KHÔNG QUÊN HƯỚNG BẮC

Hướng Bắc? Hướng Bắc chẳng là hướng nhà vua. Không khéo mà mấy anh đồ nho nghe nói vậy rồi lầm tưởng là Thông Reo tôi muốn Bắc mặt xưng thần chi đấy chửng…?

Mẹt ơi! Thông Reo đâu có cái dục vọng xa vời thế. Từ mẹ đẻ tới bây lớn nhờ có mấy câu văn của nhà vua tế Võ công Tánh với Ngô Tùng Châu đã tự huỷ thân vì nước, mà mình dám rụng rún mấy lần rồi.

Ủy! văn gì mà dữ vậy? Thì đây: "Sửa áo mão chầu về Bắc quyết, ngọn tinh trung un mát tấm trung can (lửa ngọn mà mát!); chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nếm ngon mùi chánh khí” (chén độc mà ngon!)

Đời bây giờ Thông Reo thấy mấy cha làm chánh trị họ chỉ biết: về lửa thì có lửa xì-gà mà về chén thì có chén sâm-banh thôi; vì đời bây giờ là đời Tây.

Theo Tây đi bà con ơi! Thông Reo tuy chưa phải Tây như ai chớ cũng là Tây ba rọi. Ờ, cái đề "Không quên hướng Bắc" nầy là đề tôi mượn của Tây "Ne pas perdre le Nord, ou ne perdons pas le Nord", nghĩa là: Không bỏ mất hướng Bắc, hay là: ta chớ lạc hướng Bắc.

Không quên hướng Bắc nghĩa là việc gì ta chí nhắm, thì dầu cho sấm sét búa rìu hay nói theo cục kịch võ phu: đầu rơi đánh bảy búa, cũng không buông. Mà ở đời nầy cái gì là cái mà dân An Nam ta chí mấm (a) hơn hết?

Theo Thông Reo tôi thấy: 1/ là muốn sống; 2/ là muốn vợ; 3/ là muốn con; 4/ là muốn làm ruộng… Thôi hôm nay hãy kể sơ bốn cái muốn đại khái, mà là muốn gắt, của dân mình thôi.

Dân ta có muốn sống, muốn vợ, muốn con, muốn làm ruộng hay không? Chả sợ ai chối cãi. Thông Reo xin thay mặt cho đại đa số đồng bào, đứng phắc lên mà hô: Có!

Có. Nhưng có muốn gắt như dân Tây hay không thì mình chưa dám chắc! Đây để Thông Reo thuật cái cách muốn của người ta cho bà con nghe.

Bên Âu Tây, từ khi cuộc đại chiến tranh năm 1914 -1918 liễu kết, thì dân số bị giảm nhiều vì tử trận. Tuy xứ bển đàn bà dư quá bội, song mấy mụ đầm nầy họ có chịu đẻ ở đâu. Nhà nước muốn thêm dân phải đánh thuế mấy mong-xừ không vợ, phải tưởng lệ những đôi bạn sai con, thậm chí có nhiều bực phú ông đại bác ái ở trong nước cũng đua nhau treo giải thưởng để khuyến khích sự sinh sản.

Trong các nhà đại bác ái ấy có ông Cognacq cho phần thưởng lớn hơn hết. Thấy nói đôi vợ chồng nào đẻ từ bảy đứa con sấp lên thì được lãnh thưởng đến muôn quan tiền tây dĩ thượng lận.

Một trự (b) kia mới cưới vợ có 6 năm mà kiếm được 6 nụ con. Không biết lúy muốn để cho vợ lúy nghỉ, hay lúy thấy gần tới mức ăn nên chạy rút, mà lúy nhè lúy gởi đứa con thứ 7 của lúy ở trong bụng một cô con gái mới 12 tuổi.

Mèn ơi! Theo luật xứ người ta mà hòa gian với một cô con gái 12, dầu cho cô ấy có thuận tình, thì cũng là phải ra tới đại hình mà chịu xử nữa.

Trước bữa ra đại hình, một ông thầy kiện cãi thí vô tận khám giam, đặng coi đực ta có chỉ chọc cách gì để chữa cậu trong cơn nguy khổn? Cửa phòng khách trong khám vừa khép lại, thì cậu đã lật đật hỏi:

− Thưa thầy (thầy kiện, maître) thầy tưởng đứa con thứ 7 đó sẽ được đếm cho tôi trong cuộc lãnh phần thưởng Cognacq hay không?

Không quên hướng Bắc! Người ta chỉ mấm có bấy nhiêu mà biểu tính cái gì nữa cà!

Không quên hướng Bắc, nghĩa là muốn việc gì thì cứ muốn chăm chăm cái việc đó, cũng như kim địa bàn chỉ miết theo hướng Bắc vậy.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6912 (5. 1. 1933)

Chú thích

(a) mấm: như “bấm” (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

(b) Trự: thằng, con, mống (ý gọi khinh hoặc đùa) (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)