CÁI CẢNH KHỔ

CỦA MỘT HẠNG NGƯỜI BỊ BỚT LƯƠNG

Từ hồi cái ảnh hưởng của sự kinh tế khủng hoảng càng thêm nặng nề quá cho xứ này, liệu bề không thể duy trì hiện trạng cho vững chãi được, quan Toàn quyền Đông Pháp phải tạm thi hành cái nghị định bớt lương của những người tòng sự với Chánh phủ. Hiện nay, hàng các quan lại, từ người Tây cho chí người Nam, về những món tiền phụ cấp và về số lương chính hàng tháng cũng đều bị giảm hoặc ít hoặc nhiều.

Một sự bắt buộc không chạy chối đi đâu được, trên Chánh phủ phải làm, dưới các quan cũng phải vui lòng mà chịu. Tựu trung hoặc cũng có người vào hạng khá giả, nghĩa là số lương được nhiều, bị bớt chút đỉnh mà cũng than van. Nhưng, dù có thứ người không biết suy nghĩ ấy cũng ít lắm; theo chúng tôi biết, phần đông thấy cái cảnh tượng trước con mắt, nhiều kẻ còn túng ngặt hơn mình, thì tuy có bị bớt ít nhiều, họ đều lạc nguyện.

Phải, ai đã biết suy nghĩ, thấy trong khi có bao nhiêu nhà tư bản bị phá sản đến nỗi tự tử, bao nhiêu viên chức cùng thợ thuyền các sở tư bị thất nghiệp ‒ mà thất nghiệp chẳng biết đến bao giờ mới lại có việc làm, ‒ duy có mình làm việc với Nhà nước được vững chân, khỏi lo gì hết, thì phải lấy làm mừng riêng cho mình mà dù có chịu thiệt hại cũng cho là còn hơn kẻ khác. Như thế rồi cái lòng tri túc tự nhiên nẩy sinh ra, đưa mình đến cảnh được yên ủi.

Huống chi vào hồi này, mọi vật ăn dùng đều rẻ, nhà ở cũng bớt giá thuê, đầy tớ cũng nhẹ tiền mướn, một gia đình của một người làm việc quan, ngày trước phải ăn tiêu mỗi tháng một trăm đồng mới đủ thì ngày nay có thể phu phỉ với cái số sáu bảy chục đồng. Như thế thì tiếng rằng bớt lương chứ kỳ thực cũng như không bớt, vì chẳng có điều gì làm khuy tổn cho sổ dự toán của gia đình của hàng quan lại cả.

Tuy nhiên, trong những người làm việc với Nhà nước chẳng phải có một hạng nói riêng này mà thôi đâu. Còn hạng khác nữa, hạng này, vào trong nhà họ, chịu khó điều tra qua một lượt, rồi mới biết sự bớt lương đối với họ thật là một điều quan hệ lớn.

Đại để, cũng thì người làm việc Nhà nước mà người ăn lương hàng trăm trở lên, thôi thì không có hại chi. Nhưng những kẻ ăn ba bốn chục đồng mỗi tháng, nhất là kẻ ăn công nhật mỗi ngày bốn năm hào, thì khó chịu cho họ lắm nếu họ cũng bị bớt.

Vừa rồi chúng tôi có thấy tận mắt một cái gia đình của một người làm việc ở sở Bưu điện, xin đem thuật ra đây để họa may được người trên chú ý đến cho.

Người đàn ông đó năm nay độ 35 tuổi; cha mẹ song toàn; người cha chẵn 60, người mẹ sụt hai tuổi, 58, mà cũng đều yếu đuối lắm, gặp mấy ngày bắt đầu lạnh này mà đã cú sụ trong chiếc áo bông cũ kỹ, như muốn rên. Con ba đứa, đều còn nhỏ, đứa lớn mới nên mười. Vợ thì không buôn bán gì, hằng ngày chỉ ở nhà săn sóc cho hai thân già và chăm nom ba đứa trẻ, hở ra thì gánh ba gánh nước tưới, vì nhà có trồng được mấy luống rau.

Người ấy khai rằng mình đã làm việc 11 năm nay, thuỷ chung cho một sở đó, mà vẫn ăn công nhật. Từ tháng 6-1932 về trước anh ta ăn 0$45 một ngày. Hóa nên tháng 31 ngày được 13$95, còn tháng 30 ngày được 13$50.

Dạo ấy anh ta còn được tiền phụ cấp cho con cái nữa. Vốn là ba đứa con, nhưng rủi một đứa bị mất giấy khai sinh, nên chỉ khai có hai đứa, mỗi đứa được 1$00, cộng với số lương anh ta, tháng đủ được 15$95.

Một cái gia đình ngần ấy miệng ăn, ở giữa thành phố Hà Nội này, chỉ nhờ vào đồng lương đó, ngoài ra không còn có sinh lợi gì nữa, thì sống cơ sống cực cho qua ngày, kể cũng là đủ sống.

Đến tháng 7-1932 về sau, công nhật người ấy chỉ còn có 0$40. Còn số tiền 2$00 phụ cấp cho hai đứa con thì đã mất từ đầu năm 1932. Bởi vậy lâu nay anh ta vẫn đi làm việc như thường, mà lương chỉ còn có 11$40 một tháng nếu tháng 31 ngày  là tháng đủ.

Còn có một điều đáng để ý trong số tiền ấy nữa, ta chịu khó tính ra thì biết. Điều ấy tức là: trước kia ăn công nhật 0$45 thì không trừ ngày chủ nhật mà nay ăn 0$40, lại phải trừ chủ nhật!

Nếu trong những người làm việc Nhà nước bị bớt lương mà phải lâm vào cảnh khổ, thì duy có hạng người này mà thôi, có phải vậy không?

Thì thử tính mà xem. Dù cho thức ăn thức dùng có rẻ đến đâu đi nữa là 11$40 cũng không tài nào đủ cho một cái gia đình bảy miệng ăn được vậy.

Phô bày cái cảnh khổ này ra, chúng tôi duy có một ý mong quan trên châm chước cách nào cho hạng người này khỏi bị bớt lương, thế thôi.

P. K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 11 (26. 11. 1933), tr. 1-2.