Đã lại có kẻ điều đình

Nhân vì ai nấy đều như là đích tôn, ăn hương hỏa phượng tự của sách Trung dung, xã hội ta mới hóa ra lúc nào chỗ nào cũng thịnh hành cái thuyết điều đình. Mới ngày nào có người đứng ra “điều đình cái án quốc học”, thì đã có người phản đối ngay, hô lên ba chữ “bất điều đình” rồi; vậy mà hôm nay cũng còn có kẻ đứng ra nữa, điều đình nữa!

Điều đình một việc giữa trời, như cái án quốc học, tuy sự điều đình là dở cũng còn có thể khoan thứ được. Đến như một việc mà sự lợi hại đã rõ là không dung nhau, người đương cuộc muốn đoạn tuyệt quan hệ sớm ngày nào hay ngày nấy, thế mà cũng còn a vào mà đòi điều đình, thì sự điều đình ấy mới càng là đáng ghét cho!

Có người thiếu niên tên mỗ đã có vợ và có một con. Vốn con nhà khá, nhờ của cha mẹ để lại cho, mỗi tháng thu vào non trăm bạc, anh ta cứ việc ăn chơi huy hoắc. Chẳng biết vì cớ ấy hay còn vì cớ gì nữa mà trong gia đình sinh ra bất hòa. Bốn năm tháng trước đây, người vợ đã đưa đơn ra Tòa án Hà Nội xin ly dị. Tòa xét không đủ lẽ, nên có khuyên hai vợ chồng lại đoàn tụ cùng nhau. Từ đó rồi hai người càng chểnh mảng. Nhất là tên mỗ ngờ quyết cho vợ mình có ngoại tình. Sự xung đột nhau là sự thường.

Hôm mới đây, người vợ có việc gì đi ra phố, anh chồng cỡi xe đạp đuổi theo, chém nàng đương ngồi trên xe tay. Chém rồi chàng bỏ trốn; nhưng kế đó anh ta đã bị bắt; nay việc đã đem ra Tòa.

Việc như thế, chưa biết lỗi ở bên nào, chúng tôi chỉ theo báo hằng ngày mà thuật lại đây, không để lời phán đoán. Có điều chúng tôi biết chắc chắn là cặp vợ chồng này không còn có thể ở đời với nhau được nữa.

Thế mà có ông kia lấy tư cách là người quen của đôi vợ chồng ấy, viết một bài đăng trên tờ báo nọ để điều đình. Lấy lẽ gì? Người ấy nói rằng:

“Sự đã xảy ra như thế, vợ chồng ông mỗ nên thu xếp với nhau mà đoàn tụ, đừng mở cửa cho gió lọt vào…”

Ô hay! Sự đã xảy ra như thế, nghĩa là vợ đã xin ly dị một lần rồi, nay chồng lại đã chém vợ nữa, đó chi? Sự chưa xảy ra như thế thì mới còn mong thu xếp mà đoàn tụ; chứ nay sự đã xảy ra như thế rồi, sao lại còn thu xếp gì nữa? mà đoàn tụ gì nữa? Sợ gió lọt là trong khi cửa chưa mở kia, nay chẳng những cửa đã mở toang mà vách tường cũng lại phá rồi, thì còn kể gì gió lọt với không lọt?

Hay thay cho cái chước điều đình của người mình! Không kể tình lý trong việc ấy ra sao, không kể kết quả của cái thuyết mình ra sao, cứ hễ gặp hai bên xung đột là tương cái diệu kế điều đình ra. Thật là vô vị! Thật là khả ố!

Vợ chồng mà bởi sự rầy rà nhau hay đánh đập nhau rồi toan để bỏ nhau, thì mới còn mong thu xếp mà đoàn tụ được; vì sau đó có thể xin lỗi nhau mà nói rằng: “Tôi vì nóng mất khôn, nhỡ phạm đến mình, xin mình đánh chữ đại xá!” Chứ còn đã đến cầm dao chém nhau, thôi còn mở miệng mà xin tha thứ được dư? Ví dù có dạn miệng xin tha thứ đi nữa, người bị chém há có lòng nào mà tha thứ được dư? Thế mà bảo thu xếp, thì còn gì bất thông hơn?

Theo chúng tôi thì vợ chồng nhà này nên ly dị nhau từ trước kia mới phải. Ngặt vì Tòa xét không đủ lẽ nên đã giải hòa mà không cho ly dị.

Vợ chồng lấy nghĩa họp nhau, lấy tình buộc chặt nhau, hai người làm một. Khi một trong hai người đã đổi lòng, không còn tình nghĩa gì nữa, mà lại ép phải ở cùng nhau, ấy là, không sớm thì muộn, cái họa trong gia đình. Huống chi, chém nhau may chưa chết mà lại có người điều đình cho đoàn tụ, thì sau này một lần nữa ắt sẽ chém nhau đến chết.

Trong Kinh Thánh, chỗ nói về đạo vợ chồng, có dạy như vầy: “Vợ chồng là hai người mà Đức Chúa Trời đã cột lại thì không ai được cổi ra”. Nhưng ở đây chúng tôi xin nói rằng: “Hai người vợ chồng đã tự cổi nhau ra thì dù Đức Chúa Trời cũng không cột lại được!”

Thế mà có ông An Nam chúng tôi lại đòi cột lại! Thế mà có ông An Nam chúng tôi lại khuyên cặp vợ chồng đã cầm dao chém nhau ấy phải thu xếp mà ở mãn đời cùng nhau!

Điều đình ôi là điều đình! (a)

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 3 (1. 10. 1933), tr. 20-21.

Chú thích

(a) Bài không ký tên, chắc hẳn do Phan Khôi viết. Xem bài  Bất điều đình  của Phan Khôi (Đông tây, H., 19.12.1931), đã in trong Phan Khôi : Tác phẩm đăng báo 1931, H., 2007, tr. 271-274.