LÃO THÀNH VỚI THANH NIÊN

         Nước nào cũng vậy, vào thời đại bỏ cũ theo mới có một cái trở lực rất mạnh là các ông già.

         Ông già cũng có hai hạng, mà ta phải phân biệt bằng tiếng chữ nho: lão đại lão thành. Lão đại thì chỉ là già mà thôi, nhưng lão thành thì đã già mà lại có phẩm vọng nữa, kiêm cả sỉ lần đức.

         Đối với cuộc tiến hóa của một dân tộc, hạng lão đại không có trọng khinh gì; đến như hạng lão thành, rất là quan hệ, họ có thể thúc giục cho đi tới hoặc gàn ma mà kéo lui.

         Sở dĩ có sự đáng buồn ấy là tại trong xã hội có bọn thanh niên. Thanh niên thì bao giờ cũng hăng hái, hăm hở mà đi tới, bao giờ cũng ưa cái mới hơn cái cũ. Điều ấy trái nhau với cái thói quen của các ông lão thành, cho nên mới có sự chèo kéo nhau hay đến xung đột nhau. 

         Nói vậy mà nghe chứ những ông lão thành thúc giục cho cuộc tiến hóa thì tìm đâu cho ra. Duy có những ông gàn ma là nhiều.

         Nước ta gần nay đã ở vào cái thời đại ấy. Những hiện trạng mới vừa nói đó đã thấy phát lộ nhiều lần rồi.

         Mấy năm trước, hạng trẻ trung đối các cụ có danh vọng chẳng những đem lòng kính mến mà lại còn coi như kẻ đưa đường dắt lối cho mình nữa.

         Đến bây giờ thì đã khác hẳn đi. Có nhiều cái dấu tỏ ra rằng bọn thanh niên chỉ trọng các lão thành về tuổi thôi, thấy già thì thương mà thôi, chứ không có ý tôn thờ như trước.

         Đó là tôi làm như thông ngôn, nói sáng cái điều ở trong lòng kẻ trẻ ra cho các ông già nghe, cho ai nấy cùng nghe, chứ không phải là việc chưa có mà tôi khêu ra trước đâu.

         Ai thì cho điều đó là điều đáng lo chớ tôi lại cho là điều đáng mừng.

         Tự các lão thành hay cho mình là nhiều tuổi có lịch duyệt hơn đám trẻ nên ông nào cũng có ý tự phụ. Nhưng theo tôi, tôi chưa chắc rằng hễ nhiều tuổi thì lịch duyệt nhiều.

         Không phải nhiều tuổi thì có lịch duyệt. Nếu một người 80 tuổi mà sanh trưởng trong nhà quê, không hề bước cẳng tới phố Hàng Đào, Hà Nội, mua vải Tây đen, thì tưởng không thể nào từng trải cho bằng anh chàng vài mươi tuổi đi dọc đi ngang, có vẻ “bạt mạng”.

         Nói rằng sống lâu thấy việc đời nhiều cũng đủ cho là lịch duyệt, chớ không cần đi nhiều, tôi cũng chưa chịu nữa.

         Những cái việc đời mà các cụ thấy hồi bọn thanh niên chưa đẻ thì đem mà nói ở đời nầy có ăn thua gì đâu?  Cho nên có biết nhiều mấy cũng chẳng làm chi.

         Nói những chuyện trèo qua đèo Ba Dội lại trèo qua đèo Ngang, đi bỏng cẳng giữa truông nhà Hồ rồi mới vào đến Huế, thì vào tai bọn thanh niên bây giờ chỉ là chuyện cổ tích. Bởi họ không có sự trèo đèo lội truông nữa, họ chỉ biết phóng ô tô nước đại.

         Những người thấy người ít tuổi mà cho là “con nít” khinh đứt đi, thì thôi cũng dám trở lại khinh đứt họ. Sao họ không ngó đến chỗ tri thức của người ta mà chỉ cứ câu nệ ở cái tuổi?

         Các ông lão thành sở dĩ được mạnh thế là nhờ sức của những cái đạo đức, luân lý cựu truyền. Những cái ấy ngày nay nói ra đã hơi yếu thì các ông cũng không còn hách dịch như xưa.

         Mấy năm gần đây chúng ta há chẳng thấy có ít nhiều thanh niên đã sấp lưng với các cụ mà đi riêng đường họ? Lại điều này đáng chú ý hơn nữa: trong khi họ đi đó các cụ cũng phải dãn ra hai bên cho họ đi. Cái trở lực rất mạnh ấy mà không có nữa, cũng là một điều khá.

PHAN KHÔI

Nguồn:

Công luận, Sài Gòn, s. 6449 (19.1.1934), tr. 6