi phải tức cười nôn ruột!

Bài thơ mà ông Trạc phê bình đây là bài Thăng Long hoài cổ "Tạo hóa gây chi cuộc hý trường, đến nay trải đã mấy tinh sương, v.v…" mà tôi chắc độc giả ai cũng biết rồi nên chẳng lục trọn bài ra đây làm chi. Ta hãy xem mau mấy lời phê bình của ông Trạc.

"Bài thơ này hay về cái ý tứ rất là thâm trầm, như câu 1-2 đọc lên những tiếng "gây chi", tiếng "đã mấy" chan chứa cái tình cảm khái biết bao! Câu 3-4 đem tiếng "làn thu thảo" mà để dưới tiếng "lối xưa xe ngựa", đem tiếng "bóng tịch dương" mà để dưới tiếng "chốn cũ lâu đài", khiến người đọc như trông thấy một bức vẽ tiêu điều thảm đạm. Câu 5-6 kể đến "đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt" thì thấy cuộc đời thay đổi không thường đáng buồn đáng chán bao nhiêu! Lại "nước còn cau mặt với tang thương" thì người đời đối với những cuộc đời thay đổi cũng cau mặt đến đâu! Ý tứ thâm trầm như thế là hay. Đến cái lời văn điêu luyện trong bài thơ nầy lại càng hay lắm. Những tiếng "chi" đặt dưới chữ "gây", tiếng "mấy" đặt trên tiếng "tinh sương" thật là khéo dùng mà cực luyện. Câu 3-4 không phải dùng một chữ đưa đẩy nào, chỉ dùng chữ "xưa", chữ "cũ", chữ "làn", chữ "bóng" mà cái ý xưa thế này thế tự nhiên thấy rõ ràng. Câu 5-6 thì lại khéo dùng nhưng chữ đưa đẩy như chữ "vân" chữ "cùng", chữ "còn", chữ "với" mà nảy ra ý hoài cổ vô cùng. Câu 7-8 kết lại cái ý người trông cảnh sanh buồn mà khéo dùng tiếng "gương", tiếng "soi", tiếng "ấy", tiếng "đây" khiến cho câu thơ hóa ra linh động. Lời văn thật là điêu luyện".

Trên đó là nguyên văn của ông Trạc trong Văn học tạp chí, tôi chẳng thêm bớt chút nào hết. Tôi xin hỏi độc giả: đọc qua bài phê bình ấy rồi, có thấy nó ra làm sao không

Chớ riêng phần tôi thì tôi xin thú thiệt rằng sao thấy nó tầm ruồng quá! Nếu cứ theo cái phương pháp phê bình của ông Dương Bá Trạc đó, thì bất kỳ ai đưa cho tôi bài thơ nào tôi cũng có thể phê bình như vậy được cả, cho đến bài thơ "con cóc" cũng phê cho:

"Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra; con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó; con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi".

Phê bình:  Bài thơ nầy coi không ra gì mà ý tứ rất là thâm trầm, đọc đến tiếng "nhảy ra, ngồi đó, ngồi đó, nhảy đi…" mà khiến cho ta phải chan chứa cảm tình, thương thay cho chiếc thân vô định của con cóc! Kể về văn chương thì bài nầy cũng có giá trị lắm. Những tiếng như tiếng "trong" mà đặt trên tiếng "hang", tiếng "ra" đặt dưới tiếng "nhảy" thiệt là đắc thể mà điêu luyện biết bao! Câu 5-6 không phải dùng một chữ đưa đẩy nào, chỉ dùng chữ "ngồi" chữ "nhảy", đã hình dung được bộ tịch con cóc như hệt mà khiến cho câu thơ hóa ra linh động vô cùng. Lời văn thật là giản dị".

Ấy đó, độc giả thử nghĩ coi chẳng phải là tôi muốn đặt chuyện để kiêu ngạo, nhưng nếu phê bình theo kiểu ấy thì dễ quá, muốn phê bình về cái gì và phê bình đến mấy tháng mấy năm lại chẳng được!

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6935 (11. 2. 1933)