Bốn con đều đỗ tiến sĩ

Ở huyện Nông Cống thuộc về Thanh Hóa có một người, lúc nhỏ chơi bời phóng đãng, không theo khuôn phép, nhưng có tánh hào hiệp. Số là trong làng đó có một cậu công tử, con của một vị quận công, ỷ mình con nhà công thần, hiếp bách người làng tệ lắm, đến nỗi hãm hiếp vợ con người ta, ai cũng lấy làm tức mà không biết kêu ở đâu. Người kia thấy thế giận lắm, ban đêm lẻn vào nhà công tử, cầm dao đâm gã nọ chết ngay. Rồi bỏ nhà đi trốn.

Người ấy đến Sơn  Nam, làng Thiên Bản, ở làm thuê trong nhà một ông phú hộ. Ông có người con gái, thấy người ấy lanh lợi thì phải lòng rồi lấy nhau có chửa ra. Được ba bốn tháng, ông phú hộ biết, bèn đuổi người ấy đi. Anh ta đi, biên họ tên làng xứ để lại cho người con gái. Sau nàng đẻ được đứa con trai.

Người ấy đi đến Hải Dương, ở chợ An Dương, buôn bán. Cưới con gái họ Đào, đẻ được đứa con trai nữa, sau vì vợ chồng chểnh mảng nhau, người ấy lại bỏ qua Kinh Bắc. Ở đó, anh ta lấy con gái họ Đỗ làng Lương Tài, cũng đẻ được con trai. Được mấy năm, lại đi qua Sơn Tây, lấy con gái nhà họ Phan, cũng có một con trai nữa. Ở Sơn Tây, người ấy không chịu được nước, bèn bỏ về Kinh sư, làm thuê làm mướn qua ngày.

Sau đó, bốn con trai đều trưởng thành, đỗ tiến sĩ triều Mạc, mà người nào cũng không biết cha mình ở đâu, còn hay là mất, chỉ nghe mẹ kể họ tên làng xứ của cha thì ghi nhớ lấy đó thôi.

Người ấy khi đã ngoài 80 tuổi rồi, rủi có kẻ giá họa cho, bị bắt giam trong ngục ngự sử. Khi đó, người con ở Thiên Bản làm quan Đô đài, người ở An Dương làm quan Phó đô, người ở Lương Tài làm quan Thiêm đô, người ở Thạch Thất làm quan Giám sát: bốn người cùng có chức vụ coi việc ngục cả. Mỗi khi ra công đường tra hỏi, thấy người ấy già quá thì bảo nhau rằng: “Coi như trong án tình, người này chắc bị vu oan, vả hắn ta già nua như thế, tình cũng đáng thương thật”. Rồi cùng nhau đòi hỏi ông già bao nhiêu tuổi, được mấy con. Người ấy thưa rằng: “Tôi thuở nhỏ phóng lãng giang hồ, trải chơi khắp bốn trấn, sanh được bốn trai, mà từ bấy đến giờ không hề vãng lai với chúng nó nữa. Nay đã ngoài 80 tuổi rồi, chỉ còn nhớ tên làng tên huyện chúng nó ở mà thôi, tôi cũng không biết các con tôi bây giờ ra thế nào nữa”. Bốn người bảo khai quán chỉ ở đâu và cưới vợ tại những làng nào. Ông già cứ thực mà khai ra hết. Tức thì bốn vị quan ngó mặt nhau, cùng nhau ôm ông già mà khóc, đều nói rằng: “Đây là cha tôi mà!” Rồi họ đem chuyện tâu cùng chúa Mạc; chúa Mạc vời ông già vào cho ra mắt, ban cho áo xống, và phong chức quan tam phẩm. Được vài năm, ông ấy qua đời.

(Bản quốc dị văn)

                                                                               C. D.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 10 (19. 11. 1933), tr. 20-21.