CÁI BỆNH ĂN CẮP CỦA TÀU

 

Phụ nữ thời đàm số mới rồi có bài “Tìm sự thực trước khi làm Văn học sử” của ông Trần Thanh Mai, thật là một bài có giá trị, vì đã đem cái tinh thần của khoa học dùng vào trong văn học. Chúng tôi trước kia có một sự khảo cứu vặt vãnh cũng giống bài của ông trong kỳ trước, nhưng vì thừa bài ra nên phải để chậm lại kỳ này. ‒ Lời tòa soạn

 

Nước ta không phải là không có nhân tài trơn. Có điều những sự tích chơn thật của họ vì ít ai biên chép nên thất lạc hết, rồi người đời sau nhè ăn cắp dật sự của người Tàu mà phụ họa vào, làm cho những bậc thức giả thấy mà lấy làm rất đáng bỉ sỉ.

Đại khái như tục truyền: Hồi Tự Đức, ông Thám hoa Giao với ông Thám hoa Đạt cùng làm quan ở Huế. Một hôm, ông Giao vào chầu, ra gặp ông Đạt, ông này hỏi: “Hôm nay Hoàng thượng có ban hỏi gì không?” Ông Giao đáp: “Ngài có ra câu đối: Lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất mà nghĩ mãi đối mới nên thân...” Chưa dứt lời thì ông Đạt nói hớt rằng: “Sao không đối với: Lưu liên hoang vong vi chư hầu ưu có được không?” ‒ Số là khi ở trong triều, ông Giao cũng đã đối với câu ấy, nhưng nghĩ lâu mới ra; còn ông Đạt đây, nghe thì đối liền, cho nên từ đó ông Giao càng phục tài ông Đạt.

Lời tục truyền như thế, không biết thực hư thế nào. Nhưng câu đối đó thì người Tàu đã có đối rồi, thấy chép trong tập “Giải nhân di”, nhớ chừng như nói của Giải Tấn người đời Minh thì phải.

Chuyện như thế còn nhiều lắm, xin cử ra đây thêm một chuyện nữa mà có chứng cớ chắc chắn hơn.

Trong sách “Nam hải dị nhân liệt truyện” xuất bản ở Đông Kinh ấn quán Hà Nội, bản in lần thứ tư, trang 50, chép về ông Mạc Đĩnh Chi có một đoạn rằng:

“Một khi bà hoàng hậu ở Tàu mất, vua Tàu sai ông Mạc Đĩnh Chi vào đọc văn tế (vì lúc ấy ông Đĩnh Chi đương đi sứ ở Tàu). Đến lúc quỳ xuống cầm bài văn đọc thì chỉ thấy một tờ giấy trắng, có bốn chữ “nhất” mà thôi. Đĩnh Chi không nghĩ ngợi gì, đọc ngay rằng:

Thanh thiên nhất đoá vân,

Hồng lô nhất điểm tuyết,

Ngọc uyển nhất chi hoa,

Dao trì nhất phiến nguyệt.

Y! vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Bài văn ấy còn chép vào sử Tàu. (!) Người Tàu ai cũng chịu tài ứng khẩu nhanh”.

Trước kia tôi đọc đoạn sách ấy vẫn thấy nhiều chỗ đáng nghi rồi: Hoàng hậu Tàu là bà nào? Vua Tàu là ông nào? Sao không nói rõ? Việc quốc tang là việc trọng, cả nước Tàu không ai đọc văn được sao mà lại phải sai đến Mạc Đĩnh Chi? Đĩnh Chi nói tiếng An Nam, ngôn ngữ bất đồng, cớ gì vua Tàu lại dùng vào việc ấy? Đến câu “bài văn ấy còn chép vào sử Tàu” thì thật là mù mờ quá: sử Tàu là sử nào? Nội chừng nấy đó, đủ thấy người chép truyện ấy có cái tri thức không hơn gì bà lão nhà quê, nghe đâu nói đó, không có một chút cẩn thận trong sự biên chép.

Gần đây tôi đọc sách “Thu vũ kham tuỳ bút” ‒ mới phát giác ra cái án ăn cắp ấy. Sách ấy có một điều kêu là “Kinh xoa ký tế văn”, như thế nầy:

“Kinh xoa ký Truyền kỳ” chép rằng: Ông Vương Thập Bằng tế vợ, bài văn rằng:

Vu sơn nhất đoá vân,

Lãng uyển nhất đoàn tuyết,

Đào nguyên nhất chi hoa,

Dao đài nhất luân nguyệt!

Thê a! như kim thị vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Nay xét bài đó không phải là không có gốc. Trong tập “Thị nhi biên” của Tôn Lý Chiêu có chép câu chuyện như vầy:

“Đám tang bà Hoàng thái hậu, Bắc triều có sai sứ đến tế, Dương Đại Niên đọc văn. Bài văn toàn là giấy trắng, không có một chữ gì hết, Dương Đại Niên bèn đặt ra mà đọc rằng:

Duy linh: Vu sơn nhất đoá vân,

Lãng uyển nhất đôi tuyết,

Đào viên nhất chi hoa,

Dao đài nhất luân nguyệt!

Khởi kỳ: vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Khi ấy vua Nhân Tôn khen Dương là lanh lẹ, rất lấy làm bằng lòng”.

Coi đó thì chuyện Mạc Đĩnh Chi rặt là ăn cắp chuyện Dương Đại Niên, không thì ăn cắp chuyện Vương Thập Bằng, thật không có giá trị chút nào hết. Mà chẳng những không có giá trị thôi đâu, lại là một sự đáng lấy làm sỉ nhục nữa.

Chuyện Dương Đại Niên mà “Thị nhi biên” nói đó, cứ theo người soạn Thu vũ kham tùy bút khảo cứu ra thì cũng lại là chuyện láo nữa. Bởi vì, theo lịch sử, Đại Niên chết trước khi vua Nhân Tôn chưa lên ngôi; bà Chương Hiến thái hậu mẹ vua Nhân Tôn chết sau Đại Niên lâu lắm, thì làm sao Đại Niên lại đọc văn ở đám tang bà ấy được?

Chuyện Mạc Đĩnh Chi là chuyện láo, nếu như ăn cắp chuyện Dương Đại Niên thì chuyện này cũng lại láo nữa, cho nên nói rằng đáng sỉ nhục.

Cho biết người nào không có chút đỉnh cái óc khoa học mà ưa làm sách ghi chép chuyện xưa, là một sự nguy hiểm lắm. (a)

P. K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 13 (10. 12. 1933), tr. 9-10.

Chú thích

(a) Cũng nội dung  này tác giả Phan Khôi đã có bài đăng Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 165 (1. 9. 1932)