“Hồn thơ” ‒ thi tập của Nguyễn Xuân Kỳ, 17 tuổi

Chúng tôi có nhận được một tập nhỏ, nhan là “Hồn Thơ” do hai ông Lê Tràng Kiều và Nguyễn Xuân Kỳ gởi tặng. Xuân Kỳ là tác giả; còn Tràng Kiều là người đề tựa, mà chừng cũng là người chủ trương Vị Giang văn khố, đứng xuất bản tập này thì phải.

Đầu tập có lời tựa rất ngắn của Tràng Kiều: “Tập thơ này, tuy không phải toàn là những bài hay cả, nhưng đọc suốt ta cũng thấy tác giả diễn xuất được một vài cái đặc sắc. Mà đặc sắc nhất ở cái chỗ nhà văn Nguyễn Xuân Kỳ năm nay mới 17 tuổi.

Vị Giang Văn khố in ra cũng để khuyến miễn các bạn trẻ sẵn có nhiệt tâm với tiền đồ quốc văn. Tràng Kiều”.

Thi nhân mới 17 tuổi! Nước Việt Nam ngày nay cũng có tay thi nhân mới 17 tuổi! Thấy, chúng tôi phải lấy làm lạ, lấy làm khoái ý mà vội vàng đọc, là lẽ tự nhiên. Đọc rồi, phải phê bình, dù thế nào cũng phải phê bình, lại là lẽ đương nhiên nữa.

***

Trước hết chúng tôi cũng nhận như ông Tràng Kiều rằng tập thơ này không phải toàn là bài hay. Cho đến những thi tập của các nhà thợ thơ xưa nay cũng còn không phải là bài nào cũng hay hết thảy, huống chi là của kẻ mới 17 tuổi, tiếng kêu của con chim mới vỡ bọng. Cái sự trong tập còn có bài dở, chúng tôi không trách.

Lại nữa, chúng tôi cũng nhận nốt với ông Tràng Kiều rằng tác giả đã diễn xuất được một vài cái đặc sắc.

Một vài cái đặc sắc ấy thế nào, chúng tôi không thể nói trổng như ông Tràng Kiều mà phải chỉ rõ ra đây.

Như “Đùa cô đỡ”:

Cô hay qua lại chốn nhà thương,

Có phải cô là cô đỡ không?

Lắm lúc gặp cô toan ngã sấp,

Ngã, xem cô có đỡ nhau cùng!

Ấy là cái đặc sắc của kẻ con trai mới 17 tuổi, tuổi vừa vỡ lòng biết sự quan hệ giữa nam nữ; tuổi ham chơi, ưa đùa, thích nói trửng, cười cợt cả ngày; tuổi bắt đầu của cái thanh niên hăng hái. Người ba bốn mươi rồi, làm gì có được cái khẩu khí ấy? Mà nếu có được, thì lại không thích hợp. Trong 28 chữ lại còn cho ta thấy cái vẻ ngây thơ nữa, mà cái vẻ ngây thơ rất là tự nhiên!

Lại như “Hy vọng”:

Ai nấy trên đời có chí mong;

Nông mong lúa mạ, sĩ mây rồng;

Bán buôn mong được hàng cao giá;

Thuyền thợ mong sao tháng đắt công;

Chức trọng mong thêm đường bổng lộc;

Tài cao mong thỏa chí tang bồng.

Riêng thương mấy kẻ vô hy vọng,

Bóng xế, đường dài, có ngán không!

Bài này thấy ra cái tư tưởng của tác giả gần với phần đông người đời, nghĩa là ai sống thế nào thì ta cũng sống thế ấy, theo mực thường mà ở đời, đã sống thì mong sống cho sung sướng, chứ không cầu cao lập dị. Có nhiều người mà nhất là thi nhân, hay cầu cao lập dị: nào là coi giàu sang như mây nổi, nào là xem tước lộc như giép rách... mà kỳ thực là nói phét cả, trong lòng có lẽ lại còn nhiều thị dục bằng mấy kẻ khác. Bởi có những sự cầu cao lập dị ấy mới lộ ra cái đặc sắc của tác giả, tức là cái đặc sắc của sự thủ thường.

