PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

LÀM PHÉP LẠ

Trước kia Thông Reo muốn học làm phép lạ.

Không phải như chú chàng kia, muốn học phép lạ để hóa đá ra vàng. Thông Reo thấy nhơn loại đau khổ, nào là vì đói khát, lạnh lẽo, bịnh hoạn, nào là vì thương tiếc, oán thù nhau, Thông Reo muốn tập phép lạ để đổi hóa lòng người, thứ nhứt là cho đặng hễ nói với những người đói lạnh "Các người hết đói lạnh nữa" thì họ được ấm no liền, hễ nói với những người đau ốm "Các người hãy lành bịnh" thì họ được mạnh khoẻ trong nháy mắt. Cũng như Giê-su xưa kia bảo kẻ bại đứng dậy đi, bảo kẻ chết sống lại vậy.

Thông Reo nghe nói đạo Phật giỏi an ủi người. Thông Reo cũng gắng công đeo đuổi theo kinh Phật. Thông Reo học được chuyện của bà Rị-sa Gô-ta-mi cầu Phật cứu con.

Chắc chư độc giả ai ai cũng biết Phật có dạy như vầy: "Chú mầy đói, lạnh, là vì chú mầy tưởng tượng sự đói lạnh. Chú mầy tức giận vì chú mầy tưởng tượng anh kia ỷ quyền, ỷ của mà hiếp đáp, nhục mạ chú mầy. Sự tức giận của chú mầy đó cũng vì tưởng tượng mà sanh ra. Xem như cục đất kia, không biết tư tưởng gì hết, cục đất đâu có biết khổ". Ấy là tóm tắt cái đạo của Thích Ca.

Còn chuyện của Rị-sa Gô-ta-mi cầu Thích Ca Mu-ni cứu con là như vầy:

Bà Rị-sa Gô-ta-mi mất đứa con một. Bà đau khổ vô cùng. Ôm xác con vào lòng mà đi như người điên, ghé vào mỗi nhà để cầu cứu sống con mình lại. Thiên hạ lấy làm thảm thương. Có người lại chỉ: "Ta biết một ông thầy tu có thể cho bà một thứ thuốc hay". Người ấy chỉ cho bà đi tìm Thích Ca Mu-ni.

Bà tìm được, cũng chỉ cầu Thích Ca cứu con sống lại. Phật mới bảo: "Bà đi kiếm cho tôi một hột cải. Mà hột cải ấy phải là của của một nhà không có mất con, mất cháu, mất cha mẹ, mất anh em, không có bị tang thương như bà vậy". Bà lật đật chạy đi từ (*) nhà, xin hột cải. Hột cải thì ai cũng vẫn cho. Nhưng mà tới câu của bà hỏi: "Nhà nầy đã có bị tang thương không? Hoặc mất cha mẹ, mất con cháu, mất anh em?", thì ai ai cũng trả lời: "Dưới trần ai khỏi bị tang thương. Xin bà đừng khươi những chuyện đau thương của chúng tôi ra làm gì." Bà Rị-sa Gô-ta-mi đi đã mỏi mệt mà không xin được một hột cải theo như lời dặn của Thích Ca. Bà ngồi dựa bên đàng, xem cảnh trời chiều kia như đeo sầu cho thiên hạ. Bà suy nghĩ một lát lâu. Bà hiểu ý của Thích Ca, liền lo về nhà chôn con. Rồi sau bà theo hầu Phật.

Thông Reo học được cách an ủi hay của Phật, Thông Reo in nó vào trí não. May, cách ít hôm sau đó, chị Tư bên cạnh chỉ cũng mất con. Chỉ khóc nghe thôi thêm thảm. Thông Reo nghe khóc, chạy qua an ủi: "Thôi, chị Tư, chị khóc làm chi. Như chị muốn em nó sống lại thì chị chạy xin giùm cho tôi một hột tiêu, thì tôi có thể cứu nó".

Chị Tư, nhờ hay tin thầy pháp thầy phù, cho nên tin tôi: "Chú nói thiệt chơi? Tiêu có sẵn sau nhà bếp đây".

Không phải đâu, chị Tư. Chị phải đi xin tiêu của nhà nào không có mất chồng, mất con, mất cha, mất ông, mất anh, mất chị kia chớ.

Chị Tư lật đật chạy đi. Đi nhà nầy qua nhà kia. Đi tới chiều tối chị mới về. Chị về, chị đưa cho tôi một bao tiêu: "Đó chú, chú lựa coi có hột nào dùng được không. Chớ còn kiếm tiêu theo như chú dặn đó, thì không thể có một hột".

Thông Reo cầm bao tiêu trong tay, không biết nói làm sao với chị Tư. Một lát Thông Reo hỏi: "Chị Tư, đi trọn ngày, chị không có suy nghĩ gì hết sao?"

Suy nghĩ giống gì?

Suy nghĩ rằng tôi không thể cứu cháu được. Suy nghĩ rằng bao nhiêu thiên hạ kia mất con cũng không thể cứu sống lại được.

Chị Tư nổi giận mắng: "Chú nầy dã man quá. Người ta đã khổ như vầy mà chú còn giỡn chơi. Chú nói không ai cứu con tôi được. Phải chi hôm trước tôi có một trăm đồng bạc trong túi coi tôi có cứu được không. Trọn ngày nay tôi gặp có hơn năm chục bà, các bả nói rằng trước kia con của các bả cũng đau như vậy, song nhờ chạy thầy tây, tổn tám chín chục bạc thì hết".

Từ đó đến nay, Thông Reo bỏ cả kinh Phật và không thèm học làm phép lạ nữa.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6962 (15. 3. 1933)

Chú thích

(*) lưu ý: “từ” ở đây dùng như “từng” (= mỗi) hiện nay.