Nguyễn Hoàng Đức với Lê Chất

Ông Nguyễn Hoàng Đức rất có uy danh, bởi đó bấy giờ người ta kêu là “hổ tướng”. Bình thành Bá tước là ông Trương Minh Giảng có kể chuyện:

Khi đức Cao hoàng (Gia Long) còn phải gian nan ở Gia Định, ông Hoàng Đức chịu khó đi theo ngài; ra thì coi việc hàng trận; vào thì thị vệ một bên vua, hôm sớm chẳng hề biếng trễ. Vua Thánh tổ (Minh Mạng) cũng từng khoe rằng Hoàng Đức là người biết lễ hơn hết trong đám võ thần.

Khi ông Nguyễn Hoàng Đức làm Tổng trấn Bắc Thành, thì ông Lê Chất làm Hiệp trấn. Có một lần, đương ban đêm, lúc canh năm, ông Chất đi sang dinh quan Tổng trấn. Vào trước công đường, thấy lính canh kẻ thì ngủ, kẻ thì thức, canh gác như thường; còn trong nhà trong thì lặng tanh chẳng có một tiếng động. Ông Chất tưởng ông Hoàng Đức ngủ chưa dậy, bèn cố ý lên tiếng, sai bảo lính tráng để đánh thức ông. Đã lâu mà cũng vẫn lặng tanh. Bấy giờ Chất có ý sợ, mới bảo người dòm vào khe cửa, thì thấy nhà trong đèn sáng trưng, lính đứng hầu hai bên đều cầm dao để trần lưỡi. Ông Chất cả kinh, liền bước xuống thềm, ngồi trên chiếu trải nơi đất.

Mờ sáng, ông Nguyễn Hoàng Đức, quan Tổng trấn, mở cửa đi ra, ngồi nơi bàn mình. Ông Lê Chất sụp xuống lạy. Ông Hoàng Đức vẫn ngồi im. Ông Chất nói mình thế này là thô lỗ đường đột, xin tha tội cho. Ông Hoàng Đức bèn nói rằng: “Ở đây là nơi tướng phủ, có tiết chế nghiêm minh, đêm hôm ông đến đây làm gì? Ông với tôi cũng đều là tước Quận công như nhau, hay là ông tưởng tôi không chém được ông?” Ông Chất lạy xin mãi, các quan văn võ cũng xin giùm cho, mới êm chuyện.

Sau đó ông Chất khi nào thấy ông Hoàng Đức cũng tỏ dáng khiếp sợ; nhưng ông Hoàng Đức lại đối đãi một cách rất thân thiết, việc gì cũng giao cho xử đoán, không hề có ý trâu trắng trâu đen.

Đến khi ông Hoàng Đức về Kinh, ông Chất ở lại thay chức Tổng trấn, đi chân mà đưa ông Hoàng Đức ra đến ngoài cửa thành. Hoàng Đức xin trở lui, nhưng Chất còn cứ vin lấy cái kiệu mà khóc lóc mãi. Khi biệt nhau rồi, ông Hoàng Đức bảo bộ hạ mình rằng: “Bay có biết tại sao mà ông ấy khóc không? Hôm nay ông ấy khóc để tao đi rồi ông có cười!” Thế nghĩa là ông Chất bình nhật sợ Hoàng Đức lắm, hễ ông Hoàng Đức còn ở ngày nào thì ông Chất không dám cười ngày ấy.

(Trương Quốc Dụng, ‒ Thoái thực ký văn)

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 4 (8. 10. 1933), tr. 21-22.