LINH TINH. VIỆC TÒA SOẠN

 

        

Cùng các vị lai cảo

 

     Bản báo mới ra được vài tuần lễ mà đã nhận được lai cảo của các bạn gởi tới rất nhiều. Ấy là dấu tỏ ra Bản báo được nhiều người yêu quý, chúng tôi lấy làm vui mừng lắm.

     Những bài lai cảo ấy còn đợi xét lại rồi mới đăng. Nhưng nếu thấy không đăng, ắt là vì có cớ.

     Những bài như dưới này thì không đăng :

     1. Viết hai mặt giấy ;

     2. Viết không chấm câu, sang giòng ;

     3. Không hợp tôn chỉ hoặc thái độ của Bản báo ;

     4. Những vận văn vô vị, nhất là những bài luật thi ý tứ rỗng tuếch, chỉ diện những chữ sơn hà, cố quốc, tang thương, bóng nhạn, tiếng quyên, v.v…

     5. Những đoản thiên tiểu thuyết dùng cái lối : tên Mỗ ở xứ Mỗ, hồi nhỏ thông minh, lớn lên thi đỗ, có vợ có con, làm những việc gì, việc gì đó rồi chết ; hoặc cái lối : cô Mỗ, có sắc đẹp cá lặn nhạn sa, phải lòng chàng Mỗ, sau nhân không lấy nhau được bèn tử vì tình, v.v…

     Vậy những bài nào có tánh chất giống như 5 điều kể trên đây, xin đừng gởi đến.

P. N. T. Đ.

 

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 3 (1. 10. 1933), tr. 8.

 

Nhà văn sĩ Nguyễn Tiến Lãng được phần thưởng bên Pháp

     Mới đây bên Pháp có cuộc thi văn chương của hội thi sĩ vùng Côte d’Emeraude ở Saint-Malot, tất cả có 200 nhà văn các nước gửi văn đến dự thi. Trong số này có ông Nguyễn Tiến Lãng, một người thanh niên Việt Nam từ trước đến giờ đã nổi tiếng là có tài viết văn Pháp. Cuốn Eurydice của ông đã được phần thưởng đoản thiên tiểu thuyết của tạp chí Indochine. Nay trong cuộc thi này, ông Lãng lại được hai giải thưởng nữa :

     Về giải văn xuôi, ông được bội tinh về tập Ruines d’Angkor trích trong tập Etapes Indochinoises đã đăng trong báo Annam Nouveau.  

     Về giải văn vần, ông được giải ba về lối sonnet trong tập Douceur de Hue.

            Thật là một tin đáng mừng cho văn giới nước ta vậy. Mong ông Nguyễn Tiến Lãng mỗi ngày mỗi làm rạng vẻ cho bọn thanh niên.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 6 (22. 10. 1933), tr. 17.

 

Xa nhà

L.T.S. ‒ Bạn đọc, ai có tài, theo 17 câu tả trong này, vẽ thành bức tranh đúng cảnh, gửi cho Bản báo, sẽ có thưởng xứng đáng, do tác giả  "Xa nhà"  tặng.

 

XA NHÀ  

(lục bát gián thất)

Tặng Ngọc Tú

                        …Ác tà. Chuông đã thu không

                        Trời mờ mây ám, càng trông càng sầu!

                        Nước non … u uất một bầu

                        Cây xanh xanh nhạt, cỏ rầu rầu phai…

                        Lưng đèo leo lét đèn ai?

                        Trọi trơ đỉnh núi một vài cội thông…

                        Sóng nguồn ỳ uộp bên sông,

                        Lá thuyền trôi giạt bềnh bồng về thôn.

                        Lẻ loi chim lạc bay dồn…

                        Xóm làng xa lắc, trống dồn điểm canh!

                        Quạnh hiu dăm túp lều tranh…

                        Gió ào vi vút mấy cành liễu khô!

                        Mặt hồ phản chiếu bóng ô

                        Long lanh vàng trắng, nhấp nhô trắng vàng…

                        Lạnh lùng thay khách tha hương

                        Mịt mùng sương tỏa, bước đường phiêu linh!

                        Thấu ta, họa chỉ có mình!

