NGƯỜI VIỆT NAM VỚI SỰ CHUYÊN MÔN

Ở các nước, nhân tài nào cũng là nhân tài chuyên môn. Người nào đã làm cái việc mà mình chăm chỉ học bấy lâu, thì việc ấy ắt là thành hiệu; trái lại việc nào mà bấy lâu mình chưa học, thì dầu cho người nào cũng chẳng chịu làm, sợ thất bại là phần chắc.

Còn nước ta lại khác hẳn. Cái anh làm việc thuộc về nghề của mình thì làm chẳng nên thân; còn anh kia đối với các nghề mình chưa học, lại nhắm mắt làm liều.

Mới rồi đọc báo trong Nam, thấy người ta nhắc chuyện ông đốc-tờ Nhã tự tử bằng thuốc phiên mà phì cười. Muốn tự tử cho được vạn toàn thì khi uống thuốc phiện phải uống với dấm thanh. Sự ấy hầu hết đàn bà đều biết. Thế nhưng ông đốc-tờ Nhã khi muốn tự tử, uống thuốc phiện lại không uống với dấm, bởi vậy ông chỉ phải say gật gù trong lưng nửa ngày rồi tỉnh dậy ngay. Làm một ông đốc-tờ mà thuốc mình không chết được, thì còn mong cứu ai được nữa chớ?

Cùng một lúc lại nhặt được một tập giấy in nhỏ, nhan đề là "La correspondance de Lê-công-Đắc", lật sau bìa thấy in hàng mấy chục tên người học trò mà ông Đắc đã dạy họ đỗ đến Tú tài. Cái này cũng là một thứ quảng cáo, song, nghĩ cũng khó cho người ta tin lắm vậy.

Dạy cho kẻ khác đỗ Tú tài, ít nữa cũng phải là kẻ đỗ Tú tài rồi. Nghe nói ông Lê Công Đắc từ trước đến nay thi Tú tài mấy chục lần rồi mà không đỗ, như thế mà dạy người khác đỗ được nghĩ cũng lạ! Sự thi đỗ Tú tài vốn không phải là nghề chuyên môn của Lê Công Đắc, sao Lê Công Đắc làm nghề ấy mà thành hiệu, duy chỉ có ông thánh mới hiểu!

Lâu nay chỉ thấy có Dương Tự Nguyên là làm đúng với phép làm việc, nghĩa là biết kính trọng hai chữ chuyên môn. Ông ấy tòng sự ở một nhà băng Ăng-Lê ở Hải Phòng, thạo công việc lắm, nên ông đã xuất bản một cuốn sách gọi là "Công việc nhà băng", như thế, cuốn sách của ông ta hẳn có giá trị. (a)

Thế nhưng khó mà mong cho hết cả người làm băng đều được như ông Dương Tự Nguyên. Ông Trần Quốc Trịnh cũng làm nhà băng ở Hải Phòng mới rồi ông lại xuất bản một cuốn sách kêu bằng "Phép làm thi ca".

Làm sao không dạy cho người ta biết một đồng bạc ăn mấy đồng phật-lăng, ông lại dạy cho người ta những bình bình trắc trắc? Thi là gì? Ca là gì? Những việc trong nhà băng Đông Pháp mà ông mó tay đến trong mười mấy năm nay có thứ ấy đâu, mà bây giờ ông hòng đem ra dạy người ta? Không đọc đến sách của ông ấy, cũng đủ biết cái "phép" của ông ấy là thế nào rồi.

Bao giờ chúng ta biết hết lòng với cái nghề của mình, và biết chạy mặt cái nghề bên ngoài nghề chúng ta, bấy giờ chúng ta mới biết ở đời.

BƯỚNG NHÂN

Nguồn :

 Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 64 (6 và 7. 6. 1933), tr. 1.

Chú thích

(a) Dương Tự Nguyên, con trai thứ 3 của Dương Trọng Phổ (1862-1927), em của Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, anh của Dương Cự Tẩm, Dương Tụ Quán; chính Dương Tự Nguyên cũng đã xuất bản một tiểu thuyết là Cảnh thu di hận (Hồng Lương xb., Hà Nội, 1926)