Lục bát gián thất

CHƠI THUYỀN SÔNG TÂN BÌNH

 

Hai năm 1926-1927 tôi đã ở Sài Gòn. Ở đó không yên thân vì những điều vô lý, có người bạn đưa tôi về ở trong rừng Cà Mau vào khoảng mùa thu năm 1927. Cà Mau là một tỉnh mới, sát biển. Từ đó theo sông chạy tàu một buổi về hướng tây nam, tới chợ Thái Bình. Lại từ Thái Bình đi thuyền một đêm, cũng hướng ấy, đường đất ước chừng trên 30 cây số nữa thì tới chỗ rừng tôi ở. Khu rừng này về phần đất xóm Tân Bình, cũng thuộc làng Thái Bình. Một làng mà rộng như thế là vì đất chưa khai phá hết, trên cạn chưa có đường đi, chỉ do đường thủy. Chỗ tôi ở đó là một cái đồn điền của người bạn, mặt sau thì rừng, mặt trước thì sông, không có đường, không có đường sá chi cả, dù muốn đi bách bộ cũng không có đường. Bên cạnh cái trại đồn điền, có một cái rạch từ rừng chảy ra sông, kêu bằng “rạch Tân Trào”; người ta nói xưa kia vua Gia Long có lần bị quân Tây Sơn đuổi, đã chạy trốn vào đó, cho nên nó mang cái tên ấy.

Tôi ở đó non hai tháng. Hằng ngày chỉ đọc sách, thỉnh thoảng lại nói chuyện với bọn cu-li đồn điền mà thôi. Buồn quá nên mỗi buổi chiều thì thả thuyền mà đi chơi trong sông. Một hôm đi chơi về, có hứng, tôi làm bài này. Trong bài có dùng những chữ chỉ về cảnh vật tại đó, nếu không có chua thì không hiểu, vậy tôi sẽ làm dấu mà chua ở dưới.

 

 

Eo đất vắt rừng già ra nước,

Thành con sông xanh biếc, dài ghê;

Khỉ ho cò gáy tư bề (1) 

Ta đem thân đến chốn này làm chi?

Nhớ từ trẻ gian nguy từng trải,

Bước giang hồ bước mãi chưa thôi;

Mảnh thân còn chọi với đời,

Hiểm nghèo là bạn, bơi vơi là nhà!

Cảnh hiu quạnh có ta có chủ;

Bằng không ta, chẳng phụ hóa công.

Vẽ ra cái cảnh lạ lùng

Mà cho cọp biển, cá đồng hay sao? (2)

Xuồng ba lá đây nào, chàng Thổ (3)

Rượu đế mang theo mỗ lưng bầu; (4)

Mũi chàng trước, lái ta sau,

Mái chèo khoan nhặt, con trào ngược xuôi.

Bóng chiều nhuộm lan mùi vàng úa,

Khói nước chen mây bủa lưng chừng,

Vạch lau rẽ khói tung tăng,

Trên trời, dưới nước, bên rừng, giữa ta!

Lố túp lá sà sà trong ngút,

Chợt thuyền con vùn vụt ngang giòng;

Nguồn Đào có phải đây không?

Vũng Lương Sơn phưởng phất cùng là đây!

Vừng ác lặn, lùm cây đen sạm,

Vào càng sâu càng lắm vẻ u:

Rặng dừa lướt gió vu vu (5)

Chim về ổ thốt, vượn ru con chuyền.

Bỗng cái sạt, mé triền hùm vọt;

Bật sáng lòe, ngọn đuốc ma trơi…

Ó vùng dậy; khỉ reo cười;

Trăm yêu ngàn quái nhè người mà trêu!

Thoạt đằng mũi, giá chèo toan đánh,

Lái bạt ngay, phòng tránh cơn nàn;

Ủy kìa rắn hổ phùng mang (6)

Vượt sông nổi sóng, băng ngàn như tên;

Vụt đáy nước, trồng lên cây trụ,

Hẳn đây rồi, cá sấu quých đuôi (7)

Trăm cái sợ cướp cái vui,

Tới đành chẳng tiện, muốn lùi chỉn khôn!

Sởn tóc gáy bồn chồn tấc dạ,

Vững tay chèo, nấn ná hồi lâu…

Vừng trăng như hẹn hò nhau,

Trồi lên mặt biển, dọi vào gầm hang;

Gợn nát bóng, cá vàng dỡn nước;

Lá lật sương, chim bạc đeo cành;

Xa trông rừng thắt khung xanh,

Sông phơi dải lụa trắng tinh một màu!

Rỡ muôn tượng như chào lại khách,

Lặng một chiều dường trách lấy nhau…

Cảnh sao biến đổi quá mau,

Rõ hai thế giới trước sau nửa giờ!

Lặng đối cảnh những ngờ mộng mị,

Hoặc là do tâm lý mà ra:

Chột lòng thì mắt phải hoa:

Cảnh nguyên có một, tại ta hai lòng?

Cặn triết học rót không lựa chỗ,

Rót vào tai chàng Thổ lại ra…

Tầm u bước đã quá xa,

Canh khuya, sương nặng, vội mà về đi.

Xoàng hơi cúc khì khì cười mãi,

Tóc phất phơ dường chải bóng trăng,

Giữa giòng chiếc lá thung thăng,

Lần dò lối cũ, bâng khuâng chạnh niềm:

Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi,

Lại phen này lạc lối tới đây.

Một đêm cảnh vội đổi thay,

Rồi ra sao nữa sau này trăm năm!

Ngâm mấy vận tạm làm du ký,

Chép gởi người tri kỷ đường xa.

Người như rõ biết ý ta,

Thì nâng chén rượu mà ca khúc này…

 

                            PHAN KHÔI

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 3 (1. 10. 1933), tr. 12-13.

Chú thích

(1) “Khỉ ho cò gáy” là tiếng tục ở đó, cũng như nói “chim kêu vượn hú”.

(2) Rừng ở đó có cọp, vì gần biển nên gọi là “cọp biển”, người Tây gọi là “tigre marin”. Đồng ruộng ở đó nhiều cá lắm, hễ mưa xuống, chỗ nào đọng nước là có cá, gọi là cá đồng.

(3) Cái thuyền nhỏ, ghép bằng ba tấm ván, gọi là “xuồng ba lá”, tức là “tam bản”. Ở đó có nhiều người Cao Miên ở, họ hay làm tá điền cho người mình, gọi là “Thổ”.

(4) Rượu đế là rượu lậu, ngon lắm, vì nấu trong những bụi đế nên gọi thế.

(5) Dựa bờ sông có thứ cây dừa nước mọc lên sum sê lắm, ngó như rặng núi vậy.

(6) Ở đó có thứ rắn hổ lớn lắm, có khi bắt người ta, nó bò trên cạn và lội dưới sông cũng được.

(7) Sông này nhiều cá sấu lắm.