PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

ĐỒNG LOÃ

Trong một bài trước, Thông Reo có nói chúng mình ngày nay cần giải nghiã quyển tự điển của mình lại một cách rõ ràng. Vì trình độ tri thức của thiên hạ ngày nay khác với ngày xưa; cho nên sự hiểu của con người nó cũng tiến hóa mà khác hẳn với ngày xưa nữa. Hai người nói chuyện với nhau, một người tân một người cựu, cùng thời dùng một tiếng, mà lại hiểu nó khác nhau. Vì vậy mà trong lắm câu chuyện, hai phái tân cựu khó mà hiểu nhau được.

Như hai chữ "đồng lõa", bấy lâu nay thiên hạ dùng để chỉ người mà có hiệp lực hay là đồng mưu với ai mà làm một việc gì quấy.

Trong xã hội ngày nay, cái ranh mực (*) để phân biệt "phải, quấy" nó không rõ ràng. Sự phải quấy, nghĩa của nó tương đối làm sao! Nó do nơi thời gian, nó do nơi không gian, nó do nơi phương diện của người buộc tội. Thành ra mình khó mà định được sao là phải sao là quấy. Sự ấy đã đành rồi.

Song, trong hai chữ "đồng loã" cũng phải còn cái nghiã "hiệp lực" hay là "đồng mưu" với người ta chớ. Như người không làm gì hết, không giở lên một ngón tay, không nói ra một lời gì để giúp người; chí như đạo Phật kia cũng phải nhìn nhận là không thể buộc tội người ấy. Vì "nhơn" không có, mà làm sao có "quả"? Mà đời nay, thiên hạ lại buộc tội người đó chớ.

Người buộc tội viện lý: "Thằng Mít nó hiếp đáp tôi. Tôi yếu sức hơn nó. Anh chắc rằng tôi phải. Hễ có anh binh tôi, thì thằng Mít nó không dám đả động tới tôi. Anh lại làm lơ mà không giúp sức cho tôi. Anh không phải là đồng loã với thằng Mít sao?"

Đứng về phương diện tiến hóa của xã hội, người buộc tội lại còn thêm: "Xã hội như một cái lực đi tới. Anh không động địa gì để giúp cái lực ấy. Anh chỉ ở không, làm nặng cho sự tiến hóa của xã hội như một cục chì. Tuy anh không làm gì hết, song xã hội được bỏ anh chung với hạng người cố ý làm trở ngại sự tiến bộ của nhơn loại kia".

Trong thế kỷ hai mươi nầy, thiên hạ nói: "Kẻ nào không thuận với ta, là nghịch với ta".

Mà, ở trong thế kỷ thứ nhứt, mà Jésus cũng đã có câu: "Những kẻ không nghịch với ta, là thuận với ta".

Câu của xã hội ngày nay với câu của Jésus ngày xưa, tuy mới xem qua như chọi với nhau, song cũng đồng có cái nghĩa nầy: "Người không làm gì hết cũng là giúp sức cho, không việc nầy, thì việc khác".

Câu nầy là một câu kết luận bất ngờ cho cái tuyết "vô vi". Vì Jésus và thế kỷ hai mươi nầy đồng hiểu: "Sống là động". Cho nên, không động cũng là trở ngại cho sự tiến bộ nữa.

Thông Reo nhớ ngày kia có một tờ báo ở Âu châu đăng một cái thơ của một bạn đồng nghiệp của mình gởi cho một nhà chánh trị. Thơ như vầy:

"Thưa ông, tôi có hứa không đánh đổ những ý kiến sai lầm của ông trong lúc ông ra tranh cử hội đồng. Nay cuộc tuyển cử đã qua, chúng tôi đã nín thinh cho ông, xin ông nhớ lời hẹn của ông ngày trước".

Nhà báo viết thơ ấy không phải là đồng lõa với ông hội đồng kia sao?

Vì vậy mà Charles Péguy (**) có câu: "Kẻ nào biết sự thật mà không la lớn nó lên, kẻ ấy là đồng lõa với bọn gian dối".

Trình độ của con người càng cao, sự hiểu của con người phải đổi theo; tâm lý và lương tâm của con người cũng đổi; thành ra thái độ của người đời nay đối với đời phải khác hẳn với thái độ của người đời xưa. Ấy là suy ở các gương của xứ người mà nói.

Đối với hai chữ "đồng lõa" hiểu theo thời nay, Thông Reo không biết lương tâm của người xứ Việt nó là thế nào?

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6970 (25. 3. 1933)

Chú thích

(*) ranh mực ở đây có thể hiểu là căn cứ để phân biệt; song không thấy từ này trong các từ điển cũ và mới, có thể do tác giả tự đặt ra.

(**) Charles Péguy (1873-1914): nhà thơ Pháp.