Câu chuyện liên hoàn

Hơn tháng nay ở Nam Định có ra một cái tạp chí mới gọi là Minh nông, các báo Hà Nội chẳng báo nào nhắc đến tên tuổi nó. Duy có Kinh tế cũng lại là cái tạp chí mới ra ở Nam Định, thường hay có bài công kích Minh nông.

Tội nghiệp! Các báo Hà Nội cũng lại chẳng báo nào nhắc đến tên tuổi Kinh tế. Vì vậy hôm nay tôi làm phúc mà giới thiệu chúng nó cùng độc giả, nhân thể làm thành câu chuyện liên hoàn.

Chủ nhiệm Minh nông là ông Nguyễn Phả, vốn người làm việc nhà buôn hay nhà nước gì đó, bình sinh ông chưa hề vác cái cày trên vai. Bởi vậy ông Nguyễn Xuân Ngoạn, chủ bút Kinh tế mới mang ra mà chỉ trích, bảo rằng: "Ông Phả chưa hề cầm cái cày, chưa hề biết con trâu thở ra đằng mồm hay đằng đít, thì sao lại dám làm chủ báo Minh nông là tờ báo nói tinh về việc làm ruộng?"

Câu chuyện ấy chỉ lanh quanh trong một xó thành Nam mà thôi. Giá nó lên đến Hà Nội thì sẽ có người nối theo mà công kích ông Ngoạn.

Người ấy, trước hết, sẽ là ông Nguyễn Công Tiễu, vì ông Tiễu là nhà khoa học, có chân trong việc khảo cứu khoa học ở Đông Dương.

Kinh tế số 3, bài xã thuyết cắt nghĩa hai chữ kinh tế, báo ấy cả gan viết rằng: "Hai chữ kinh tế theo như văn Tây phiên dịch thì tức là các việc buôn bán thông thương: vận đem tài sản ở chỗ có đến chỗ không, để tế độ cuộc sinh hoạt cần kíp của loài người, thế gọi là cuộc kinh tế. Nói cho rộng ra thì việc cày cấy, việc thợ thuyền, việc học hành, hết thảy các nghề nghiệp làm ăn gồm bốn nghề lớn sĩ, nông, công, thương, đều gọi là kinh tế cả."

Như thế, kinh tế ban đầu chỉ là nghề buôn bán thông thương, sau lại, thế đếch nào thành ra gồm cả sĩ, nông, công, thương bốn nghề lớn? Ấy vậy mà cũng giải nghĩa kinh tế!

Ông Nguyễn Công Tiễu sẽ căn cứ ở cái tinh thần của khoa học, nói rằng: "Ông Nguyễn Xuân Ngoạn giải nghĩa kinh tế bậy bạ như thế, rõ ra ông chưa hề biết một chút nào về kinh tế, thế thì sao ông lại dám đứng mà chủ trương báo Kinh tế? "

Nhưng, sau lưng ông Nguyễn Công Tiễu lại có ông Dương Bá Trạc, ông này là nhà văn học, làm chủ tạp chí Văn học, sẽ công kích lại ông Nguyễn Công Tiễu. Ông Trạc nói rằng: "Khoa học tạp chí nên chuyên bàn soạn giảng giải về cái tinh thần khoa học, cũng như Văn học tạp chí chuyên bàn soạn giảng giải về cái tinh thần của văn học. Vậy mà trong tạp chí của ông Tiễu chỉ chất đống những bài cỏn con cắt nghĩa về tạp vật như những bài tạp vật học (Leçon de choses) trong nhà trường thế thôi, thì còn xứng đáng nỗi gì? Như thế rõ ra ông Tiễu chưa biết khoa học là gì, sao dám chủ trương tờ Khoa học tạp chí?"

Sau lưng ông Trạc lại có ông Hì Đình Nguyễn Văn Tôi, ông này quen tính khôi hài, nên lại lấy giọng khôi hài mà công kích ông Cử Dương rằng: "Thôi đi ông Cử, ông cũng chẳng rồi chi, đừng lo nói… Cái tạp chí của ông tự xưng là cơ quan giảng giải bàn soạn về quốc văn, thế thì sao ông lại dạy tiếng Ăng-lê và Quảng Đông, nghe nói còn sẽ dạy thêm Ma-la-bà nữa? Ông cũng chưa xứng đáng làm chủ nhiệm của tạp chí ấy".

Hì Đình vừa dứt lời thì bọn Tứ Ly, Nhất Linh, Nhị Linh gì gì đó đã nổi lên, nói với Hì Đình rằng:

"Ấy thôi bác Hì Đình! Cái nghề hài đàm là nghề chuyên môn của bác, thế mà hài đàm của bác đọc lên không thấy tức cười, bác còn nói được ai?"

Câu chuyện liên hoàn này giá nối thêm hoài thì nó dài đến mấy cây số mà chẳng được; nhưng hãy tạm thôi. Cốt chỉ để cho ai nấy hiểu ở xứ ta, minh nông chẳng ra minh nông, kinh tế chẳng ra kinh tế, khoa học chẳng ra khoa học, văn học chẳng ra văn học, mà cho đến hài đàm cũng bất thành kỳ vi hài đàm.

 BƯỚNG NHÂN

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 70 (13. 6. 1933), tr. 1, 7.