PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

HAI HẠNG ANH HÙNG

Chúng mình thì có cái tánh ưa sùng bái ca tụng anh hùng. Song mấy ai biết phân biệt anh hùng một cách cho đúng được. Vì vậy cho nên những anh hùng thiệt với những anh hùng giả cũng đều ba chìm ba nổi với những lượn sóng của biển đời sáng lớn tối ròng, đổi dời mãi mãi. Mà cũng vì vậy cho nên đám quần chúng bị kêu là "bầy chiên của Panurge", nay chạy theo ông thánh nầy, mai chạy theo ông thần kia, bộ mặt ngơ ngáo, không có chút gì là quyết định. Con sóng biển bổ tới, đưa lên một ông thánh, hay đưa lên một con khỉ, hay đưa lên một khúc gỗ, quần chúng cũng cứ tin tưởng nơi con sóng mà chào mừng những món của con sóng đưa lên.

Kẻ khôn khéo biết lợi dụng phong trào và sự ngu dốt của thiên hạ, mình không thể trách chúng nó sao mưu làm lầm lạc bình dân. Mình chỉ nên trách mình sao cứ để cho kẻ khôn xảo đánh lừa mãi. Mà rồi, cũng khó mà mình trách mình được. Vì như các nhà chuyên môn khảo cứu lịch sử kia, họ cũng sai lầm mãi mãi. Sai lầm vì dốt? Sai lầm vì cũng đồng lõa với bọn xảo quyệt kia? Hai lý ấy cũng đều có hết.

Nhà nghiên cứu lịch sử cũng là hạng trí thức để cho người lợi dụng, cùng là lương bổng cao, danh dự lớn, cùng sắc phục, cùng chức tước. Còn hạng nghiên cứu lịch sử để cầu học hiểu, thì không dễ gì đạt được mục đích.

Như mình đây sống trong đời nầy, đọc không biết bao nhiêu là nhựt báo là tạp chí, là sách vở, là ý kiến nầy chọi ý kiến kia. Mình tom góp không biết bao nhiêu là tài liệu để giúp cho hiểu cái thời đại của mình đây, mà mình còn không hiểu nó nổi. Nhà nghiên cứu lịch sử, năm trăm năm về sau, có chắc gì có đủ tài liệu như mình để hiểu cho đành rành sao?

Vì vậy cho nên lịch sử xưa nay chỉ biết ghi tên những anh hùng, những anh hùng của thiên hạ sùng bái, bất lựa là sùng bái đúng hay không. Mà thiên hạ thì ưa thích những sự bề ngoài: miệng lưỡi, khôn xảo. Thiên hạ ưa âm nhạc, không ưa sự thật nghịch tai.

Mirabeau, một chàng công tử chơi bời cực điểm, bị giai cấp mình đuổi ra, mới xu hướng theo bình dân, để mượn lực lượng của dân mà rửa hờn tư. Mirabeau quân chủ từ trong gân cốt, đồng loã với nhà vua đặng phản dân, Mirabeau nhờ cái lưỡi lanh lợi mà được danh ghi vào lịch sử, được dựng hình đồng sống với hậu thế.

Daton, làm cái nghề hăm doạ người lấy của, ăn hối lộ, làm giàu to mau như nháy mắt, giao thiệp với bọn quý tộc xuất dương, với ngoại quốc, để mưu phản dân. Danton được có hình đồng to, cho đến ngày nay mà cũng vẫn giữ được cái bộ tịch oai nghi hùng hồn giữa châu thành Paris.

Còn Robespiere, người chánh trực, người thanh liêm, một tinh thần cao thượng hơn hết trong thời kỳ sôi nổi kia, Thông Reo không được thấy một cái hình đồng gì của ông ta. Mà hậu thế lại còn bêu danh là "người khát máu".

Lịch sử như thế ấy, lấy gì làm tin?

Còn nói đến cái hạng anh hùng vô danh thì thôi, mình không có thể gì nhờ lịch sử mà hiểu biết công lao của họ.

Xưa nay thường có câu: "Anh hùng tạo thời thế, thời thế tạo anh hùng". Anh hùng tạo thời thế là anh hùng khôn, hiểu rõ con đường tiến hòa của nhơn loại, đủ năng lực, đủ can đảm, đủ tánh hy sanh. Anh hùng tạo thời thế là anh hùng thật. Còn anh hùng của thời thế tạo ra, thường là anh hùng rơm, nhờ phong trào, lợi dụng cơ hội, mà lại là hạng anh hùng lau nhau trong lịch sử.

Bao nhiêu những cơ nghiệp đồ sộ của đời xưa truyền lại cho nay, thảy đều nhờ công lao to tát bền bỉ của cái hạng anh hùng vô danh xưa kia.

Kẻ nào biết nói: "Trong nhơn loại, không có công việc lớn nào mà lúc khởi đầu là lớn", kẻ ấy biết quý trọng anh hùng vô danh đó.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6972 (28. 3. 1933)