PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

GIẶC Ở ÂU

− Giặc tới. Giặc tới.

− Thông Reo coi bộ đắc chí lắm. Rao tin có giặc tới, mà Thông Reo lại vui mừng. Bộ Thông Reo điên rồi sao chớ? Mà giặc đã tới ở Mãn Châu rồi kìa. Còn giặc gì tới nữa?

− Giặc nầy, giặc ở Âu châu. Giặc ở Mãn Châu là đã tới; còn giặc ở Âu châu là sắp tới. Vậy chớ anh Tư không có đọc "tin thế giới" trong mấy bữa rày sao? Nào là bọn Hích-le làm lộng; nào là ông Pha-pha (a) lo; nào là những đại đồng minh, tiểu đồng minh gì đó lộn xộn lăng xăng…

− Cha chả! Tôi sợ cho, nếu Âu châu có giặc thì thế nào cũng sanh ra thế giới chiến tranh.

− Vậy chớ giặc Mãn Châu kia không thể sanh ra thế giới chiến tranh sao? Thế giới chiến tranh là cái bịnh tự nhiên của xã hội ngày nay. Không phải anh lo sợ mà lánh nó được. Nầy, anh Tư, có thế giới chiến tranh, mình mới có hy vọng thế giới hòa bình được.

− Thông Reo nói nghe lạ thì thôi!...

− Anh Tư. Như tôi với anh giận nhau đáo để, không thể giải hòa được. Tôi với anh phải đi tới chỗ cùng kia, là ẩu đả. Ẩu đả thì nó đã nư giận. Có phải là chừng ấy tôi với anh mới giải hòa được hay không? Sau thế giới chiến tranh thì thế nào cũng có thế giới hòa bình. Mà lại hòa bình được lâu, vì hết thuốc đạn, bớt binh lính nhiều, còn sức đâu mà đánh.

− Thôi, Thông Reo đừng nói giỡn mà… Thiệt là không biết đời nào cho nhơn loại gặp được thái bình cho được lâu.

− Thì có thế giới chiến tranh là gặp được.

− Thông Reo cứ nói giỡn hoài.

− Tôi có nói giỡn đâu. Vậy chớ mấy triệu người xuống mồ kia không phải là được thái bình đời đời sao?

− Tôi tức quá, mà Thông Reo cứ nói diễu mãi.

− Tức vì sao?

− Vì giặc là vô lý, mà nhơn loại ngày nay đã tự xưng là khôn, là văn minh mà cứ chọc cho có giặc hoài.

− Anh nói: giặc là vô lý. Tôi nói: Sắm súng ống, tổn hao tiền của biết bao nhiêu; tập binh lính cả triệu, rồi cứ lo lấy thuế nuôi họ ăn cho no; điều ấy mới là vô lý hơn nữa chớ. Mà, rồi đây anh sẽ có dịp sang Tây chơi. Anh không muốn đi qua Tây sao?

− Qua Tây thì tôi vẫn muốn. Song đi âm phủ thì, tôi tưởng Thông Reo cũng không muốn nữa mà.

− Anh Tư, "chết [……] (b) được bia danh với hậu thế. Phải chi anh biết chữ Tây, anh đọc thử bài thơ của Victor Hugo tặng "cho những kẻ chết vì tổ quốc", chắc anh nghe mà mê, rồi không kể gì là sống chết.

− Thông Reo là văn sĩ, Thông Reo biết mê văn hay, đến thế ấy. Chớ như tôi đây, dốt đặc; thơ của ông Hugo hay bao nhiêu chắc cũng là không cảm nổi tôi. Thôi thì, như Âu châu chiến tranh đến, Thông Reo xin ra trận đi nghe.

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn dài)

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6968 (22. 3. 1933)

Chú thích

(a) Pha-pha (từ chữ Hy Lạp Pappas, chữ Italia Papa): Giáo hoàng (theo Trần Văn Kiệm, sđd.)

(b) Chỗ này báo gốc để trắng nửa dòng, dự đoán có 2-4 từ bị đục bỏ khỏi khuôn in.