CẢI LƯƠNG HAY TRUNG DUNG?

Một ông Phán, mẹ qua đời, về làng làm đám bà cụ rồi trở ra Hà Nội, than thở với những người quen rằng: "Chẳng cải lương thì chớ, vì cải lương nên vừa rồi đám nhà chúng tôi ngoài số bạc mấy trăm đáng tốn, còn tốn thêm 60$ nữa". Ai nghe cũng lấy làm lạ: mục đích cải lương là để cho đỡ tốn, sao lại tốn thêm?

Ông Phán bèn kể đầu đuôi.

Số là làng ông từ trước, hễ nhà nào gặp việc hiếu thì cũng đều bị buộc phải theo lệ vay trả nợ miệng như các làng khác. Nghĩa là giết lợn giết bò, làm bàn làm cỗ, mời người ta tới ăn uống cho no say, rồi đến phiên nhà họ có người chết, họ lại mời mình ăn lại. Bằng không làm thế thì chẳng những thiên hạ trách móc cho, mà còn chửi là đồ keo kiệt nữa.

Ba năm trước đây, các cụ Cử cụ Tú trong làng nghĩ cho như thế là hủ bại, bèn xướng ra cái thuyết cải lương. Các cụ cho sự ăn uống như vậy là phí mà vô ích, thôi thì rầy về sau, nhà ai gặp việc hiếu khỏi phải buộc theo lệ cũ, mà chỉ đại nạp 60$ vào quỹ làng để làm việc công ích là hơn. Cả làng từ tiên chỉ đến đàn em đều ưng thuận, vì nghĩ được như thế là tiện lắm.

Nhưng muốn xử cho đắc trung, trong bản điều luật cải lương, các cụ găm thêm một câu rằng: "Ngoài 60$ nộp vào quỹ làng ra, không có bắt buộc gì nữa; song ai có lòng hảo tâm báo hiếu dân làng một diên thì cũng tuỳ tình, không cấm".

Vì cái câu găm ấy, ‒ ông Phán nói, ‒ ba năm nay, nhà nào có đám hiếu đã nạp 60$ rồi, cũng còn phải thửa bàn thửa cỗ trả nợ miệng như xưa, trước tốn đồng nào nay tốn đồng nấy không sai một cạnh; và nhà ông phen này cũng vậy. Vì rằng trên giấy mực các cụ đã cho chuyện ấy là "hảo tâm", nếu mình không làm thì ra cái tâm mình không hảo, bụng không yên!

Rõ là các cụ cũng còn mượn hai chữ "hảo tâm" để chửi khéo người ta. Như thế mà bỏ tục ăn uống sao được? Như thế mà bảo cải lương gì được?

Lạ gì các cụ Cử cụ Tú ta làm việc gì cũng giữ mực trung dung cả mà! Trong sách ấy có câu này: "Muôn vật cùng nuôi mà chẳng hại nhau; đạo cùng làm mà chẳng trái nhau", ‒ ấy đó chính là cái nền mà các cụ lập điều luật cải lương bên trên vậy.

Phải, nhất diện thì nạp 60$ vào quỹ làng hầu đỡ việc công ích, nhất diện thì giết lợn đãi làng để tỏ chút hảo tâm: hai điều đó chẳng trái nhau mà cũng chẳng hại nhau, các cụ cứ y như sách mà làm.

Cái đạo trung dung là cái đạo rất tốt, người Tàu và người Việt Nam thích nó lắm, và hễ cựa làm ra việc gì cũng hợp với nó cả.

Ở bên Tàu vừa rồi, Uông Tinh Vệ chủ trương nhất diện thì đề kháng, nhất diện thì giao thiệp; Tưởng Giới Thạch chủ trương nhất diện thì kháng Nhật, nhất diện thì tiễu Cộng. Cái đức trung dung của họ thật rất mực vậy thay!

Sức đâu cho đủ mà vừa kháng Nhật lại vừa tiễu Cộng nữa? Đã dốc lòng đề kháng thì còn giao thiệp làm gì? Song hai phương diện ấy nó vẫn không hại nhau và không trái nhau, thì hai ông thánh ấy cứ làm.

Người Việt Nam không có cái đức trung dung to tát như người Tàu thì cũng nhất diện đại nạp 60$ vào quỹ làng, nhất diện giết lợn giết bò đãi khách, như thế rồi ai hao tốn mà hết nghiệp thì cũng mặc kệ họ!

BƯỚNG NHÂN

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 66 (9. 6. 1933), tr. 1, 2.