Chúng ta ngày nay không nên có những cái tư tưởng cô cao, mà phải lấy một cái thái độ bình thường phổ thông như mọi người. Cô cao, là cái cách xử thế của người ở ẩn, bọn tu tiên, mong cho lìa trần thoát tục, chứ chúng ta không nên như thế. Cái tư tưởng của chúng ta phải là thiết thực đối với sự sống, chẳng phải sự sống của một mình mà là sự sống của một xã hội, của một dân tộc. Thế kỷ này là thế kỷ của quần chúng, nhờ sức mạnh của quần chúng mà tiến hóa. Nếu ta ôm cái tư tưởng cô cao, đặt mình ra ngoài quần chúng tức là quần chúng thiệt mất một người mà kém sức mạnh đi. Sự tiến hóa vì đó mà ngừng hoặc chậm, là tội ở ta đó. Thế thì ta phải lăn lộn trong quần chúng, bươn chải như quần chúng, mỗi người đều có hy vọng, cầu cho sự sống có giá trị một ngày một hơn, mới là trọn nghĩa vụ của ta.

Như thế, chúng ta phải phản đối sự ở ẩn, phản đối chữ “nhàn”, phản đối sự chán đời, cũng phản đối sự túng dục nữa. Rút lại, mỗi người phải có làm việc, mà làm việc phải mong được việc, như thi nhân 17 tuổi đã giải bày trong bài đó. Đó là nhân thấy cái tư tưởng của tác giả hợp với chúng tôi mà chúng tôi suy diễn thêm ra.

Bởi vậy tác giả có bài “Khen cô Hoàng Việt Nga” (Tiểu thơ đi bộ) mà không phản đối cô ấy như Lê Công Đắc:

Phụ nữ nào ai ưa vận động,

Nhủ nhau ta nối gót cô Hoàng!

Con người ở đời mà có được cái đồng tình (sympathie) như thế thì người ta dễ ở với, và lấy làm vui vẻ mà ở với. Chứ còn thấy việc mới lạ, chưa xét tới đầu tới đuôi chi hết đã phản đối, thì là một hạng người hay gây, hay quạu quọ, ai thèm chơi? Tác giả biểu đồng tình với việc cô Hoàng Việt Nga đã làm, là cũng bởi biết có hy vọng, biết sống như mọi người, không có cầu cao lập dị vậy.

Đến như “Xuân tình” :

Sớm mai ra chơi vườn,

Hoa tươi đượm màu sương.

Trông hoa tình lai láng,

Sực nhớ đến em Sơn,

Cúi xuống hái vài bông,

Mải mốt chạy về phòng,

Thấy em đang đọc sách,

Mơn mởn tợ bông hồng!

Chạm hoa vào má phấn,

Giật mình em ngảnh nhìn.

Tay anh kéo quyển sách;

“Hoa đây anh tặng em!

……………

À phải! cũng vẫn còn là cái tâm tình của người mới 17 tuổi! Cái tâm tình mơn mởn, trong sạch, hơn hớn, làm cho chúng tôi, kẻ có hai thứ tóc rồi, thấy mà thèm thiếu điều đứt!...

Đương như thế, thế thì làm sao lại:

………….

Tay nàng bứt bông hồng,

Anh lau giòng nước mắt,

Thấy em nức nở hoài,

Lòng anh như dao cắt!

Ôi! đời thực ngán thay!

Ngày vui tựa gang tay.

Cái buồn đâu đưa tới

Khiến khách phải chau mày?

Việc gì mà khóc? Buồn gì? Ngày vui còn dài biết bao đó, đã duyệt lịch mấy nỗi mà dám bảo nó bằng một gang tay? Đọc đến chỗ này khiến chúng tôi phải ném tập thơ xuống, không buồn nhìn nữa mà buột mồm than rằng: “Ôi! Người ta 17 tuổi mà đã “ngán đời”, biết buồn biết khóc như thế thì mình đây, gấp ba cái tuổi ấy, cũng nên chết đi cho rồi, đừng sống nữa!”

Không, không có đâu, láo đấy! Chúng tôi quyết rằng trong khi tác giả tặng hoa hồng cho Sơn, không có cái buồn và khóc ấy, có điều tác giả bịa ra đấy thôi.

Vì tác giả có đọc ít nhiều sách, nhớ ít nhiều thơ cũ, trong đó thường có cái giọng “hứng tận bi lai” hay là “lạc cực sinh bi”, rồi tác giả cũng bịa ra cái cảnh của mình đặng có tương cái ý ấy vào, nghĩ rằng có thế mới là thơ, mới là thơ cảm khái… Chứ thực ra, chưa đầy một góc năm đời người, trước con mắt toàn là cái vui cái đẹp, bỗng dưng nẩy ra được cái sầu cái hận là đời nhà ai?

