CHUA VÓI  (b)

Trong số 4 vừa rồi, nơi bài "Cử nhân mà phạm luật" ở mục "Dưới mắt chúng tôi" nói về ông Nguyễn An Ninh, có câu rằng:

"Có kẻ bảo ông là thằng cha đốt rơm đời xưa mà rủi bị Ngọc Hoàng ban quở…"

Câu ấy lấy điển ở câu phong dao:

"Ngồi buồn đốt một đống rơm,

Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào;

Khói lên thấu đến thiên tào,

Ngọc hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?"

Trong khi dùng điển ấy vào bài, chúng tôi tưởng một câu phong dao có thú vị đến như thế chắc không còn lạ gì với độc giả, cho nên không để lời chua. Khi báo ra rồi, thấy một vài người hỏi chúng tôi liền, sau đó lại tiếp được vài bức thư cũng hỏi về câu ấy; vậy chúng tôi xin vói chua như trên đây để trả lời chung tất cả.

Nhân tiện cũng giải luôn rằng câu phong dao ấy chế giễu việc đời một cách rất sâu sắc dù rằng câu văn như là ngây ngô lơ lửng mà, duy nó ngây ngô lơ lửng thì cái ý chế giễu mới càng sâu sắc. Thơm gì thứ rơm mà phải đợi đốt nó lên khói rồi mới biết là chẳng thơm! Đốt gì thì hỏi cho đáng, chứ chi thứ đốt rơm mà cũng hỏi! Ngọc hoàng hỏi, tưởng hỏi gì, hỏi "đứa nào đốt rơm?" thì câu hỏi cũng chẳng đến nỗi làm gì ai! Ấy, chế giễu như thế là sâu sắc, chẳng những một mình anh đốt rơm bị mà thôi, người ban quở cũng bị nữa!

TÒA SOẠN

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 5 (15. 10. 1933), tr. 17-18.

Chú thích

(a) tình diện : vị tình vị mặt, vị nhau, hậu đãi nhau, ơn nghĩa cùng nhau (H.T.Paulus Của, sđd.).

(b) "chua" 主朱                   (nôm) nghĩa là ghi chữ nhỏ bên cạnh chữ lớn để dẫn giải, cắt nghĩa thêm; "vói" (nôm, như "với" động từ) nghĩa là vươn tay ra cho tới một vật gì hơi quá tầm tay mình; ở đây tác giả đặt là "chua vói" tức là sự ghi chú, dẫn giải này vói lên một chi tiết ở kỳ báo ra trước.