MỘT NGHỀ KHÔNG THỂ Ế

Lúc nầy là lúc trăm ban vạn sự đều ế nhè mà mình bảo: "Có một nghề không thể ế", chắc ai nấy cũng ngạc nhiên!

− Nghề gì đâu, anh Thông Reo?

− Xít! Xít lại đây tôi nói nhỏ cho mà nghe: "Nghề buôn người".

− Úy! Không được. Nghề đem người ta đi bán mọi (l' esclavagisme) là một nghề tối kị của các nước văn minh…

− Ê, đi lạc! Người ta nói buôn người là mở ngôi "hàng viện" mà bán thịt buôn người, biết hôn?

− !?!

− Chuyện gì mà anh khựng? Vậy chớ anh không nhớ Truyện Kiều ta có câu: "Cũng nhà hàng viện xưa nay, cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người" sao?

− Chết nỗi anh nói nghề nuôi điếm à!

− Không phải gì một nghề đó. Nghề nuôi điếm đã biết cũng là một nghề buôn người, nhưng mà buôn nhỏ, ta có thể gọi những hàng đó là "Nhà bán lẻ đàn bà". Còn thiếu chi chỗ buôn to như "Hãng buôn nguyên Phụ Nữ" (a) sao anh không thấy?

Gặp cái hồi "ở không thì buồn" (tôi nói buồn chớ kỳ thiệt là hết muốn sống) mà "đi buôn thì lỗ" nầy, những người đã sẵn có máu "con buôn" ở trong mạch, họ có chịu ở không đâu. Mà không ở không thì mới làm cái gì cho khỏi lỗ bây giờ? Phải dựa theo pháp luật, làm nghề gì mà pháp luật ở bên mình, thì dầu cho thấy lỗ trước mặt cũng là không lỗ nữa.

− Hừ! Nói cái mới lạ. Pháp luật là pháp luật chung, mà đời thuở nào lại có riêng ai?

− Riêng ai? Pháp luật thời bao giờ cũng cứ đường sẵn mà đi như đường rầy xe lửa chớ. Mình ranh con giỏi tráo trở thì dựa hơi theo pháp luật được mần ăn.

Anh thấy pháp luật đi cùng làng cùng xóm mà truy tầm lục lạo mấy hũ hòm, rồi anh ngờ là pháp luật binh hết thẩy những công-xi rượu có hoa chi hay sao? Đâu phải theo pháp luật tự nhiên là phải bắt rượu lậu, còn công-xi rượu nhờ là nhờ hơi nhờ hám (ảnh hưởng) thê mà.

Cũng như lúc nào ta đi hút ở mấy tiệm công yên, thoảng như họ có trộn á phiện lậu vào thuốc công mà vít bán cho mình, miễn là mình liếc mắt thấy chữ R.O. là yên bụng kéo ro ro, chẳng hề sợ rủi ro gì nữa hết. Mấy tay buôn người cũng thế: họ thấy dạo nầy những xe cam-nhông "bắt con gái" đi lượm chở xe nào xe nấy về đầy vập, họ mới là nôn bày ra những gian hàng "nữ công", "nữ hạnh", cho "lãm" (triển lãm) thử ban đêm mà.

Tội nghiệp cho mấy cô con gái nhà ta, không biết họ kiếm tiền hay là họ kiếm chồng, mà tối tối nào cũng thấy họ đi dạo lang bang cùng thành phố. Phải chi "bắt con gái" bắt được họ quả tang nơi phòng ngủ thì ai nói làm chi. Cái nầy gặp họ ngồi ghế băng hay hoặc đi ngoài đường mà nói chuyện với cậu nào, cũng là bắt nhốt bốt, đem đi cho được.

Bị vậy mà gia tài có một món đồ mẹ đẻ muốn đem ra trao đổi, mà cũng khó đổi trao. Vậy thì mình không biết kiếm mấy gian hàng có nêu lớn chữ NỮ mà chuyện vãn hẹn hò, thì pháp luật đã không bắt, lại giữ giùm cho êm thấm nữa.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6948 (26 và 27. 2. 1933)

Chú thích

(a) Chỗ này tác giả muốn nhắc lại sự kiện bê bối sau Hội chợ Phụ nữ 1932, vợ chồng chủ nhân “Phụ nữ tân văn” bị báo giới Sài Gòn lên án là lợi dụng hội chợ để vụ lợi riêng. Đây có thể là dấu hiệu bài này do Nguyễn An Ninh viết chăng (?).