CÁI TẾT NGUYÊN ĐÁN DÙ VÔ VỊ,

NHƯNG CHƯA BỎ ĐƯỢC

Quả đất cứ quay lấy mình mỗi ngày một vòng mãi mãi, từ trước chẳng biết lúc nào là thuỷ… vô thuỷ, đến sau chẳng biết lúc nào là chung… vô chung.

Cái thời gian man mác ấy cũng như cái không gian man mác. Loài người đối với nó, cả hai đều là bất khả tư nghị.

Tuy vậy, nói đến sự cần dùng thì loài người đối với cả hai đều có sự cần dùng. Tục ngữ có câu: “Sống lai lai lang láng…”, nhưng dù lai lai lang láng thế nào đi nữa cũng chẳng ai sống ra ngoài không gian và thời gian được.

Nhân có sự cần dùng của sự sống ấy người ta mới phải tìm cách chia không gian và thời gian ra từng quãng để làm giới hạn, tiện cho sự ghi nhớ của mình. Về thời gian, nhân đó có năm có tháng.

Năm là gì? Tháng là gì? Chẳng gì lạ cả: chỉ là những cái “mốc” của thời gian.

Trên đường cái quan từ Hà Nội vào Huế chẳng hạn, từng chặng, người ta thường dựng những cái mốc bằng đá trắng, mỗi nghìn thước một cái lớn, mỗi trăm thước một cái nhỏ, theo số thước mà ghi chữ, để cho người đi đường biết chừng, thì cái năm cái tháng cũng vậy: về khoảng thời gian dằng dặc, năm tức là cái mốc lớn, tháng tức là cái mốc nhỏ.

Đi đường cái quan, cần phải có những cái mốc đá trắng làm giới hạn cho không gian, thì “đi đường đời” cũng cần phải có những cái mốc từng năm từng tháng để làm giới hạn cho thời gian.

Một sự nhân bởi sự cần mà đặt ra. Một sự rất thường.

Có ai nhịn cười được nếu thấy một người đi đường cái quan cứ tới chỗ một cây số thì nghỉ lại mà đốt pháo cúng mừng và hỉ hạ trong ba ngày rồi mới lại đi chăng? Cái cử chỉ điên cuồng ấy, đời không thể có được, nếu có, chúng ta cười vỡ bụng ra cũng nên.

Thế thì ba trăm sáu chục ngày, quả đất xoay giáp mặt trời một vòng, người ta dựng ngay ở đó một cái mốc, kêu là một năm, việc gì mình đi tới đó lại đốt pháo cúng mừng, ăn chơi hỉ hạ?

Nói nội chừng mấy mà nghe, đủ thấy cái việc làm ấy là vô nghĩa. Tết nguyên đán là vô vị.

Nó, sự ăn tết nguyên đán, chỉ là cái thói sót của dân bán khai, chứ chẳng phải sự nên có của xã hội văn minh.

Người Việt Nam ta hiện nay đã có phần nhiều hiểu thấu lẽ ấy rồi. Tuy vậy, sự ăn Tết, ngay bây giờ, quyết chưa có thể bỏ đi được. Bởi có mấy cớ:

[………………..] (a)

Người ta làm lụng khó nhọc quanh năm, phải có những ngày nghỉ ngơi thong thả. Phần nhiều dân ta ở nhà quê làm việc luôn luôn, không nghỉ chủ nhật, thì cũng nên  thừa những ngày Tết để mà nghỉ.

Nói đến sự ăn uống của bần dân ta thì thật là tối khổ: nhiều kẻ hằng năm chẳng thấy đến lát thịt. Ngày Tết, không nhiều thì ít cũng đủ cho họ ăn lấy có.

Ngày Tết cũng lại là ngày giúp cho cuộc kinh tế bản xứ nữa. Nói một khoản lợn, nếu chẳng có ngày Tết thì lợn của người ta nuôi ra, chẳng biết làm gì cho hết; cho đến các vật khác cũng vậy. Thật, dân ta phải nhờ cái Tết để tiêu thọ vật sản và lưu thông tài hóa.

[…………………] (b)

Duy có đốt pháo, đốt vàng mã, làm những việc xa xỉ quá thì mới có hại; bằng không, thì ăn Tết rất có ích lợi về đường kinh tế bản xứ, chẳng có gì mà kêu gào đòi bỏ Tết. (c)

P. K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 22 (11. 2. 1934), tr. 1.

Chú thích

(a)  Chỗ này báo gốc chấm lửng cả một dòng, dự đoán có một đoạn bị bỏ khỏi khuôn chữ trước lúc báo in.

(b)  Chỗ này báo gốc chấm lửng cả một dòng, dự đoán có một đoạn bị bỏ khỏi khuôn chữ trước lúc báo in.

(c)  Sau số đăng bài này, Phan Khôi rời tòa soạn P.N.T.Đ. ; người thay thế ông ở vị trí chủ bút tờ này sẽ là Nguyễn Triệu Luật, nhưng tờ báo cũng chỉ ra được tới số 26 (6. 6. 1934) rồi đóng cửa.