                                                             NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

(Viết tại Ballevue gần Đà Lạt, cuối mùa đông 1929)

 

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 6 (22. 10. 1933), tr. 5

 

Cùng các vị lai cảo

      Bản báo ra đến số này mới 7 số mà đã tiếp được bài lai cảo gởi đến rất nhiều. Giá để dành đó rồi cứ lần lượt đăng hết lên thì có lẽ mãn năm nay Tòa soạn chúng tôi khỏi viết một chữ nào hết!

     Nhưng cứ thực mà nói thì có ít bài đăng được quá. Phải chi hết thảy đều được như bài "Thơ mới phải thế nào" của Nhất Chi đăng ở số 5 thì còn nói gì nữa! Ngặt những bài như vậy rất hiếm.  Số tới sẽ đăng một bài lai cảo nữa, đề là "Chủ nghĩa lãng mạn ở xứ ta". Bài này rất hay.

     Còn bao nhiêu bài chưa đăng hoặc không đăng, xin người gởi bằng lòng đừng trách, vì chúng tôi phải kính trọng tờ báo, cũng kính trọng độc giả nữa, không dám gặp gì đăng nấy.

                                                                                              P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 7.

 

 

Ông Diệp Văn Kỳ đến Hà Nội

     Ngày chủ nhật vừa rồi ông Diệp Văn Kỳ ra đến Hà Nội, có tới thăm Bản báo.

     Ông Diệp hiện làm chủ nhiệm báo Công luận, chuyến lữ hành này ông lấy tư cách nhà báo đi dự thính Đại hội nghị kinh tế và lý tài đương nhóm ở đây.

     Vậy Bản báo xin để mấy lời này chào mừng ông.

                                                                                  P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 10 (19. 11. 1933), tr. 20.

 

 

Bữa tiệc các nhà báo Bắc Kỳ

thết các bạn đồng nghiệp trong Nam

 

     Nhân Đại hội nghị năm nay nhóm tại Hà Nội, các đại biểu Nam Kỳ có ông Nguyễn Phan Long, chủ nhiệm báo Tribune Indochinoise, ông Nguyễn Văn Sâm, quản lý Đuốc nhà Nam, lại một người lấy tư cách nhà báo đi dự Đại hội nghị, ông Diệp Văn Kỳ, chủ nhiệm Công luận, đều có mặt ở Hà Nội.

     Muốn nhân dịp để tỏ tình thân thiện và trao đổi ý kiến, các nhà báo ta ở Hà Nội tổ chức một bữa tiệc tại hiệu Lạc Xuân để thết đãi ba vị ấy hôm 22 Novembre lúc 7 giờ tối.

     Ông Nguyễn Phan Long trước có thư nhận nhời, sau vì trở sự, có giấy kiếu.

     Dự tiệc cả thảy non hai mươi người. Có chụp một bức ảnh làm kỷ niệm.

     Tuần rượu sau cùng, ông Nguyễn Văn Vĩnh đứng lên thay mặt đồng nghiệp nói mấy lời chào mừng các vị và tỏ đại ý bữa tiệc hôm nay.

     Dứt lời, ông Diệp Văn Kỳ đáp lại, có nói sơ lược về hai việc lập báo giới liên đoàn và hợp nhất các danh từ dùng trong báo Quốc ngữ, song kết luận rằng đây như mới gợi ý ra thôi, đợi sau sẽ có dịp bàn.

     Ông Kỳ vội phải lên xe hỏa tốc hành về Huế, còn ông Sâm ở lại cùng anh em trò chuyện đến 9 giờ tối mới tan.

 

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 12 (3. 12. 1933), tr. 5.  

 

Cùng các vị lai cảo

      Lâu nay có nhiều vị độc giả là họa sĩ, gởi nhiều bức vẽ thật khéo tới tặng Bản báo, những bức vẽ ấy hoặc đứng riêng, hoặc kèm vào bài. Thế mà không có mấy bức đăng được là vì vẽ theo khổ lớn quá, để vào một cột (mỗi trang 2 cột) thì thừa ra, còn để choán y bền ngang cả trang thì lỡ dở mà lại xấu.

     Vậy xin các bạn từ nay có gởi bức vẽ đến thì nên vẽ theo cỡ này.

