TIỂU PHÊ BÌNH VỀ SÁCH VỞ

Người sơn nhân của Ngân Sơn tùng thư, 

tác giả Lưu Trọng Lư

Chữ "văn học" có thể chia làm hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, có nhà giải rằng: "Chữ viết ra trên giấy hoặc trên vải, lụa, mà viết cho có phép tắc, gọi là văn; cách làm cho thông thạo phép tắc ấy, gọi là văn học". Theo nghĩa ấy thì bao nhiêu sách vở xưa nay, miễn viết ra có phép tắc, đều thuộc về văn học cả; cho đến những cái đồ, cái biểu, cũng thuộc về văn học được. Còn nghĩa hẹp, thì văn học lại là chuyên chỉ về thứ văn đẹp, hay, chứa nhiều tình cảm, gợi được cái mỹ cảm của người đời. Theo nghĩa này thì duy có thi, ca, tiểu thuyết, kịch bản cùng những thể nào giống như vậy mới cho thuộc về văn học.

Cái định nghĩa của hai đằng như đã dẫn ra trên đây, một đằng thì mở cái phạm vi văn học ra rộng quá, một đằng thì khép lại chật quá, hình như đều không thích dụng cả. Cho nên có người mới bày ra một cách xưng hô khác cho tiện hơn. Họ dùng chữ văn học mà chỉ hết thảy các thứ văn; lại còn đặt thêm cho thứ văn đẹp, văn tình cảm, tức là thi, ca, tiểu thuyết, kịch bản v.v. một cái tên riêng là "mỹ văn", và cái cách để làm được thứ văn ấy gọi là "văn nghệ".

Thêm một cái danh từ này tiện lắm. Vì khi nào nói đến một vật trứ thuật nào mà gọi là "mỹ văn" hay "văn nghệ", thì ta có thể thấy mà biết ngay cái tính chất của nó là chuyên về sự đẹp, trọng về tình cảm, gợi được cái mỹ cảm của người đời.

Như thế, bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim, cho ở trong phạm vi văn học thì được, mà phải đẩy ra bên ngoài phạm vi văn nghệ; còn Đoạn trường tân thanh tức là Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm nôm của Đoàn Thị Điểm, chính nó là văn nghệ, mà muốn cho thuộc vào văn học cũng được.

***

Ở đây cốt phê bình cuốn sách Người sơn nhân mà tôi lại nhắc sơ qua cái định nghĩa của văn học và của văn nghệ như trên đó để làm gì? Là để mà nêu rõ cái tính chất của cuốn sách ấy ra, hầu độc giả đối với nó có được một cái quan niệm chân xác.

Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư là một vật trứ tác thuộc về văn nghệ, bởi nó chuyên về sự đẹp, trọng về tình cảm, gợi được cái mỹ cảm của người đời.

Vậy khi ta đọc Người sơn nhân, không nên lấy cặp con mắt và cái óc đọc những sách như là sách Nho giáo mà đọc nó. Nó là do cái tâm linh và cái thiên tài của tác giả Lưu Trọng Lư viết ra, từ trong lòng trong óc viết ra, chứ không phải đã ăn hết bao nhiêu dâu như con tằm Trần Trọng Kim rồi mới nhả ra tơ. (Tôi nói câu này chẳng những tuyệt không có ý chê mà lại có ý khen đấy; vì còn có thứ tằm khác ăn dâu rồi lại nhả ra dâu nữa!)

Nói như thế là bảo phải đọc bằng một cách khác. Cái khác ở chỗ này: Khi đọc sách như sách Nho giáo, cần phải dùng trí mình mà kiểm sát, kiểm sát rồi phán đoán, coi thử tác giả nói như thế có đúng không. Còn khi đọc Người sơn nhân, chỉ có lấy tâm thần mình mà lãnh hội; lãnh hội được cái đẹp, cái hay, cả đến cái cao, cái sâu của tác giả, khi ấy mình sẽ cùng tác giả làm một. Cho nên cái tài cái công của người đọc cũng chẳng kém cái tài cái công của người viết là mấy.

***

Đã nhận rõ Người sơn nhân là sách thuộc về văn nghệ rồi, ta nên đem ít nhiều sách cùng với nó so sánh thử coi. Có làm thế thì mới thấy rõ cái giá trị thật của nó.

