Đọc bài phê bình Người sơn nhân

của cô Nguyễn Thị Kiêm

Cuốn Người sơn nhân của ông Lưu Trọng Lư ra đời, ông Phan Khôi đã có bài phê bình từ lâu trong Phụ nữ thời đàm. Mới đây cô Nguyễn Thị Kiêm cũng có bài phê bình sách ấy trong Phụ nữ tân văn. Nhân bài của cô Kiêm, tôi mới viết bài này, song tôi khoan nói tới ý kiến của tôi đối với bài cô Kiêm, tôi hẵng đọc lại cuốn Người sơn nhân rồi tôi chép rõ ràng cái lý thuyết hay cái triết lý mà tác giả chủ trương trong cuốn sách đó, vì đã gọi là một cuốn tiểu thuyết có giá trị thì tất phải hàm súc một lý thuyết gì cho minh bạch, chủ trương binh vực cái lý thuyết ấy cho vững vàng chắc chắn.

Vậy trong cuốn Người sơn nhân tác giả chủ trương lý thuyết gì? Như lời ông Phan Khôi đã nói, đại ý của cuốn sách hay là cái lý thuyết tác giả chủ trương gồm trong câu kết luận: “… cái khẩu súng hai lòng kia tuy chưa hề dùng nó để giết ai, nhưng mà ví bằng Thượng đế thấy nó ở trong tay một kẻ truyền đạo thì tưởng cũng phải đau buồn cho cái thế giới mình đã tạo ra”; hoặc ta có thể tóm thâu ý nghĩa của câu kết luận này mà nói đơn giản rằng: “Trong nhân loại không sao hết chiến tranh”.

Cô Kiêm phản đối cái lý thuyết này, cô cho cái quan niệm về xã hội của tác giả như thế là sai lầm. Vì cô “theo lịch sử nhân loại, giống người càng văn minh thì các thói tục dã man lần lần được đánh đổ, nền văn minh của các nước lập nên một nhân loại cao thượng hơn, bấy giờ sự giết lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, sẽ không còn nữa”. Cô kỳ vọng mơ tưởng ở tương lai mà bài bác quan niệm của tác giả. Còn tác giả lấy cái hiển nhiên, lấy ông cố đạo mà chứng thực lý thuyết, quan niệm của mình: Thì kìa! “cái kẻ đầy những tư tưởng nhân đạo, hòa bình mà trong mình nào đã sạch sẽ hết máu giết người !” Mãnh liệt thay, chắc chắn thay, câu chứng thực! Nội một câu này cũng đủ giữ gìn vững vàng cái lý thuyết của tác giả. “Nhân đạo mà trong mình chưa sạch hết máu giết người”, nghĩa là cái tánh có máu giết người là cái tánh tự nhiên; giết người người giết lại, chếm giết xâu xé lẫn nhau là cái công lệ, cho đến con thằn lằn con muỗi cũng không ra khỏi cái công lệ ấy. Người sơn nhân của tác giả cũng thế. Cái công lệ ấy đáng lẽ nó làm cho Người sơn nhân không có vẻ dị thường quái lạ khiến ta phải kinh khủng đâu. Nhưng vì ta không có bản lĩnh gan tóc như Người sơn nhân, ta không thể điềm nhiên khoái chá nhìn cái thây quằn quại phụt máu đỏ, nên ta kinh khủng, gớm ghiếc Người sơn nhân. Cái nhút nhát, yếu mềm của ta làm ra cái tàn bạo tội lỗi của Người sơn nhân. Người sơn nhân chỉ có biết giết người như thế, theo bọn thường nhân chúng ta, có phải là có tội, là vô lương không? Không, theo lời hắn, “tôi vẫn ngứa tay, cho nên có dịp chém giết được là tôi chém giết cho đã sướng”, hắn không cần phải phân biệt, không cần phải biết những người không may bị lưỡi gươm của hắn đưa qua cổ có đáng hay bị giết oan uổng? Hắn thấy cái thú trong sự giết người thì hắn cứ giết, miễn sao cái ý muốn của hắn đạt được thì thôi. Mà đạt được ý muốn đã dễ mấy ai làm nổi? Trong triết học đã có người xướng ra rằng: “Chỉ có cái ý muốn là đáng kể”, “giết người nó dẫu có đắc tội, nhưng đó là cái lòng ước muốn mà những kẻ tầm thường không thể có được”. Chỗ khác thường của người sơn nhân làm cho ta quên hết những cái mà ta gọi là tàn bạo vô lương của một tên tướng cướp, ta chỉ còn thấy phục sợ một đấng phi thường…

