Giặc Lý Dương Tài

Lý Dương Tài người Tàu, nguyên làm chức đoàn dõng, thủ hạ của Phùng Tử Tài, Đề đốc Quảng Tây. Vì lâu mà không được thăng chức, năm Mậu dần, Tự Đức 31, bèn kéo bộ hạ mà sang nước ta.

Dương Tài xưng mình là con cháu nhà Lý, từng làm vua nước ta. Khi y đến Bắc Ninh, có thân hành đến làng Đình Bảng, vào bái yết miếu thờ tám vị hoàng đế nhà họ Lý. Bấy giờ quân của y đến đâu cũng giữ luật lệnh nghiêm ngặt lắm, không hề rờ tới của dân một chút gì. Có tên lính nào hãm hiếp đàn bà con gái, cướp bóc của ai thì bị chém bêu đầu liền tay.

Khi sang đây rồi, Lý Dương Tài có làm tờ trình gởi về quan tổng đốc Lưỡng Quảng là ông Lưu Khôn Nhất. Tờ trình đại lược nói y vốn là dòng dõi họ Lý nước Nam. Từ khi họ Trần cướp ngôi nhà Lý, rồi sau đó tới Hồ, Lê, Tây Sơn, Nguyễn kế nhau mà chiếm đoạt. Nay y qua đây không phải dám chống lại với Trung Quốc. Có điều nước Nam vốn là tổ nghiệp của y, thì bây giờ xin xuất lực xuất tài mà khôi phục lại. Sau khi nên việc rồi, không để phiền đến một tên lính của Trung Quốc, y xin xưng thần và triều cống như thường, vân vân…

Lý Dương Tài từ Nam Quan thẳng tới Lượng Sơn, đánh phá tỉnh thành ấy; rồi lại tràn sang Thái Nguyên, đến Bắc Ninh, vây tỉnh thành Bắc Ninh non nửa tháng, thành hầu muốn hãm.

Khi ấy quan Triều vũ sứ là Ông Ích Khiêm ở Mỏ Trạng, thuộc về tỉnh Thái Nguyên, nghe tin Bắc Ninh bị vây liền kéo quân về viện, chỉ đi có một ngày một đêm thì tới nơi. Lúc về tới thành tỉnh Bắc, mới đầu canh năm, quân lính của Lý Dương Tài đương ngủ mê. Ông Ích Khiêm tay cầm gươm, cởi quần ở dỗng, (a) bắt quân mình đều ngậm tăm hết mà vào dinh giặc, đụng đâu chém đấy, giết được giặc nhiều lắm. Bấy giờ chúng quáng ngủ, không kịp lên ngựa đeo gươm, mạnh ai nấy chạy, chỉ mang theo mình những vố tẩu hút thuốc phiện là đồ chúng không thể bỏ lại được, và miệng chửi “tiểu nà ma, tiểu nà ma” mà thôi. Trong thành nghe tin ấy bèn mở cửa thành, trong ngoài hiệp nhau mà đánh và đuổi, giết giặc chết đầy đường.

Khi đuổi giặc chạy tan rồi, ông Khiêm vào thành ăn cơm mai; khi ấy mới mặc quần vào, quần còn vấy những vết máu, vậy mà ông cứ ngồi ăn uống tự nhiên, coi như bên mình không có người nào hết. Lý Dương Tài chạy đến Lượng Sơn, bị Đề đốc Phùng Tử Tài bắt được, giải về Tàu, dư đảng tan hết.  

(Kiều Uýnh Mậu, ‒  Bản triều bạn nghịch liệt truyện).

C. D.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 3 (1. 10. 1933), tr. 19.

Chú thích

[*] dỗng: ở truồng, cởi truồng (H. T. Paulus Của, sđd.)