“Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. (a)

 Một sự công kích không chánh đáng của báo Nhật tân

Một bạn thân ở phương xa viết cho tôi hỏi sao tôi không phê bình quyển Hồn bướm mơ tiên như tôi đã phê bình Người sơn nhân lúc trước trên mặt báo Rạng đông.

Quyển Người sơn nhân ra đời đã được mấy tháng mà độc giả hình như ít ai để ý đến, nên mới có bài bình phẩm của tôi. (Đồng thời, Phan Khôi tiên sinh cũng có viết một bài tán dương trên báo Phụ nữ thời đàm, ra sau bài của tôi một ngày).

Hồn bướm mơ tiên thì ngót vạn người đã đọc nó hồi nó còn ra từng đoạn ngắn ở trong báo Phong hóa. Sau khi in thành sách, các báo quốc âm lại đua nhau phê bình, dù sự phê bình ấy chung quy không thoát ra ngoài cái cốt truyện. Tuy vậy, một quyển sách có giá trị được người ta khen ngợi là phải lắm, và tôi thiết tưởng rằng chừng ấy bài cũng đủ làm cho độc giả chú ý; thêm một bài của tôi nữa chỉ là thêm một đoạn quảng cáo thừa, dù là quảng cáo chính đáng cũng vậy.

Không ngờ mới rồi đây, lật đến tờ Nhật tân số 20 ra ngày 13 Décembre 1933, tôi lại thấy một bài phê bình Hồn bướm mơ tiên, khiến tôi phải viết bài này.

Cuộc bút chiến, hay nói cho đúng, cuộc cãi lộn của Phong hóaNhật tân, ai đã đọc báo lại còn không biết? Khi thấy bài phê bình ấy của tờ Nhật tân, tôi đã tự bảo: “Đánh chết đi (b) nó cũng “chửi” Khái Hưng ở trong này, mà nếu quả thế thì rõ chán cho nghề làm báo!” Rồi tôi đọc. Rồi chẳng những tôi chẳng tự khen là tiên tri ‒ tôi chỉ cầu đoán trật ‒ tôi phải ngậm ngùi, buồn, thẹn!...

Trước những vấn đề Chân, Thiện, Mỹ, chúng ta bao giờ cũng phải  đứng vào địa vị khách quan mà phán đoán. Cho dẫu cái kẻ chúng ta nói đến là một kẻ thù nghịch, chúng ta cũng phải lấy những tư cách chính đáng mà đối phó. Đó mới là một cái nguyên lý yếu lược về đạo làm người, chưa nói đến thái độ của người quân tử.

Thế mà, sẵn có mối giận trong lòng, lại thấy quyển Hồn bướm mơ tiên được nhiều người hoan nghênh, báo Nhật tân đem quyển ấy ra công kích! Mà công kích làm sao? Cả bài dài đầy hai cột, cái ông Mộng Điệp nào đó chỉ nói về đám chay, chứng rằng Khái Hưng viết sách mà nhận xét không tinh vi, vì Khái Hưng tả cảnh chay đàn mà không kể rõ bao nhiêu giấy tiền, bao nhiêu quả gạo, xôi gà để đâu, hoa chuối để đâu… những điều mà anh pháp sư tinh ranh hay bày vẽ cho sự chủ khờ khạng. Nếu cứ như thế mà ông Mộng Điệp lấy hai câu về cảnh thanh lâu: “Này con thuộc lấy làm lòng: Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, ‒ ông cho quyển Kiều là vô giá trị, vì theo cách ông, phải tả chân cả mười lăm lối chữ và nghề ấy cho thật tinh vi, thì ông Mộng Điệp thật là khôn ngoan khéo léo lắm!

Quyển thứ nhất của Tự Lực văn đoàn, thứ nhất của ông Trần Khái Hưng, Hồn bướm mơ tiên, có lẽ là quyển thứ nhất trong văn nghệ nước ta đáng để lại cho hậu thế.

Câu chuyện kết cấu ra thế nào, ai đã đọc tiểu thuyết này hẳn đã biết. Vả chăng, các báo phê bình, như trên đã nói, cũng chỉ chăm lấy một chỗ ấy mà tán dương hay công kích, lơ hẳn một phần rất quan trọng, quan trọng nhất, cái phần nhờ lấy đó mà sau này quyển Hồn bướm mơ tiên sẽ là một quyển sách bất hủ: cái văn thể, cách dàn cảnh và cách phô diễn tâm lý của những vai chủ động.

Hồn bướm mơ tiên là quyển tiểu thuyết đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn nghệ nước Pháp về cuối thế kỷ thứ XIX sau những sự phát minh của nhà sinh lý học Claude Bernard; ảnh hưởng về lối lãng mạn, nó làm cho tâm hồn ta liên lạc với trời đất non sông; ảnh hưởng về lối khoa học thực nghiệm, nhờ đó mà mô tả được sự vật và tính tình một cách rõ ràng, chu đáo, thiết thực!

Tôi xin trích vừa ưa một đôi khúc sau này:

“Phía tây, sau dãy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng, lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khắc, mấy bực tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm.”

