NÊN SẮM ĐỒ SẮC PHỤC ĐI

Ở Nam Kỳ ta ngoài ra cuộc tuyển cử thân sĩ không kể, bởi vì đó là cái đặc quyền của người Pháp và một ít người An Nam vô dân Tây, thì có hai cuộc tuyển cử lớn nhứt là cử hội đồng quản hạt và cử hội đồng thành phố Sài Gòn.

Dân xứ ta tuy chưa được hưởng quyền phổ thông đầu phiếu mặc dầu chớ mỗi khi có cuộc tuyển cử hội đồng quản hạt hoặc hội đồng thành phố Sài Gòn, mấy tay có tiền cũng đua nhau mà đăng tên ứng cử, chạy đôn chạy đáo, lộn xộn lăng xăng, còn các báo thì báo nào cũng ra sức trổ tài để tán dương binh vực cho những "căng-đi-đa" (a) của báo nấy, gây thành một cảnh tượng náo nhiệt tưng bừng coi cũng vui vui con mắt.

Ấy vậy mà đến năm nay đây, thình lình nghe nhắc đến cuộc tuyển cử hội đồng thành phố Sài Gòn thì tôi lại lo rằng chẳng những nó sẽ không có được cái vẻ náo nhiệt như bao nhiêu lần trước mà không khéo lại chẳng con muỗi nào thèm ra tranh cử nữa kia!

− Dể chưa! anh nầy cứ lo tinh những chuyện mèo đẻ ra trứng hoài! Cái gì kìa chớ làm hội đồng là món sở thích của người mình mà anh lại lo cho nó ế chớ?

− Tôi vẫn biết vậy, nhưng ta nên nhớ rằng hội đồng thành phố buổi bây giờ đâu có giống hội đồng thành phố hồi trước nữa! Trước kia, cái số nghị viên của ta ở hội đồng thành phố tuy ít, thua số nghị viên Tây, nhưng kể về quyền hạn thì cũng không đến nỗi chật hẹp lắm và nếu gặp những người có nhiệt tâm, có tư cách, thì cũng thường hay giúp đỡ cho bà con trong thành phố được ít nhiều việc lợi ích. Bởi vậy nên mấy ông nghị viên thành phố mới được đồng bào tưng trọng và cái chức nghị viên thành phố mới được lắm kẻ tranh giành. Còn nhớ về đời ông đốc lý Béziat, hội đồng có đặt thêm cho nghị viên An Nam ta một chức "phó xã" và phải chi đừng có chuyện trắc trở thì không chừng số nghị viên của ta ở hội đồng thành phố cũng đã được tăng lên bằng số nghị viên Tây như ở hội đồng quản hạt vậy.

Bướng là tại mấy ông nghị viên ta hồi khóa mới rồi! Thời hai phe Béziat-Ardin với De Lachevrotière họ có nghịch nhau thây kệ họ, mắc mớ gì đến nghị viên An Nam mà cũng đua nhau người thì ngả theo phe nầy, kẻ thì hùa theo phe nọ?... Trong một nhà mà chồng vợ bất hòa thì gia đạo còn phải hư thay, huống chi một cái hội đồng mà trong đó phe này cứ gây gổ, khấu ó với phe kia mãi, thì chánh phủ còn để làm quái gì mà chẳng giải tán!

Sau khi đã giải tán hội đồng và đặt ban uỷ viên thành phố được ít lúc, thì kế có mạng lịnh của đức giám quốc sáp nhập hai châu thành Chợ Lớn - Sài Gòn lại làm một địa phương: từ đây cái ngôi đốc lý Sài Gòn đành văng mất, còn các ông nghị viên thành phố thì quyền hạn teo rút lại chớ chẳng được rộng rãi như xưa! Cái giá trị của chức nghị viên thành phố bây giờ may ra chỉ còn bằng nửa khi trước, mà đồng tiền phân bạc lúc nầy thì ai cũng dư biết nó to lớn gấp ba gấy bảy mọi năm, vì thế mà Thông Reo lo cho cuộc tuyển cử thành phố lần nầy không khéo sẽ bị buồn thiu tẻ ngắt, chẳng ai tranh giành cả.

Nhưng may sao mới đây lại có người nghĩ ra được cái ý hay, là xin nhà nước sắm đồ sắc phục, tức là đồ "uniforme" cho mấy ông nghị viên thành phố. Nếu như chánh phủ thiệt hành việc cải cách nầy thì tuy gặp hồi kinh tế khó khăn cũng không lo gì chẳng có lắm người ra tranh cử. Trước đây thấy trong một tờ báo bên Pháp có thuật chuyện rằng ở nước Đức có một số rất đông người chỉ vì ham mặc đồ "uniforme" mà xin gia nhập đảng Hitler. Ở nước văn minh mà còn vậy, thì tôi dám chắc rằng ở Sài Gòn nầy rồi cũng sẽ thấy nhiều người chỉ vì ham bộ đồ "uniforme" mà dám đi vay bạc Chà bạc băng để tranh cử nghị viên thành phố cho mà coi!...

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6936 (12 và 13. 2. 1933)

Chú thích

(a) căng-đi-đa: âm của từ candidat (chữ Pháp),  ở trường hợp đang nói tới có nghĩa là ứng cử viên.