PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

NGÓ XUỐNG

"Nhẫn nhẫn nhứt thời chi khí...!" là câu của các cụ già xưa nay thường để khuyên răn các người thanh niên nóng nảy. Nhịn một phút khí huyết, lánh được một trăm ngày lo buồn.

"Một câu nhịn, chín câu lành", cũng là đồng tánh chất với câu trên đó.

Đã biết cũng có sách dạy: "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã", − "Giữa đường dễ thấy bất bằng mà tha". Nhưng cái phần dạy nhẫn nhịn là nhiều hơn bội phần.

Tôi có một người bạn, trên vách nhà chỉ viết: "Nhẫn, nhẫn, nhẫn, nhẫn…". Không biết bao nhiêu chữ "nhẫn".

Thánh Gandhi là có tiếng hiền nhứt trong nhơn loại, dám hy sanh tánh mạng để thật hành cái thuyết bất bạo động của mình, mà còn bảo: "Ở vào cảnh nào mà chỉ còn có hai cửa để cho mình chọn lựa, là sự bạo động hay là sự khiếp nhược, thì tôi thà xúi bạo động". Ấy đó, thánh Gandhi nhẫn nhịn mà cũng không phải là nhẫn nhịn vô cùng.

Còn sự nhẫn nhịn của dân ta theo như mấy cụ già dạy, thì là không ngần không mực.

Cũng vì cái tánh nhẫn nhịn ấy mà người mình dạy về sự hạnh phước của con người, thường khuyên: "Muốn sống cho được vui vẻ sung sướng, thì mình phải ngó xuống các hạng người nghèo khổ, hèn thấp hơn mình; chớ không nên ngó lên những bực cao sang phú túc hơn mình".

Phải ngó xuống; không nên ngó lên. Mà theo sự kinh nghiệm thường ngày của mình như ở trên lầu cao ngó xuống thì bị ngộp, chớ ngó lên thì không bị ngộp bao giờ. Nhờ mỗi anh lao động, dầu sống vất vả thế nào, cũng có hy vọng sẽ làm giàu như ai, cho nên xã hội nầy mới được vững bền. Chớ còn như ông hội đồng đại điền chủ kia bị kinh tế khủng hoảng phá tan sự nghiệp, bị ngó xuống cái đời của anh nông phu mà tuyệt vô hy vọng, mà kinh sợ, mà ngột, mà tự tử.

Vì vậy mà Âu châu dạy con người phải ngó lên mãi mãi. Hiện thời sự sắp đặt xã hội chưa được hoàn toàn, khoa học chưa được tiến hóa tột bực, sức lực sanh sản của xã hội chưa đủ cho cả mọi sự cần dùng của nhơn loại, cho nên dân sự bên Âu châu lập công đoàn, hiệp sức để giúp nhau cầu đoạt được những điều nhu yếu cho sự sống mà thôi. Song người Âu châu trong lòng vẫn hy vọng vô cùng nơi sự tiến hóa của nhơn loại, hy vọng nơi sự hợp lý hóa xã hội, hy vọng nơi khoa học phát triển, hy vọng nhơn loại càng ngày càng thêm được ăn no mặc ấm, mai sau sẽ đủ sức nâng cao cái phẩm giá của cả mọi người.

Âu châu dạy người: sống phải ngó lên.

Còn ở xứ ta, nhứt là trong mấy năm khó khăn thiếu thốn nầy, ông già bà cả, cậu cô chú bác, thảy thảy thấy mình rối lo về vấn đề sinh hoạt, đều khuyên: "Nên ngó xuống. Nên ngó xuống".

Nghĩa là như bực đại phú gia thì ngó xuống thằng mình tiểu tư sản đây. Rồi mình đây phải ngó xuống anh thợ thuyền, anh cày bừa. Hai anh nầy ngó xuống anh xe kéo. Anh xe kéo ngó xuống con khỉ đột trong vườn bách thú. Con khỉ đột ngó xuống con chó. Con chó ngó xuống con mèo. Con mèo ngó xuống con ốc bươu bò rì rì.

− Ừ, rồi con ốc bươu ngó xuống ai?

− Con ốc bươu ngó xuống cục đá sạn, vô tri vô giác, nước sông lăn tròn, đưa đến đâu cũng được.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6956 (8. 3. 1933)