[Kỳ 2]

Lê Nguyên Trung

Ông Lê Nguyên Trung làm tuần vũ Bình Định (triều Minh Mạng), người thật thà ngay thẳng như người đời xưa. Ông chơi với bạn, thấy bạn có lỗi gì thì can ngăn ngay. Nếu thấy bạn có ý binh vực điều lỗi của mình thì ông càng nói thẳng mà chỉ xích, (a) chứ không hề để bụng giận ai. Bởi vậy người ta cũng chẳng ai giận ông.

Gặp ai có sự thắt ngặt thì ông Lê lại hay tuỳ sức mình mà cứu giúp. Khi tôi (Trứ giả, ông Trương Quốc Dụng tự xưng) làm tri phủ Tân Bình thì ông Lê làm hiệp lý Gia Định. Năm đó gặp khoa thi hương, có hai ông quan trường từ ngoài Bắc vào, đem theo năm sáu người đầy tớ, chừng đến Gia Định thì chúng đều mắc bệnh cả, đều cho trọ ở nhà ông Lê. Còn hai ông quan trường đã phải tấn trường rồi. Được mấy hôm, ba người đầy tớ đã đỡ, còn hai người thì càng đau nặng, mê man và đi lỵ nữa. Thế mà ông Lê mỗi đêm cùng một người nhà của mình chăm lo thang thuốc cho chúng, lại còn lấy chính tay mình đỡ đần cho và thay quần thay áo cho.

Tôi sang chơi thấy vậy thì hỏi rằng: “Ông thiếu gì người sai bảo mà lại thân hành như vậy?” Ông Lê nói rằng: “Mình thương chúng nó thì phải chính tay mình làm lấy. Người khác có thương chúng nó đâu mà bảo họ làm? Nếu cực chẳng đã phải vâng lời mình thì họ cũng chẳng hết lòng nào”. Ông Lê đối đãi vai dưới mình đại để như thế.

Ông từng làm bố chính Quảng Nghĩa, sau đổi vào Bình Thuận, lại nhân việc đòi về Kinh. Khi tôi đi qua Quảng Nghĩa, từ các quan đến nhân dân đều gởi lời thăm ông, có kẻ nói tới ông thì rơi nước mắt.

(Trương Quốc Dụng, Thoái thực ký văn)