Trước kia không kể; kể chừng vài mươi năm trở lại đây, là cái thời kỳ quốc ngữ đã thịnh hành, tư trào mới đã thâu nhập, những sách thuộc về văn nghệ của xứ ta ra đời cũng đã nhiều. Lại những cuốn nào tầm thường cũng không kể; kể mấy cuốn đã được xã hội hoan nghinh, như Khối tình con của Nguyễn Khắc Hiếu, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Mảnh trăng thu, Kim Anh lệ sử, cho đến Nửa chừng xuân, tiểu thuyết lẫy tiếng lắm trên báo Phong hóa của Khái Hưng: cả bọn ấy nếu đem đọ với Người sơn nhân, hẳn thấy khác nhau xa lắm.

Tôi nói "khác", chứ không nói hơn kém. Mà thật thế, ta khoan nói cái hơn kém là cái thuộc về phẩm của văn, hẵng nói cái "khác" là cái thuộc về tánh của văn, cũng đã đủ thấy cái giá trị thật của Người sơn nhân rồi vậy.

Những sách vừa kể trên đó, nội dung của nó thế nào? Hoặc tô điểm cho ái tình là thánh thần; hoặc khống cáo cả tội trạng của xã hội; hoặc đau nỗi nhân duyên trắc trở; hoặc khóc người bạc mạng long đong; có vẻ lãng mạn nhất là Khối tình con, thì cũng lại chỉ cay vì thân thế nổi chìm, xót vì tri âm cách biệt; cái nội dung ấy nếu bảo là sự thực thì quả là sự thực, nhưng cái sự thực có hơi thường.

Muốn cho khỏi thường, tôi không bảo họ phải viết như Phong thần hay Tây du. Trước kia tôi cũng như người ta, khi đọc những tiểu thuyết ấy, tôi cũng thấy đẹp, thấy hay, thấy cảm; có điều từ hôm đọc Người sơn nhân rồi, tôi thấy ra trong vòng sự thực chẳng phải là chẳng có cái khác thường, tôi muốn hỏi các tác giả kia: sao không hề tả ra mà sún vào óc tôi cái khác thường ấy.

Như thế đủ biết Người sơn nhân giúp phần tình cảm cho tôi nhiều lắm. Chẳng những nó ban cho tôi cái hay, cái đẹp, gợi cái mỹ cảm của tôi; mà nó lại còn cho tôi biết trong sự thực, trong đời hiện tại này, có cái thường mà cũng có cái khác thường, làm cho cả bộ thần kinh của tôi đều rung động.

***

Người sơn nhân gồm có ba cái tiểu thuyết đoản thiên và mười lăm bài thơ mới. Ba cái đoản thiên: 1. Người sơn nhân; 2. Con chim sổ lồng; 3. Ly Tao tuyệt vọng.

Người sơn nhân, chuyện một người ban đầu theo đảng giặc, thất bại, vào ở núi làm kẻ cướp. Đã có một lần bị bắt rồi lại trốn về ở núi như xưa. Truyện kết cấu bởi một người cố đạo đi tìm mỏ, vào núi đó, gặp người ấy, hai bên đàm đạo cùng nhau mà thành. Có thể gom đại ý của tác giả ở một đoạn kết.

 

"… Nói đến đây, người cố đạo sẽ nhìn tròng trọc lấy cái khẩu súng hai lòng của mình. Hai hàng lệ bỗng dưng tuôn ra như xối. Người cố đạo khóc, vì đến bây giờ mới nhận thấy rằng mình là kẻ đầy những tư tưởng nhân đạo hòa bình, mà trong mình nào đã sạch hết máu giết người! Cái khẩu súng hai lòng kia tuy chưa hề dùng nó để mà giết ai, nhưng mà ví bằng Thượng đế thấy nó trong tay một kẻ truyền đạo thì tưởng cũng phải đau buồn cho cái thế giới mình đã tạo ra!..."

 

Đó tuy là ý chính, song le mấy đoạn trên nhiều chỗ tả cách cử chỉ, lời nói năng của Sơn nhân cũng rất là quan trọng. Đọc đến, ta như thấy trước mặt ta đứng một người vạm vỡ, dữ tợn, tàn nhẫn, mà lại thật thà, thẳng thắn, biết trọng danh dự lại rất mực khinh đời.

Cái khác thường của Người sơn nhân ở đấy. Không tả sự hợp tan, không tả sự chìm nổi, không hờn duyên trách phận, không khóc hão thương huyền, chỉ vẽ ra đường đường một đấng trượng phu cho chúng ta xem.

