HẾT THAM TRI TỚI NGỰ Y  

Trong thiên hạ duy có tiếng đồn đãi là không có thể ngăn cấm được. Nhiều chuyện vốn chẳng có ít nhiều gì cả, vậy mà một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, rồi cũng thành ra như chuyện ấy thật có. Té ra thiên hạ họ có cái quyền bịa chuyện, mà sự thực cũng không cần có nữa, họ chỉ bịa ra là đủ.

Sau ngày mồng hai tháng năm Tây, cái nội các mới trong Huế đã thành lập rồi, thì tự nhiên ở ngoài Hà Nội này người ta tán hươu tán vượn, tán ra lắm câu chuyện nghe như thật, mà kỳ tình là không có chi hết.

Đầu hết, ai nấy hỏi nhau về sự ông Đỗ Thận vào làm Tham tri bộ Giáo dục, quả có thật không. Cái tin này chẳng biết nguồn gốc từ đâu, chỉ thấy trong khi hỏi nhau ấy, người thì bảo có nghe như thế còn thực hư chưa rõ; người thì lại nói mồn một rằng quả có, như mình là kẻ chứng kiến việc ấy bằng chính mắt mình.

Từ khoảng mồng mười cho đến hai mươi tháng năm tây, nhiều người ở Hà Nội tin rằng ông Đỗ Thận sẽ vào Huế làm Tham tri bộ Giáo dục nay mai. Thậm chí họ nói có giấy trong bộ ra rồi, ông Đỗ Thận đã làm tiệc ăn mừng, đãi đằng bạn hữu mình tại nhà riêng ở con đường Phạm Thú Thứ.

Những người như tôi, nghe thế thì cũng biết cho như thế, chứ mình có hề dự tiệc ở nhà họ Đỗ đâu mà rõ đầu đuôi?

Song ai tinh ra thì đều biết việc ấy không thể xảy ra được. Bởi vì cái người làm Tham tri bộ Giáo dục phải là người có đủ học thức về sự giáo dục. Mà ông Đỗ Thận, cái học thức ấy của ông thế nào, ông Phạm Quỳnh biết rõ hơn ai hết, thế thì trong khi ông Phạm Quỳnh đã làm Thượng thư bộ Giáo dục, có lẽ nào ông Đỗ Thận lại làm Tham tri.

Lấy điều ấy phỉnh nhau, thiên hạ họ biết không ai mắc lừa hết rồi, khi ấy họ bèn nhét nút câu chuyện ấy lại mà bày ra câu chuyện khác.

‒ Ít hôm nữa ông Nguyễn Quý Toản sẽ vào làm Tham tri bộ Giáo dục ở Huế.

‒ Hà tất ít hôm nữa! Hiện nay ông Toản đã lìa chức Bố chính Yên Báy mà về Hà Nội, sắm sửa tấn kinh rồi.

Họ nói với nhau như thế, bảo sao mình nghe mà chẳng tin? Huống chi lại có tờ báo kia cũng đã đăng câu chuyện ấy nữa thì mình có quyền gì mà bảo họ nói láo? Ngờ đâu rút cục lại cũng là lời đồn hão. […….]

BƯỚNG NHÂN

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 83 (28. 6. 1933), tr. 1.

Chú thích

[a] Chỗ này ở báo gốc để chấm lửng liền 2 dòng, phải chăng có một đoạn bị đục bỏ khỏi khuôn trước khi in?