CHỮ NHO BÀ ĐỐC SAO  

Trước rày trong làng báo phát ra nhiều cái án dùng chữ nho không đúng, chắc độc giả phải lấy làm lạ. Lạ vì sao đã là nhà báo, làm thầy làm thợ trong nghề viết, mà lại còn dùng không đúng chữ nho?

Nhưng tôi xin bà con đừng lấy làm lạ nữa. Đến như bà Đốc Sao mà còn viết chữ nho không đúng, thì bảo ai viết đúng được ư?

Tôi nói vậy, không phải lấy cớ bà Đốc Sao hay chữ nho ‒ bà ấy có biết chữ nho cùng chăng, tôi không được rõ; nhưng chỉ lấy cớ bà Đốc Sao là vợ ông Hoàng Tích Chu, bạn đồng nghiệp đáng tiếc của chúng ta vậy.

Số báo hôm qua, tôi đã nói cái bia nơi mộ ông Hoàng Tích Chu chỉ có năm chữ mà lầm hết một chữ, một chữ lại nhè vào cái tên đệm của ông Hoàng.

Thật vậy, tôi cũng như nhiều người khác, biết rằng cái tên Hoàng Tích Chu, chữ "Tích" ấy nghĩa là cho. Hẳn còn có danh thiếp của ông hoặc cái lạc khoản trên câu đối ông tặng người ta để làm chứng. Thế mà trên tấm bia dựng ở mộ ông hiện giờ, năm chữ "Hoàng Tích Chu chi mộ" lại viết chữ "Tích" là chứa.

Cái bia ấy ai dựng? Bà Đốc Sao. Bà Đốc Sao tự xưng là Madame veuve Hoàng Tích Chu (a) hiện đương cư tang thủ hiếu cho chồng ở phố Khâm Thiên đó mà.

Cặp vợ chồng này trước đây là chính thức hay phi chính thức, cái đó nay chẳng hỏi đến làm chi. Người ta chỉ trông vào chỗ bà Đốc Sao đã nuôi ông Hoàng trong khi đau ốm, đã làm ma ông, đã thu dưỡng mụn con trai của ông để lại, thì đủ biết cái tình của bà ấy đối với ông Hoàng là nặng lắm, có thủy chung lắm. Dầu rằng người ngoài vẫn kêu bà ấy là bà Đốc Sao chứ không kêu là bà Hoàng Tích Chu mặc lòng, bà ấy đã tự xưng là Madame veuve Hoàng Tích Chu,  (b) thì còn ai biết đúng cái tên ông Hoàng cho bằng bà ấy nữa?

Có tình nặng với ông Hoàng, lại đội tên ông Hoàng, con người ấy, có ai còn ngờ được rằng viết lầm chữ “tích” cho ra tích chứa? Vậy mà lầm được đi, than ôi!

Bạn là bạn tri tâm cùng nhau, biết đến tận cái lòng, há lại cái tên mà chẳng biết? Vậy mà dám lầm tích cho ra tích chứa, than ôi!

Vợ đối với chồng còn như vậy, bà Đốc Sao đối với ông Hoàng Tích Chu, bạn đồng nghiệp đáng tiếc của chúng ta, còn như vậy, huống chi là những người làm báo.

Ông chủ bút hay là ông trợ bút nào đối với tờ báo của mình viết, há có tình nặng như vậy ư? Há có đội tên tờ báo suốt một đời mình như người quả phụ ấy ư? Thế thì một đôi khi người ta lầm chữ này ra chữ khác, cũng chẳng gì đó mà chẳng dung thứ được.

Thôi, chúng ta hết thảy cũng nên đánh chữ đại xá cho nhau.

BƯỚNG NHÂN

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 80 (24. 6. 1933), tr. 1.

Chú thích

(a)  Có lẽ ý tác giả là chữ ‘tích’     mà nghĩa động từ là ‘cho’, đã bị lầm với ‘tích’   mà nghĩa động từ là ‘chứa’ ; dạng chữ Hán họ tên Hoàng Tích Chu có lẽ là

(b) Madame veuve Hoàng Tích Chu (chữ Pháp) : Bà quả phụ Hoàng Tích Chu.