GIA THẤT DUYÊN HÀI

Thiệt bốn chữ gia thất duyên hài, nghe ra nó mặn mà, thân mật, âu yếm, vui vầy thế nào! Có lẽ vì nó mà người đời thường lấy gia đình làm hạnh phước thì phải.

Phải, gia thất duyên hài là hạnh phước. Ai không nhớ buổi đầu xanh tuổi trẻ, gái lứa trai tơ: trai thời lưng túi gió trăng tìm người thục nữ, gái thời trăng tròn hoa ngậm kén khách anh hào. Kén được tìm ra rồi thời một đôi giai ngẫu, một cặp oan ương, (a) đinh ninh hai mặt một lời, tơ tóc tấc lòng thổ tận… ai chẳng mừng là hồng diệp xích thằng!

Nhưng… (ở đời cái gì cũng có cái nhưng), nhưng mà tuần trăng mật (la lune de miel) rất mau qua, sắc đỏ chóng phai, ngảnh lại còn sợi chỉ buộc chơn mà hồng xưa đà lợt lạt. Có kẻ tiếc lại đâm ra than thở: thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi! Ừ, biết cái thứ nó không thể nhuộm đi nhuộm lại được, thời than vãn mà làm chi!

Gia thất duyên hài! Thông Reo muốn đem bốn chữ nầy mà chúc cho bạn hàng chợ mới với thành phố để cho mấy ông mai họ an tâm, kẻo hồi nầy họ thấy hai đàng có ý hờn nhau rồi họ sợ sanh ra ly dị mà chạy dữ!

Không ly dị đâu mấy ông ơi! Ly dị làm sao mà người ta chưa hề ra khỏi nhà (tôi muốn nói ra khỏi nóc chợ mới), mà ly dị! Dầu cho bạn hàng chợ mới ta có làm nung làm nẩy cứ ban đêm thời dọn ra lề đường mà bán cũng như mấy tiệm hàng xén khác đi nữa, thì ta cũng nên nghĩ: vợ chồng cũ không rủ cũng tới mà đừng lo; vì hai đàng, bạn hàng vậy mà thành phố kia cũng vậy, họ đã hết duyên hết nợ với nhau đâu!

Thông Reo còn nhớ, hồi nào hễ chiều lại thì thành phố đã lo đóng cửa chợ mới, đèn đuốc không có, vắng trước quạnh sau. Kịp đến chừng bạn hàng chợ mới và thành phố ưng nhau, thì đăng chúc huy hoàng, khách hai họ Tây Nam rầm rộ!

Bát trong ống còn khi động, thêm gặp lúc thời cơ khuẫn bách, không biết có phải vì đồng tiền phân bạc mà hai đàng họ cắn đắng (b)  lẫn nhau chăng? Dẫu có như vậy đi nữa, bao giờ bạn hàng chợ mới còn muốn làm ăn với thành phố, bao giờ thành phố còn muốn nhờ cậy bạn hàng chợ mới lúc đêm hôm, thời âu là họ cũng phải điều đình với nhau để cho cơm lành canh ngon lại như trước chớ.

Hai chữ quyền lợi, lý ưng thời không nên đem mà luận trong cái chỗ vợ chồng. Song thiệt sự thì từ trong chỗ vợ chồng, Thông Reo vẫn thấy hai bên quyền lợi thường xung đột lẫn nhau luôn.

Thí dụ như anh chồng có tật đi đêm, mà chị vợ chẳng bằng lòng, ghen tuông rầy sằn sặt. Nếu lúc đó có ông mai nào xử nhũn, bảo anh nọ thôi rày về sau ta cứ việc đi chơi mỗi tối lấy một góc tư đêm thôi, phỏng hỏi anh nó có chịu chăng?

Chơi cái gì mà chơi có một góc tư đêm? Thôi, thà là để ngày thường thời người ta ở nhà rồi tối thứ bảy chúa nhựt người ta hễ đi… hội sáng đêm cho thẳng thét.

Được, cứ việc! Đến trong điệu vợ chồng cũng vậy, quyền lợi của ai thì nấy niếu. (c) Cũng như chị vợ chồng không cho cờ bạc, thì ta cứ việc đánh bài giờ.

Theo Thông Reo tôi cứ để tự nhiên cho việc nhà người ta thì mặc người ta lo, chớ ai cầu mình cẳng thấp cẳng cao, mà không khéo phải mang điều thèm thịt mỡ?

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6921 (12. 1. 1933)

Chú thích

(a) Oan ương: tên chim, con trống kêu là oan, con mái kêu là ương, bay đậu không lìa nhau (H.T. Paulus Của, sđd.);  nay thường viết và đọc là uyên ương.

(b) Ở bản gốc là “ắn đắng” nhưng trước “ắn” có khoảng trống lớn hơn khoảng cách thường thấy giữa hai từ, đủ để ngờ là có một con chữ chì của từ này bị rơi khỏi khuôn in. Từ điển của H.T. Paulus Của (sđd.) không có “ắn đắng”, chỉ có “cắn đắng” với nghĩa: “bộ go khổ, nghèo nàn, vô phước” và có dẫn thành ngữ “làm ăn cắn đắng”; vậy tạm để ở đây từ “cắn đắng”.  

(c) niếu: như níu (níu giữ, níu kéo)