     Bức vẽ đứng riêng (như những bức hài họa) thì vẽ vừa bề ngang một cột của tờ Phụ nữ thời đàm (mỗi trang hai cột) mà có kém đi một ít; còn bức vẽ kèm vào bài (như những bức vẽ đoản thiên tiểu thuyết) thì mới nên vẽ lớn hơn một ít hòng đặt vào giữa tờ báo, hay là vẽ bằng cỡ trên cũng được.

     Như thế là bởi những bức vẽ ấy chúng tôi sẽ khắc bằng gỗ chứ không phải làm bằng kẽm mà hòng nói vẽ thế nào cũng được rồi thợ làm bản có thể phóng to ra hay thu rút nhỏ lại.

      Xin các bạn lai cảo lưu ý cho.

P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 13 (10. 12. 1933), tr. 25    

 

 

Thư cùng ông Thiên Trà

Biên tập báo  " Saigon"  ở Sài Gòn

Theo lời của " Phòng đọc sách"  tỏ cùng Bản báo: Nói rằng bao nhiêu số báo chúng tôi gởi biếu phòng ấy từ bấy đến nay đều không thất lạc số nào, phòng vẫn giữ thành toàn tập cho chị em vẫn xem.

Vậy mà có ông mượn đi hai số Phụ nữ thời đàm 8 và 9 rồi nín luôn không trả, thật là ngặt cho phòng ấy lắm.

Vả chăng chúng tôi tặng báo cho phòng ấy là tặng chung hết thảy, không phải tặng riêng một cá nhân nào, mà ông lấy luôn đi như vậy, chẳng là trái với công đức lắm?

Bản báo không còn hai số 8 và 9 ấy để gởi cho Phòng đọc sách. Vậy xin ông hãy đem trả ngay cho phòng ấy ở số 44 đường Reims, hầu khỏi có sự mất báo là sự chúng ta vẫn phàn nàn. Nay thư.

                                                                           P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà nội, s. 14 (17. 12. 1933), tr. 13.    

 

Thư cùng ông Mai Sơn

      Có tiếp được bài "Đọc bài Yêu nước giả và yêu nước lầm" của ông, nhưng vì lẽ sau này chúng tôi không đăng.

     Bài ấy của Minh Viên, chúng tôi có đọc, chỉ thấy tiên sinh nói "lầm" mà không chỉ rõ cái lầm ra sao hết. Tiên sinh quen dùng cái lối trừu tượng mà nghị luận, nên dù muốn biện bác, cũng chẳng biết biện bác vào đâu. Tiên sinh lại còn hay ví dụ nữa, tức như cái ví dụ "người nước Yên" trong bài ấy, chúng tôi cũng không hiểu tiên sinh muốn nói gì về sự thực.

     Bài của ông phản đối lại bài ấy. Nhưng chúng tôi đọc kỹ thì cũng không dám tin rằng chỗ ông nhận thấy trong bài ấy là đúng như ý Minh Viên tiên sinh. Huống chi là tiên sinh nói bông lông mà ông lại đem buộc vào mình, một điều "chúng tôi" hai điều "chúng tôi", e còn không hợp lẽ nữa.

     Bởi vậy xin miễn đăng bài của ông để khỏi kéo dài ra một cuộc tranh biện vô vị.

     Xin ông tin cho rằng làm vậy không phải chúng tôi có ý dìm dư luận của thanh niên. Nếu được bài như bài Chiêu tuyết cho nàng Kiều của ông Lưu Trọng Lư thì dù có phản đối ý kiến các bậc lão thành chúng tôi cũng không ngại.

TÒA SOẠN

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 16 (31. 12. 1933), tr. 16.

  

Không nhận thư không tem

Có một vài người gởi bài cho Bản báo mà không dán tem ngoài phong bì.

Từ chối đi thì sợ cái bài ở trong nếu là bài hay thì uổng lắm. Mà nhận thì cũng có ngặt.

Ngặt hơn nữa là khi nhận rồi mở ra, cái bài dở quá, không đăng được: mất toi một hào nhè chính lúc kinh tế khủng hoảng !

Vì lẽ ấy, từ nay chúng tôi không nhận thư không tem hoặc thiếu tem nữa.

                                                                      P. N. T. Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 18 (13. 1. 1934), tr. 15.

Cải chính lời tuyên bố của báo Bạn Trẻ

Báo Bạn trẻ số 7, ra ngày 17-1-34 vừa rồi, nơi trang nhất, có chỗ đóng khuôn, tuyên bố tên những người trong “Bộ biên tập của Bạn trẻ từ nay”, có tên tôi đứng đầu.