Đấng trượng phu đường đường ấy không phải là lạ gì trong sự thực, không phải là các tác giả khác không tưởng tượng ra. Chỉ vì lâu nay bị hoàn cảnh làm cho khuất lấp đi, tư tưởng giới không mở tung ra được, thành thử đấng trượng phu ấy cũng phải giấu cái khác thường của mình để cho những cái thường ra mặt. Tôi phải phục ông Lưu Trọng Lư là người thứ nhất đã dạn tay mà lại nhanh mắt, bắt đầu chỉ cho ta xem thấy một đấng trượng phu, một cái đời người không phải là lạ mà là khác với cái đời thường chúng ta!

Con chim sổ lồng cũng có hơi thường một chút; chứ đến Ly Tao tuyệt vọng thì lại đã thấy cái khác thường nữa rồi. Cũng thì lãng mạn, cũng thì huyễn tưởng mà cái lãng mạn, cái huyễn tưởng này nó có thể đưa tâm hồn người ta lên chốn hư không man mác. Tôi, khi đọc cả bài ấy, thấy như là các cơ thể trong mình đều chuyển động, tiếc không có tiếng gì tả ra cho được, nói vụng vụng thì tôi nói: "như là muốn bay lên"!

***

Đọc cuốn sách này rồi, thấy cái dấu tiến bộ trong cõi văn nghệ ta vài mươi năm nay rõ ràng lắm. Muốn đo cái trình độ tâm linh, tình cảm, cả đến thiên tài nữa từ của bọn tác giả Nguyễn Khắc Hiếu, Hoàng Ngọc Phách cho đến Lưu Trọng Lư xa cách nhau bao nhiêu, thì hãy đọc từ Giấc mộng con, Tố Tâm cho đến Người sơn nhân mà đo xem cái văn phẩm và cái văn tánh xa cách nhau bao nhiêu. Hay là tôi cũng có thể nói rằng: Hết thảy từ Giấc mộng con cho đến Nửa chừng xuân đều là những tác phẩm để thúc kết cho cõi tư tưởng của văn nghệ cũ; còn Người sơn nhân là tác phẩm để mở đầu cho cõi tư tưởng của văn nghệ mới. Thật thế, tôi không còn hồ nghi gì nữa, tôi cả quyết mà nói: Văn nghệ xứ ta có tiến bộ mà tiến bộ rồi; cuốn sách Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư là khai một cái kỷ nguyên mới cho văn nghệ xứ ta.

Đầu cuốn sách có "Mấy lời nói đầu" của Hoài Thanh, tức là lời giới thiệu, văn viết rất sạch sẽ và sâu sắc. Đọc lời giới thiệu ấy có thể tưởng cho Hoài Thanh và Lưu Trọng Lưu là một người. Bằng là hai người thì cái tâm linh, cái tình cảm cả đến cái thiên tài của họ cũng tương đương với nhau.

Ngân Sơn tùng thư ở Huế, xuất bản tại nhà in Đắc Lập năm nay, định mỗi năm ra 6 quyển, mỗi quyển bán 3 hào, Người sơn nhân là quyển thứ nhất. Phía trong bìa có in mấy lời "Cùng các bạn độc giả" cũng xứng đáng lắm, không kém gì lời giới thiệu và các bài ở trong.

Tôi nói đến những điều ấy cho biết cuốn sách này là một cuốn sách hoàn toàn; chỉ có những cái phụ thuộc về cái nhan sách trên mặt bìa, sắp đặt hơi rộn ràng một chút, không có vẻ mỹ thuật, không xứng với một vật sáng tác chưa hề có của một nhà văn nghệ mới.

Trong bài phê bình này không nói đến những bài thơ mới trong sách, vì lối thơ mới còn ở trong thời kỳ luyện tập và thí nghiệm, chưa có quy củ, chưa nhất định, chưa có thể cứ vào đâu mà bình phẩm.

Tôi còn phải nói thêm để độc giả rõ rằng đây tôi chỉ phê bình cuốn sách, còn tác giả của nó, Lưu Trọng Lư, thì tôi rất không tiện mà nói đến lấy một lời dù tôi muốn nói; vì tôi chưa hề được biết người ấy là ai.

CHƯƠNG DÂN

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 5 (15. 10. 1933), tr. 6-8.