Không có gì lạ, Nguyễn Xuân Kỳ hẳn là tay thơ non chưa thoát sáo. Những bài kể ra đằng trước là trọn bởi cái tâm hồn của người 17 tuổi phát ra mà nên. Đến bài “Xuân tình”, nửa trước thì cũng bởi cái tâm hồn ấy, còn nửa sau thì sáo. Rồi đến những bài sau này lại toàn là sáo cả!

“Trời hôm nghĩ ngợi”:

Bảng lảng chiều hôm, bóng xế tà,

Một mình ngồi nghĩ nỗi gần xa:

Mày râu đã đứng trong trời đất,

Trung hiếu thêm lo nợ nước nhà.

Tình tứ chán khi mơ mộng hão;

Tóc râu ngại lúc tuyết sương pha!

Năm châu nào biết ai tri kỷ?

Tâm sự bàn hoàn ta với ta!

Nguyễn Xuân Kỳ mới mười bảy đó mà sang bài này đã hóa ra ông lão bảy mươi! Ôi “cụ non” là “cụ non”! bảo Phong hóa nói chơi mà thật đấy!

Tuổi mười bảy là tuổi cốt nhất phải chuyên lo việc học. Hãy cắm đầu cắm cổ mà học đi. Có thì giờ dư mà tập tò đi chim gái là kẻ lớn cũng còn mần ngơ cho nữa, ai lại nỡ đem cái gánh “trung hiếu”, cái “nợ nước nhà” mà gán cho tuổi ấy? Thế thì “lo” làm gì? Mà thật ra thì Nguyễn Xuân Kỳ đâu có “lo”? Chỉ nói thế thôi!

“Mày râu” lại “tóc râu”! Mười bảy tuổi sao lại đã mọc râu? Râu chưa mọc thì sao đã “ngại lúc tuyết sương pha”, đã lo sự bạc?

Đến câu kết thôi thì “lớn lối” quá! Chúng tôi khuyên tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đừng có phóng đại con người của mình “quá lố” như thế không được. Sinh trưởng ở Nam Định mà đã có lần nào đi tới Hà Nội đây chưa, lại hòng nói đến năm châu? Câu kết ấy, cả nước Nam này chúng tôi dám quyết chả có một người nào xứng đáng nói được hết, thế mà tác giả dám nói, thật là láo! Mà láo là vì sáo!

Lại như bài “Thương đời” có câu:

Phận ngựa mang yên không biết nhục,

thì cũng vẫn là sáo mà lại vô lý nữa: con ngựa mang yên là cái phận sự của nó, sao bảo là nhục? Nó mà không chịu mang yên thì nó làm gì?

Bài “Phu xe” có câu:

Thương người yếu đuối nên dìu dắt,

cũng là sáo, cắp ý “Thấy dân rét mướt…” của Lê Thánh Tôn, mà trái với sự thực nữa. Người phu xe cực chẳng đã vì kiếm tiền phải kéo người ta, khổ hòng chết mà phải kéo, chứ lại có “thương” ai? Người ngồi trên xe là người có tiền, no ấm và mạnh khoẻ, có điều họ thừa tiền và không chịu mỏi chưn thì ngồi trên xe mà thuê kéo, chứ đâu phải là yếu đuối? Chúng tôi chẳng biết nói tốt mà là nói láo cho người phu xe như thế thì người phu xe được gì? Mà làm che lấp cái khổ trạng của hắn đi, thật là một chỗ đáng trách của tác giả.

Sau hết, xin kết luận rằng tác giả “Hồn Thơ” có thể làm một thi nhân được, vì xem ra có tài về mặt ấy, chỉ cần phải bỏ hết những cái sáo mà làm cho cái nhân cách của mình hiện ra trong bài thơ là được.

Mười bảy tuổi mà lo việc trung hiếu, việc nước nhà, làm ra ông lão bảy mươi, chúng tôi cho là vật bất tường của nước Nam! Hãy tống cái bất tường ấy đi cho khỏi!... 

CHƯƠNG DÂN

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 17 (7. 1. 1934), tr. 9-11.