NHỮNG ĐIỀU NGHE THẤY

 

LỜI NGƯỜI SƯU TẦM -   Như đã có lần đề cập, có những đồng nghiệp trong sưu tầm nghiên cứu đã gợi ý với tôi (LNA) nên xem lại: sau thời điểm Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút Trung lập và Phan Khôi trên danh nghĩa cũng thôi viết cho nhật báo này (khoảng đầu tháng 6/1932) thì những bài ký Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy trên Trung lập liệu có còn là của ngòi bút ông hay đã thuộc về những cây bút khác? Tôi tin rằng đó vẫn là thuộc ngòi bút Phan Khôi trong vai Thông Reo như trước.

Chỉ khi Phan Khôi rời Sài Gòn ra Bắc (tháng 3/1933) mục Những điều nghe thấy ký Thông Reo mới được chuyển cho Nguyễn An Ninh.

Đây là điều hầu như ngoại lệ trong ứng xử của Phan Khôi. Ta biết, kể từ khi đặt ra mục Những điều nghe thấy trên báo Trung lập (2/5/1930), dưới bút danh Thông Reo, nếu không phải là bài của Phan Khôi, những bài của các cây bút khác góp vào mục này nhất thiết phải ký tên khác (ví dụ Đoàn Trung Còn ký Mộng Lan, Bùi Thế Mỹ ký họ tên thật hoặc Phiêu Linh, lại có ai đó viết và ký là Tạm Chức, v.v…). Bút danh Thông Reo sẽ còn được Phan Khôi dùng trong những năm 1940 ở Sài Gòn, những năm 1950 ở Hà Nội. Vì vậy, việc để cho Nguyễn An Ninh dùng bút danh Thông Reo trong chính mục Những điều nghe thấy trên báo Trung lập  hồi 1933 ở Sài Gòn, hẳn phải có sự thỏa thuận của Phan Khôi.

            Như thế, mục Những điều nghe thấy ký Thông Reo trên báo Trung lập trong năm 1933 là của cả Phan Khôi lẫn Nguyễn An Ninh. Song ranh giới cụ thể để phân biệt tác quyền của hai cây bút ở mục này năm ấy, − tức là xác định xem từng bài là do ai viểt − thì hẳn không hề đơn giản. Nguyễn An Ninh bước chân vào Trung lập có tuyên ngôn từ 2/3/1933, song điều đó không có nghĩa là ngay từ hôm đó ông lập tức thay Phan Khôi viết cho mục Những điều nghe thấy. Chưa rõ Phan Khôi rời Sài Gòn vào ngày nào, chỉ biết ông trở ra quê nhà ở Quảng Nam rồi mới tới Hà Nội, vào giữa tháng 4/1933; song trong điều kiện giao thông bưu điện thời ấy, như hầu hết những người viết báo, ông vẫn có thể từ xa gửi bài đều đặn về tòa soạn Trung lập ở Sài Gòn. Tất nhiên, trước thời điểm 2/3/1933 thì không có căn cứ gì để cho rằng bài trong mục Những điều nghe thấy là thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh (như cách làm khá tùy tiện của soạn giả Nguyễn An Tịnh); [1] nhưng sau thời điểm ấy rồi trong mục này vẫn có thể có bài do Phan Khôi viết.

Một căn cứ phân biệt khác nữa là bút pháp, là đề tài mà mỗi người theo đuổi. Lại còn các chi tiết về tiểu sử, về sở học sở thích của mỗi người, dù rằng trên những dấu hiệu này chỉ có những ranh giới rất mong manh. Phan Khôi góp lời hài đàm vào báo chí một cách ít nhiều vô tư, không thật chú tâm tập trung vào chuyện gì trước mắt; trong khi đó Nguyễn An Ninh ít khi bỏ lỡ dịp phát ngôn để tuyên truyền giác ngộ công chúng, và lúc này ông đang chăm chú hướng cử tri ủng hộ các ứng viên xã hội thuộc “sổ lao động” trong cuộc bầu cử nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn; ông cũng tự bộc lộ những dấu ấn của người tiếp nhận văn hóa Pháp một cách trực tiếp hơn, so với nhà nho tự học tiếng Pháp như Phan Khôi.