Nhưng người sơn nhân phi thường quá, cách xa ta quá, ta có thể ngờ rằng có lẽ chỉ là một nhân vật trong cõi tưởng tượng… Tác giả phá tan ngay cái nghi ngờ đấy. Tác giả tuy nâng người Sơn nhân lên chỗ phi thường nhưng đôi phen vẫn để người Sơn nhân gần chúng ta, gần hạng người mà người sơn nhân cho là tầm thường. Người Sơn nhân còn tha giết một mỹ nhân! Người sơn nhân bị bắt vào ngục, có lúc muốn tin rằng mình có tội! Cái “muốn tin” để làm cho chúng ta có thiện cảm với người Sơn nhân. Hắn còn một “điểm” giống người thường, dẫu cái điểm đó còn lờ mờ, còn ở trong vòng ngờ vực chứ chưa chắc chắn. Mà có ở trong vòng ngờ vực đó, thì cái phi thường của người sơn nhân mới trọn vẹn, mới xứng đáng hết lòng kính phục của chúng ta! Cái sự nghiệp phi thường kia mới không gián đoạn! Chứng kiến cái đời của người sơn nhân, ta thấy rằng tác giả đem người sơn nhân ra tiêu biểu cái thế giới chiến tranh này! Chém giết nhau chán rồi vì hoàn cảnh phải gác súng gác gươm, trong lúc đó nghĩ lại cái cảnh xương núi máu sông, thấy thắc mắc muốn tin rằng chiến tranh là tàn bạo, có ý hối, muốn mưu hòa bình; nhưng thoạt một cái, lại trở lại chiến tranh, lại đâm, lại chém; hòa bình chỉ là sự mơ mộng trong chốc lát! Chủ trương lý thuyết chắc chắn như thế, binh vực lý thuyết một cách vững vàng hăng hái như thế, làm cho người đọc phải phục, phải có thiện cảm với lý thuyết ghê gớm, thật tác giả Lưu Trọng Lư đã làm cho ta thấy cái đẹp, cái đáng kính phục trong những sự nghiệp ta cho là tàn bạo vô lương! Thế là tác giả đã đạt được cái kết quả mình mong muốn: giá trị cuốn Người sơn nhân  ở chỗ đó, và người đọc sách cũng đủ toại ý rồi.

Trong khi phân tích và phê bình Người sơn nhân, tôi đã lấy ý tứ trong cuốn sách để bài bác hai đoạn cốt yếu trong bài của cô Kiêm: một đoạn cô cho quan niệm về xã hội của tác giả là sai lầm và một đoạn cô chê Người sơn nhân chỉ là một kẻ tàn bạo không đáng được tác giả làm ra một đấng hào kiệt phi thường. Trong bài cô cũng còn một vài đoạn nữa nhưng ý kiến cũng na ná như hai đoạn trên này cả. Có chỗ cô muốn tác giả đổi lại cái đề chuyện như vầy cho là hơn: “Một người nhà quê chuyên nghiệp buôn bán phải đi ngang qua đèo Mang Gia là nơi anh ta gặp người Sơn nhân. Tên tướng cướp giựt của cải người đi buôn mà thả tên ấy toàn mạng. Người đi buôn lần mò tìm đường về, lạnh lùng tưởng đến sưu cao thuế nặng, phận khổ của mình trong xã hội, một xã hội không bảo toàn được gánh hàng của mình là sự sống cho cả gia quyến người nghèo”. Nhưng tôi tưởng, muốn như thế, cô Kiêm đã lạm dụng cái ngòi bút phê bình. Luôn tiện tôi thuật lại ý kiến một người bạn tôi sau khi đọc Người Sơn nhân. Bạn tôi cho rằng đặt triết lý vào miệng một tên tướng cướp là một điều quá lạm, hơi sai. Song theo ý tôi, cái triết lý người Sơn nhân nói ra đấy, mới làm vẹn vẻ cái vẻ phi thường của người Sơn nhân.

Cô THỤY AN

LỜI BẠT. ‒ Tôi cũng đọc bài phê bình Người sơn nhân của cô Nguyễn Thị Kiêm trong P.N.T.V. số 226. Tôi thấy chỗ kiến giải của cô về cuốn sách ấy khác với tôi ‒ chẳng những khác mà lại trái nhau nữa ‒ như bài phê bình đã đăng ở số 5 của Phụ nữ thời đàm. Tôi nhận cho cái kiến giải của cô sai với chỗ dụng ý của tác giả, đã toan viết một bài chất chính cùng cô, thì vừa gặp bài này của Thụy An nữ sĩ gởi đến.

