Người Trung Kỳ thật không thẹn với chữ "Trung"

Địa thế nước ta ở giữa suôn đuồn đuột, hai đầu nở phình ra, nhân đó mới chia làm Trung, Nam, Bắc ba kỳ. Nằm giữa hai kỳ kia, Trung Kỳ chạy dài theo bờ biển và sườn núi, rồi phía ngoài hết Thanh Hóa, phía trong hết Bình Thuận, cõi đất mới vùng mở rộng ra, mười ba tỉnh đạo lọt vào giữa: cho nên sự chia bờ cõi như thế là thuận theo địa thế tự nhiên, không thể chia khác được.

Nói đến lịch sử của cái danh từ "Trung Kỳ", thì nó cũng lại thành lập một cách tự nhiên. Nghĩa là chẳng hề có ai đặt ra hai chữ ấy hết, vậy mà bình không nó xuất hiện.

Hồi Minh Mạng, chia ra: Huế là kinh đô; Quảng Nam, Quảng Nghĩa là hữu trực, Quảng Trị, Quảng Bình tả trực; Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận là hữu kỳ (   ), Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là tả kỳ; Biên Hòa giở vô sáu tỉnh là Nam Kỳ   ), Ninh Bình giở ra mười ba tỉnh là Bắc Kỳ. Đó là các tên của nhà vua đặt ra, trong đó, chữ  "Trung Kỳ" chưa hề có.

Sau khi có nước Pháp bảo hộ, nhân những sự quan hệ về chánh trị và về địa lý, người Pháp chia toàn quốc ra làm ba. Về bên tiếng Pháp, có ba cái tên họ dùng sẵn từ trước. Còn về bên tiếng ta, tên Nam Kỳ và Bắc Kỳ có rồi; duy chặng giữa, nghĩa là gồm kinh đô và tả hữu trực kỳ thuở Minh Mạng thì chưa có tên gì, bấy giờ nhà vua cũng chưa hề vì mười ba tỉnh đạo ấy mà đặt ra lấy một cái tên.

Thế mà hai chữ "trung kỳ" lù lù, ở đâu mọc lên không biết!

Đâu cũng là vào khoảng 1908 về sau mới có cái tên ấy. Điều đó chúng tôi không nhớ chắc; duy nhớ chắc rằng hai chữ "Trung Kỳ" quả không phải cái tên chánh thức, nghĩa là không bởi Chánh phủ đặt nó ra, chỉ bởi xã hội ta túng không có tên kêu, kêu như thế, rồi lưu hành ra mà thành.

Nhắc đến điều này để cho biết cái tên Trung Kỳ sở dĩ thành lập cũng là theo địa thế tự nhiên.

Cái sức tự nhiên nó mạnh là dường nào. Chẳng những nó chi phối đến chánh trị, phong tục… trong một nước, mà nó cũng chi phối đến tánh cách con người nữa.

Nhiều người đã nghiệm ra tánh cách người Bắc Kỳ và tánh cách người Nam Kỳ mỗi đằng chạy đến một  đầu cùng, còn người Trung Kỳ thì điều hòa hai cái tánh cách ấy: ở vào giữa.

Lúc trường Cao đẳng Hà Nội mới lập ra ‒ bấy giờ đương còn gọi Đại học ‒ học sinh Nam Kỳ với học sinh Bắc Kỳ từng có sự phân tranh nhau, mà bao giờ học sinh Trung Kỳ cũng đứng cửa giữa, có khi lại điều đình phân xử cho đôi bên.

Trong cuộc Âu chiến, người mình sang ở bên Pháp, hễ chỗ nào có người ba kỳ ở chung, cũng thường bày ra cái hiện tượng ấy. Người Trung không hay đánh nhau với ai. Hoặc có người Nam với người Bắc đánh nhau rồi thì người Trung chạy vào can.

Cho nên chúng tôi muốn nói: Người Trung Kỳ thật đã không thẹn với chữ "Trung".

Mới rồi lại được thêm một cái chứng nữa.

Sở Cảnh sát ở miền nam Đông Dương gồm có bốn xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Lào, mỗi năm có làm một bản thống kế về các việc án mạng và trộm cướp đã xảy ra trong bốn xứ ấy để tư về bộ Binh bên Pháp. Thì năm vừa rồi, từ 1-10-1932 đến 30-9-1933, bản thống kế trình ra cái kết quả như dưới này:

Cả miền nam Đông Dương: 329 vụ án mạng và 2985 vụ trộm cướp.

Trừ hai xứ kia, còn Nam Kỳ: 126 vụ án mạng và 1787 vụ trộm cướp.

Trung Kỳ : 5 vụ án mạng và 134 vụ trộm cướp.

Tiếc trong bản thống kế ấy không có Bắc Kỳ, nên không có chỗ để so sánh Trung với Bắc ra sao. Song so với Nam Kỳ, về án mạng, Trung Kỳ ít hơn đến già 96 %, về trộm cướp ít hơn đến già 92 %, thì thật là một số huyền cách nhau xa lắm. Bắc Kỳ, về hai món ấy dù không nhiều bằng hoặc nhiều hơn Nam Kỳ, chứ nhiều hơn Trung Kỳ thì cũng có thể chắc được.

Như vậy đã rõ ra người Trung Kỳ là mềm mỏng, đằm thắm, dễ ở mà dễ chơi chưa? đã rõ ra người Trung Kỳ là đúng bậc "trung" chưa?

Tuy vậy, còn chỗ này đáng để ý nữa: Người thiện không hay giết người mà người ngu cũng không hay giết người. Một năm chỉ có năm cái án mạng, thế có phải là Trung Kỳ nhiều người thiện chăng? Chúng tôi chỉ mong sự ít án mạng ở Trung Kỳ ấy là do có nhiều người thiện mà ra!