Tuy vậy, những biện luận trên vẫn chưa cho phép người sưu tầm bóc tách ra được những bài được khẳng định dứt khoát là thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh để loại bỏ khỏi mục này.

Tạm thời, tôi đưa tất cả các bài trong mục này đăng Trung lập từ sau ngày 2/3/1933, ngày Nguyễn An Ninh bước vào tòa soạn Trung lập, sang phần tồn nghi, tức là coi những bài ấy có thể là của Phan Khôi, nhưng cũng có thể không thuộc ngòi bút ông, tức là bài của Nguyễn An Ninh. 

 

L.N.A.

Chú thích

(1)  Trong sách Nguyễn An Ninh (Nguyễn An Tịnh sưu tầm), Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 1996, soạn giả Nguyễn An Tịnh đã lấy văn bản và mặc nhiên coi đó là thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh (hoàn toàn không biện luận gì về việc này) một loạt bài trong mục Những điều nghe thấy ký tên Thông Reo sau đây (thứ tự in là theo sách trên, tôi − LNA − ghi thêm trong ngoặc ngày đăng Trung lập):

Vì mụ Tú Bà (TL, 15/4/1933),

Tam tùng (TL, 30/3/33),

Do sự nặng nhẹ (TL, 20/4/33),

Giác ngộ (TL, 26/4/33),

Thành kiến (TL, 20/5/33),

Ngó xuống (8/3/33),

Dâu hiền là gái (TL, 22/2/33),

Có nước với không nước mà làm gì (TL, 7/2/33),

Khó trả lời (TL, 23/3/33),

Khóc bạn đồng nghiệp (TL, 8/2/33),

Cái tháp Babel (TL, 29/3/33),

Một nghề không thể ế (TL, 27/2/33),

Đợi chờ (TL, 4/3/33),

Bình phẩm văn thơ (TL, 11/2/33),

Năm mới mà nhắc chuyện cũ (TL, 10/2/33),

Đầu năm khai bút (TL, 1/2/33),

Vẽ hình (TL, 6/2/33),

Trời định (TL, 6/3/33),

Để cho kẻ chết…(TL, 21/3/33),

Giá cái khóc (TL, 7/3/33),

Mộ bia (TL, 9/3/33),

Không quên hướng Bắc (TL, 5/1/33),

Học lịch sử (TL, 27/3/33),

Nụ cười cay (TL, 24/2/33),

Mấy ông Penélope (TL, 17/3/33),

Thấy nói (TL, 4/1/33),

Hai hạng anh hùng (TL, 28/3/33),

Cái yô-yô (TL, 20/3/33),

Ái quốc (TL, 13/3/33),

Tần Thủy hoàng (TL, 18/3/33),

Ông Outrey và cụ Bùi (TL, 16/2/33),

Ghen (TL, 4/2/33),

Tội huyễn thuật (TL, 16/3/33),

Cái kiếp đời đời (TL, 30/3/33),

La Fontaine dạy (TL, 10/3/33),

Tình ngay mà lý gian (TL, 9/2/33),

Cũng còn ít hại (TL, 31/3/33),

Tư thân (TL, 21/1/33),

Tâm ngục (TL, 23/2/33),

Của mầy của tao (TL, 7/1/33),

Trở lại như đời xưa (TL, 21/2/33),

Liếc mắt phương xa (TL, 17/2/33),

Tứ đổ tường (TL, 18/2/33),

Chiến tranh (TL, 14/3/33),

Trung thành với nghề nghiệp (TL, 10/1/33),

Cháo sạn (TL, 11/3/33).

      Tôi (LNA) có thể khẳng định rằng: trong số này, những bài đăng trước ngày 2/3/1933 không thể là của Nguyễn An Ninh; chỉ từ ngày 2/3/1933, từng bài trong mục này mới có thể hoặc của N.A.N. hoặc của P.K.