CỦA MẦY CỦA TAO

Thiệt xui quá! Bị có mấy năm đồ khổ mà dân An Nam ta chịu không biết mấy tiếng oan: nào là dân An Nam ham theo cọng sản, dân An Nam không biết giữ của, dân An Nam giỏi khóc la hoài… dân An Nam… dân An Nam… thôi! kể cho hết chỗ đâu mà chép!

Biết An Nam hơn ai hết, một ông bạn đồng nghiệp Pháp ở đây, mới hôm qua, khi không vùng chúc ước chớ chi xứ nầy có được một cái công đồng cọng sô-viết lấy 48 giờ thê, để quét sạch những nỗi bất bình nọ đi cho rảnh.

Không được đâu ông, ông nóng lòng nghĩa hiệp mà giận giùm cho An Nam chúng tôi, thì chúng tôi đội ơn, chớ theo bổn tánh của dân này mà cọng sản làm sao được?

Đó ông coi: cọng là hiệp mà họ tính tinh những là chuyện chia hông; hết chia của, tới chia ranh chia rấp, chia xóm chia làng, không có một chút nghĩa gì là đại đồng liên hiệp hết.

Ông cũng biết: cái khởi điểm của những cuộc biểu tình mà người ta đặt tên là cọng sản kia, đã phát hiện ở Lai Vung (Sa Đéc) vì vấn đề xin giảm thuế phụ trội của làng chớ có phải công phải cọng gì đâu. Thế rồi những bọn thừa hành công vụ ranh con họ phụ hoạ với mấy anh nóng nảy muốn ra đời mà lập công thôi khá dại!

Bởi thấu cái lẽ ấy nên ngay hồi ngài mới nhậm chức, quan Chánh Biện lý tòa Sài Gòn là ông Canavaggio đã từng tha một lần đến mấy trăm người bị giam vì "cọng sản".

Bởi thấu cái lẽ ấy, nên hiện nay quan Bồi thẩm Lavau mới giao một lần đến 50 bổn hồ sơ cho lục sự để làm giấy tha 50 người đã bị tình nghi cọng sản nữa.

Bởi thấu cái lẽ ấy, nên tiếng quan Trạng sư Charles Gallet mới giăng giăng giữa Toà trên mà cười cái cách sốt sắng sai lầm của ty Hình chánh: "Cọng sản gì các ảnh! ông Gallet nói, các ảnh chỉ có ham đốt pháo mà sợ tốn, rồi bày đặt góp tiền túi của mấy cậu khờ đặng đốt chơi cho phỉ chớ!" Cái tiếng "cọng sản đốt pháo" đã nảy sanh từ đấy.

Thật vậy! Dân An Nam chúng tôi không thế nào cọng sản được đâu các ông ơi! Vì cái thói "của mầy của tao" nó vẫn in sâu trong khối óc họ đã lâu đời lắm.

Tôi nhớ hồi lúa còn phát giá, đâu lối năm 1924-25, có một nhà đại điền chủ họ Đỗ tên Cang ở làng Gia Hội (Sóc Trăng), − giáp ranh với Hưng Hội (Bạc Liêu) − khi không vùng cho ruộng đất của ông ta nghỉ. Cho đất nghỉ mà ông vẫn đóng thuế đủ cho nhà nước, vì không đóng đủ có ai nghe.

Trong lúc ấy phải có tay nông phu nào lân cận với ông chạy tới nói: "Thưa ông, đất ông nghỉ không mần hư cũng uổng. Vậy ông để tôi mần cho nó tốt, tiền thuế về phần tôi chịu cho khỏi tốn của ông". Có lẽ ông Đỗ chịu liền.

Cái nầy không! Họ nói đất của ổng, ổng có quyền cho nó nghỉ, can gì mình mà xía miệng làm chi! Thậm chí đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm, mà họ còn không chịu thả trâu ăn, vì họ nghĩ: "Trâu ta ăn cỏ đồng ta, đói no chịu vậy chớ qua đồng người".

Phải mà! Đầu ai chí nấy, việc ai nấy lo, của ai nấy làm, chết ai nấy chịu, mình cần biết tới làm gì! Bị quên cái lẽ ấy mà anh Đường ảnh mắc nhơn mạng kia. Ảnh thấy thằng mười Xi nó mê sa vợ bé, nó chỉ biết ấm cúng có một mình nó, bỏ con vợ lớn nó nằm trần dưới gạch trơn, giữa đêm đông trời lạnh, ảnh vì lòng bác ái (hay vì tiếc của đời tôi không hiểu) mà nhường mền cho cỏn đắp mới đêm đầu…

Có bấy nhiêu đó mà thằng Xi nó nóng của (của nó dư hất hủi) sanh ra xung đột cho bỏ mạng với lưỡi dao "con chó" của bạn Đường.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6914 (7. 1. 1933)