Tôi xem thấy, rất lấy làm quái lạ, sao ông chủ nhiệm báo ấy không nói gì với tôi hết mà tự tiện để tên tôi vào đó?

Vả tôi có nhận lời viết cho báo ấy mỗi kỳ một bài, thế tôi là người ở ngoài viết giúp (collaborateur) chứ có phải là ký giả (rédacteur) cho báo ấy đâu mà lại để tên tôi vào trong tòa soạn được?

Trừ ra tôi còn phải buộc ông chủ nhiệm Bạn trẻ cải chánh điều đó trên tờ báo của ông, tôi phải viết lên đây mấy lời này để độc giả khỏi có điều ngờ vực. (a)

PHAN KHÔI

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 19 (21. 1. 1934), tr. 20.

Chú thích

(a) collaborateur (chữ Pháp) cộng tác viên; rédacteur (chữ Pháp): biên tập viên; báo Bạn trẻ nói tới ở đây là một tuần báo, số đầu ra ngày 6.12.1933,  ban đầu đóng ở 70 Hàng Đồng, Hà Nội, sau chuyển vào thành phố Vinh (Nghệ An); số cuối ra ngày 20.5.1935 (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2001: Nxb. Văn hóa thông tin). Hiện nay tôi (LNA) chưa tìm thấy sưu tập báo này tại các thư viện hoặc trung tâm lưu trữ.

 

Học bổng cho học trò nghèo

     Đọc số báo vừa rồi đã thấy chúng tôi phát khởi cuộc lập học bổng cho học sinh nghèo là thế nào. Ai chưa hiểu thì hãy xem kỹ lại 10 điều chương trình ở số trước.

     Đó, xin độc giả các ngài xem công cuộc chúng tôi tổ chức ra như thế có đáng cho là một sự bổ cứu thiết thời không? Tưởng ai có tâm huyết, lo về tương lai của nước nhà đều tán thành cái nghĩa cử ấy mới phải.

     Xin biết cho rằng một phần lớn trong quỹ học bổng phải trông cậy vào món tiền chính phủ trợ cấp cho sau này, cùng các món hoa lợi thu được ở các cuộc vui do các hội thiện, các nam nữ sinh viên hiệp sức cùng chúng tôi tổ chức. Đến như cái số 15% tiền mua báo Phụ nữ thời đàm mà Bản báo trích ra chẳng qua một số tiền nhỏ.

     Tuy vậy, trong dạo kinh tế khủng hoảng này, chúng ta không nên thấy số tiền nhỏ mà khinh mà phụ. Vả lại cũng nhờ cái số nhỏ ấy mới thấy lòng sốt sắng đối với thanh niên của hết thảy quốc dân.

     Vậy, đồng bang ta hãy bảo nhau, từ ngày nay giở đi, mua báo Phụ nữ thời đàm có hạn để cứu cho ít nhiều thanh niên khỏi nạn thất học.

     Đối với việc này, độc giả ngài nào có ý kiến gì hay giúp chúng tôi, xin cứ viết thư cho biết.

P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 20 (28. 1. 1934), tr. 5.

Mấy lời cảm tạ

            Bản báo xin có lời cảm tạ các độc giả yêu quý của tờ P.N.T.Đ. đã hưởng ứng với chúng tôi trong việc "lập Học bổng cho Học sinh nghèo"  mà sốt sắng gửi thư về khuyến khích cùng gửi tiền về mua báo.

            Số tiền các ngài gửi về chúng tôi đã trích ra 15% tức là chúng tôi chịu thiệt về số lãi được hưởng.

            Vậy muốn tránh các phí tổn vô ích, ngài nào gửi tiền về trả, chúng tôi sẽ lục đăng quý tính phương danh và lục đăng rõ số tiền gửi về trên mục " Ân nhân của Học sinh nghèo" . Các ngài khi thấy tên đăng và thấy đúng số tiền đã gửi thì xin coi như là đã trả tiền rồi để miễn cho chúng tôi sự gửi biên lai và thư trả lời vậy.

P.N.T.Đ.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà nội, s. 21 (4. 2. 1934), tr. 12.