Đọc mấy hàng trên, ta thấy bày ngay ra trước mắt như những bức hội hoạ đẹp đẽ êm đềm, các màu vừa mới điểm xong, đâu vào đấy cả.

“Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả, ngân nga… như đem mùi thuyền  (c) làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu-ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch.”

Những câu tao nhã như thế, đầy những thi vị, đọc lên nghe "rung động" cõi lòng, có thua gì những câu thơ của bà huyện Thanh Quan, hay những bài phú của Chu Mạnh Trinh? (1) 

Tả cảnh như:

“Tam quan trông giống như cái quán, có ba gian hẹp. Trên mái làm dô lên một cái mái nhỏ giống hệt cái miếu con. Vả tam quan không có cánh cửa mà hình như chỉ là một cái cảnh để bài trí cho đẹp mắt, chứ không dùng để ra vào. Vì thế tam quan xây ngay trên sườn đồi, đứng thẳng như bức tường không leo lên được. Còn ra vào thì đã có cái cổng con.”

Thì ta phải nhận cho tác giả cái tài quan sát đến thế là tinh vi, chớ còn theo ý Mộng Điệp ở báo Nhật tân, phải nói rõ cửa ấy làm tự đời nào; phải dùng hết mấy vôi mấy gạch; giữa hai viên gạch, phải trét mấy hồ và hồ làm bằng gì … thì sự ích lợi, nếu có ích lợi thật, tôi tưởng cũng hơi thừa, cái nghề thợ nề chưa đến nỗi mất hẳn trên đất Việt Nam, mà chúng ta từ nay cũng chẳng lo xây tam quan làm chi nữa!

Trên kia tôi có nhắc đến chữ lãng mạn.

Từ ngày vụ án kia xảy ra ‒ vụ án của hai vợ chồng làm giáo sư mà tôi xin phép giấu tên (d) ‒ hai chữ lãng mạn ở trong tiếng ta hình như có hàm một ý nghĩa xấu.

Nhưng không phải thế đâu. Tôi không thể nói tại làm sao, vì đó là một câu chuyện khác, dài dòng lắm. Ta chỉ nên biết rằng đem tâm hồn ra trước tạo vật, mô tả những cảm giác vì cảnh tượng mà sinh ra, ca tụng trời đất non sông theo lòng cảm khái của mình, ấy thế là lãng mạn. Đó là một lối ông Khái Hưng đã dùng khi tả cảnh đồi, cảnh chùa, cảnh vườn sắn, v.v… Tạo vật đối với người không có tính tình lãng mạn, chỉ là những cảnh vật rất thường, rất chán, khô khan, lạt lẽo, không có chút gì là thi vị thanh cao. Nhưng đối với mắt con nhà lãng mạn thì khác. Chúng ta hãy nghe ông Khái Hưng đây:

“Mặt trời đã ẩn sau một trái đồi. Gió chiều hây hẩy đã mát, mùi lúa chín bốc lên thơm phức, khiến Ngọc ngắm cảnh nơi thôn dã êm đềm, trong lòng biết bao tình cảm!”

Hay là:

“Phía đông nam, mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà, nhuộm một sắc da cam. Da trời xanh nhạt, lơ thơ mấy đám mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín, màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây…”

 

Đó là những đoạn văn mà sau này ta sẽ chọn trích để cho các con em luyện tập quốc văn, trong những sách giáo khoa gọi là “Những mẫu văn trích lục”.

Lại nữa như:

“Gió thổi dữ. Các tà áo Lan bay phấp phới, mà trái tim kia như chịu sức mạnh của gió, cũng phập phồng trong ngực, như lá sắn nhấp nhô tựa sóng…”

 

Khái Hưng không phải là có mắt nhận xét tinh vi mà thôi, mà lại có thiên tài nữa! Cái thiên tài ấy thật đã cho ta hưởng thụ được lắm lạc thú tinh thần, êm đềm ỉu dịu, như khi xem những nét hoạ ngây thơ, đầy thi vị, của Đông Sơn về các cô thiếu nữ thôn quê!

Mà không phải chừng ấy cái hay mà thôi đâu. Đọc Hồn bướm mơ tiên, tôi lại thấy có một phong vị thanh cao hơn nữa, mà hình như chưa ai nói đến, hoặc giả vì người đọc quá ham ở nơi cốt truyện mà quên lững cái chỗ ấy đi chăng? Tôi muốn nói đến cái tinh thần tôn giáo.

Tôi xin nói ngay rằng bình nhật tôi đã có dịp nghiên cứu tất cả các tôn giáo, nghiên cứu sơ sài gấp gáp, thú thật như vậy, nhưng cũng đủ so sánh, suy nghiệm, mà biết rằng chúng ta ngày nay ‒  huống nữa, từ nay về sau ‒ chỉ cần một cái học thuyết triết lý là chủ nghĩa tiến hóa cũng đủ rồi. (2) Thuyết vô thần mới thật là cái thuyết chính đáng: chỉ có thuyết ấy mới đứng được trên đời khoa học này.

