Lê Hữu Huân

Lê Hữu Huân nhất danh Lê Hữu Trác, con nhà danh gia ở Hải Dương. Gặp hồi cuối đời Lê, họ Trịnh chuyên quyền, ông ấy lánh mình ở làng Phúc Lộc gần Tuyết Sơn. Lê Hữu Huân học rộng, có tài, người lại có vẻ hào sảng, từng làm thơ có câu:

Thiện diệc lãn vi hà huống ác;

Phú phi sở nguyện khải ưu bần.

(Lành cũng biếng làm, nào kể dữ?

Giàu còn không muốn, sợ chi nghèo?)

nhân tự hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. (a) Ông rất tinh về nghề làm thuốc.

Ông già họ Nguyễn, người làng Hoàng Cần, cùng ông thân nhà tôi (tác giả tự xưng) quen biết, hay tới lui; nhà ông giàu lắm. Hồi tôi mới mười sáu, mười bảy tuổi thì ông đã bảy mươi rồi. Có người nói ông hồi còn trai có đau một chứng: bắt đầu đau bụng, đi ngoại không được thường, lâu rồi bụng không đau nữa, duy có giữa bữa ăn thì chột bụng bắt đi ngoại. Thầy thuốc điều trị mấy năm mà không lành, bèn đến ông Lê Hữu Huân xin chữa cho.

Đến nơi, thấy ngoài cửa treo biển nói như vầy: Phàm người bệnh đến xin chữa, đừng nói đau chứng chi, đợi thầy xem mạch rồi đoán chứng cho, đoán không sai thì mới trị cho lành được; bằng chẳng vậy, ấy là thấy bệnh không rõ, thôi, xin đi tìm thầy khác.

Ông thấy rồi thì ra quán nghỉ, tối lại mới đến nhà Lê, ngủ ở đó; ban đêm ước canh tư, thầy Huân ra thăm mạch. Thăm rồi, nói rằng: "Chứng nầy không thấy nói trong sách thuốc, cũng là một chứng lạ đây. Đây là ở ruột già, về chặng dưới bị hư, cho nên ăn nửa chừng thì bắt đi ngoại". Ông vừa mừng vừa ngạc nhiên, sụp xuống lạy tạ. Thầy Huân nói rằng: "Chứng này không khó lắm, tuy vậy cũng phải uống hết mười quan tiền thuốc mới lành được". Ông vâng lời; thầy bèn bảo về nghỉ, gần trưa đến lấy thuốc về uống.

Ông giở ra, sắm lợn, nếp cùng mười quan tiền đến y giờ đã hẹn. Thầy Huân đưa ra một bát thuốc cao, nói rằng: "Đây là hoàn gia vị, uống hết ngần này thì lành". Ông mừng lắm, đem về, uống hết nửa, thấy bụng trướng lên, không muốn ăn, cho đến chiều mà chưa xọp. Uống thêm nữa, thấy còn hơi đau nhưng không bắt đi ngoại. Trong ba ngày, uống hết bát cao thì bệnh cũng đã.

Ông bèn sắm lợn nếp lần khác và bạc nữa, đem đến tạ ơn. Thầy Huân bảo rằng: "Số tiền lần trước của ông, làm thuốc không hết nữa, vì ông nhà giàu nên tôi lấy số ấy để giúp kẻ nghèo, bây giờ còn tạ bạc nữa làm chi?" Rồi lui bạc lại, không nhận. Nhân đó, ông hỏi bệnh mình có cần uống thuốc gì nữa thôi. Thầy nói trong ba năm không đau nữa; nhưng nếu kiếm được gan cá sa mà ăn thì nó dứt luôn, vững không trở lại. Có điều ba năm sẽ phải đau mắt, bấy giờ khá uống hoàn bát vị, gia cúc hoa, câu kỷ, uống một chén là khỏi. Sau quả như lời thầy.

Lê Hữu Huân có làm sách thuốc "Hải Thượng Lãn Ông" để truyền cho đời. Đời chỉ biết Lê là danh y mà không biết là cao sĩ. (Trương Quốc Dụng,‒ Thoái thực ký văn).

C. D.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 6 (22. 10. 1933), tr. 16-17.

Chú thích

(a) Lưu ý: ở báo gốc, câu thơ (chữ Hán, chỉ ghi âm) là “thiện diệc lảng vi…”, tên hiệu cũng viết  là Hải Thượng Lảng Ông;  ở đây sửa cả hai chỗ đó đều thành “lãn”.