Thụy An nữ sĩ, người Bắc, mới diễn thuyết trong Nam hồi nọ vừa về tới Hà Nội, mà tờ báo này đã có nói đến mấy lần. Muốn giới thiệu một tay nữ thanh niên viết văn được cho độc giả thì chúng tôi đăng bài của cô Thụy An lên đây, chứ kỳ thực, bài này cũng chưa nói thấu đến chỗ trung tâm của truyện Người sơn nhân và cũng chưa đủ phá đổ cái lầm của Nguyễn Thị Kiêm nữ sĩ. Bởi cớ ấy, chúng tôi phải viết lời bạt này phụ theo bài cô Thụy An.

Bài phê bình trước của tôi ở số 5, cốt chỉ luận về văn thể, cái văn thể mới, không theo cái sáo của bao nhiêu tiểu thuyết ta từ bấy lâu nay. Bởi thiên trọng về mặt văn thể, tôi mới nói: “Hết thảy từ Giấc mộng con cho đến Nửa chừng xuân đều là những tác phẩm để thúc kết cho cõi tư tưởng của văn nghệ cũ; còn Người sơn nhân là tác phẩm để mở đầu cho cõi tư tưởng của văn nghệ mới”.

Văn thể mới là bởi tư tưởng mới. Nhưng cũng vì sự bó buộc, trong bài ấy tôi chỉ nói đến văn thể mà thôi, còn tư tưởng tôi chưa nói đến.

Bổ chỗ khuyết điểm ấy, hôm nay tôi xin nói rằng Người sơn nhân chẳng qua để biểu hiện một cái lẽ thật trong cuộc tiến hóa của nhân loại. Tiến hóa thì phải tranh cạnh, tranh cạnh thì phải giết. Ấy là chỗ dụng ý của tác giả.

Chẳng qua những kẻ treo súng treo gươm đầy vách, là một kẻ cướp, kẻ giết người, như Người sơn nhân mới thích giết, mà cho đến kẻ xướng hòa bình, xướng nhân đạo, cũng còn phải đeo khẩu súng bên lưng, vẫn “chưa sạch cái máu giết người”. Chỗ đó chỉ cho ta thấy rằng không đợi đến lúc chiến tranh mới ghê cho cái hoạ giết người, mà đương hồi hòa bình vô sự, trong loài người cũng vẫn thường phục cái sát cơ!...

Bởi sao? Bởi loài người phải tiến hóa, tiến hóa phải cạnh tranh, cạnh tranh phải giết: cái đó là công lệ, không thể tránh khỏi được. Hòa bình ư? Nhân đạo ư? Dù người ta có muốn thật như thế nữa, mà đương lúc cái trình độ của cả nhân loại còn chưa đến, thì cũng chả được nào! Cho đến ông cố đạo vẫn còn có máu giết người kia mà!

Ai giết ai? Người nào giết người nào? Muốn hiểu thấu chỗ này, hãy chú ý những chỗ tác giả cho Người sơn nhân vào ngục, giết đến con thằn lằn, mà con thằn lằn lại giết những con muỗi.

Thế thì ra người sơn nhân khi ở sơn trại, giết bọn khách qua đường, rồi pháp luật lại đòi giết người sơn nhân, nhưng trong khi ấy người sơn nhân cũng còn giết được con thằn lằn; tuy người sơn nhân giết được con thằn lằn nhưng vẫn bị muỗi đốt, mà con thằn lằn lại giết được con muỗi.  Thế thì ra chỉ có kẻ đủ sức giết thì mới hay giết, nghĩa là kẻ mạnh. Có là kẻ mạnh thì mới giết được. Trong loài người, ai nấy phải gắng lên mà làm kẻ mạnh. Đó, một chỗ dụng ý nữa trong truyện Người sơn nhân, mà cái ý bên ngoài lời, ai đọc đến phải hiểu!

Chẳng biết tác giả Lưu Trọng Lư khi viết có cái tư tưởng ấy không. Mà tôi, khi đọc thì thấy nó dồi dào đầy trước mắt tôi là cái tư tưởng ấy.

Thế mà cô Kiêm cho là tác giả có cái quan niệm sai lầm về xã hội, đến nỗi cô bảo rằng người sơn nhân đó tức là một thứ nhân vật với các anh hùng như trong Thuỷ hử, Anh hùng náo, như những đại ca, nhị ca, tam ca v.v… thì thật oan uổng cho cái óc và cái ngòi bút của tác giả biết bao!

Một cái tác phẩm về văn nghệ rất có giá mà bị độc giả hiểu sai đi, thì thật là đáng tức lắm. Tôi không có ý minh oan cho Lưu Trọng Lư mà có ý chiêu tuyết cho cái tác phẩm ấy.

P. K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 15 (24. 12. 1933), tr. 5-7.