Nói thế là để tỏ rằng tôi chẳng có chút tín ngưỡng gì về những truyện tôn giáo cả. Thế mà khi đọc Hồn bướm mơ tiên, tôi thấy sinh lòng yêu mộ đạo Phật và đức Thích Ca, cũng như hồi mấy năm xưa, đọc những nhà văn sĩ, thi sĩ như Chateaubriand (René, Les Martyrs), Alfred de Vigny (Chatterton) Lamartine (Graziella, Jocelyn) tôi đã thấy phảng phất những cảm tưởng yêu Thiên Chúa giáo và yêu Đức Chúa Trời.

Cái tinh thần tôn giáo ấy có một cái ‒  tôi không biết đích là cái gì ‒ nó nhẹ nhàng, đằm thắm, rất dễ chịu, như là để chứng giám cho việc làm hay tốt của ta; như là để dỗ dành ta: làm một chỗ ẩn núp chắc chắn, kín đáo, cho tâm hồn, trong khi thất vọng.

Cái cảm tưởng ấy, về phần tôi, mới nghe ra như gây một chỗ mâu thuẫn với cái thuyết vô thần vừa nói ở trên. Kỳ thật không phải.

Lăn lộn trong một cuộc đời quá ư vật chất, chán nản buồn rầu, ngày nào cũng như ngày nào, cái gì ta cũng có thí nghiệm, tâm trí của ta hóa ra mệt nhọc, ê chề, đau đớn. Trong khi ấy, đọc một cái truyện trong ấy có phưởng phất một đôi điều cao siêu huyền bí, như cái tinh thần tôn giáo chẳng hạn, ta sẽ có những cảm tưởng như đứng trước ngọn gió xuân, dưới trăng, sau một ngày lao lực, hay ăn một miếng cam ngọt giữa một quãng đường nắng nung. Trong đời ta, đôi khi cần phải quên sự thực, quên trong chốc lát mà thôi, quên chỉ để hết chốc lát ấy mà trở về sự thực với một bộ óc hăng hái hơn, sáng suốt hơn, nói rõ là phải có lúc nghỉ mệt, như chiếc ô-tô đua, vùn vụt trên đường muôn dặm, thỉnh thoảng phải dừng lại, lấy nước lạnh cho nguội máy mà chạy lại đến hết cuộc hành trình. Trong những lúc quên ấy, tự nhiên ta gác cái “người thật” của ta ra, mà sống cái đời người trong truyện. Đó là một cái quan niệm mà tôi mong các nhà phê bình để ý đến, chớ đừng quá thiên về mặt đạo đức hay nhân sinh mà lơ hẳn cái thiên chức của văn nghệ mỹ thuật đi!

***

Trần Khái Hưng hẳn là nhà văn sĩ mở đầu cho một kỷ nguyên văn nghệ mới: tinh thần lãng mạn, biểu thị theo phương pháp quan sát và suy diễn của khoa học,  nhờ một lối văn giản dị, trong sạch, một ngọn bút thanh đạm, dịu dàng!

Song tiếc thay! Trong một quyển sách hoàn toàn như thế, mà lại có ẩn một chỗ sơ ý, một cái lầm mà chúng ta thường gọi là “chỗ hớ”.

Ta đọc ở trang 76: “Bức thư ấy, đã ba bốn lần, Ngọc viết rồi, nhưng lần nào viết xong đọc lại, lại xé nhỏ vứt đi, vì một là chàng sợ Lan không biết chữ quốc ngữ, hai là chàng sợ bị cự tuyệt.”

Nhưng trước kia (ở trang 72-73), Lan đã nói biết chữ quốc ngữ kia mà! Ta hãy giở lùi lại xem:

“Tôi thấy có cả quyền Kiều và quyển Phật giáo đại quan nữa! (Lan nói)

Ngọc mừng rỡ, vội hỏi:

‒ Chú biết quốc ngữ!

Lan điềm nhiên:

‒ Vâng! Chữ quốc ngữ dễ, học chỉ độ mươi hôm là đọc được, làm gì mà không biết?

‒ Ồ, thế thì hay quá nhỉ!

Ngọc nghĩ đến việc đương dự định, buột mồm nói ra câu ấy…”

 

Việc Lan biết quốc ngữ đã rõ ràng chắc chắn như thế, đến nỗi tác giả cho Ngọc là mừng rỡ mà “nghĩ đến việc đương dự định”, thì sao chỉ cách ba trang sau, Khái Hưng lại quên lững đi mà còn cho Ngọc là sợ Lan không biết quốc ngữ?

Nhưng đó là một chỗ sơ ý có thể chữa được ngay, mà khi Hồn bướm mơ tiên sẽ in lại lần thứ hai, Khái Hưng nên nhớ đến! Và để kết luận cho bài này, tôi xin nhắc đến câu chuyện đã dùng mà mở đầu như trên: báo Nhật tân muốn công kích ông Khái Hưng lại không thấy những chỗ ấy mà chỉ đi công kích tầm bậy, như thế thật là tự lấy mũi tên tưởng dùng để bắn người ta, trở lại bắn mình, theo nghĩa một bức hài hoạ Phong hóa đã đăng hồi trước.

TRẦN THANH MẠI