[Kỳ 6]

Chuyện Nguyễn Văn Giai

Nguyễn Văn Giai, tổ quán ở làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc; đến cha ông ấy cưới vợ ở làng Đại Lữ,  huyện Thanh Lâm, rồi lập nghiệp tại đó.

Văn Giai hồi nhỏ ham học, mà nhà nghèo quá, không có tiền sắm dầu đèn. Hằng ngày đi xin ăn, hễ đến đâu thấy lợn người ta sẩy ra thì đè nó xuống nơi bờ ao rồi bắt đem về làm thịt, rán lấy mỡ để đốt đèn đọc sách. Đốt hết lớp mỡ ấy rồi lại đi bắt con lợn khác. Ban đêm thì ra đồng bẻ trộm những dưa, đậu, cà, rau đem về ăn; hoặc đón đường những kẻ trộm mà dựt lại những tang vật chúng đã lấy được; hoặc nhân dịp dân làng có lễ bái hội hè gì thì ăn cắp xôi thịt: thế mà chưa hề bị hại lần nào.

Ngày kia, Văn Giai tắm dưới ao bên đường, để cái quần rách trên bờ ao, bị có kẻ chơi ngẳng lấy mất đem bỏ chỗ khác. Văn Giai ở truồng phải đứng luôn dưới ao không dám lên. Vừa gặp có người con gái trong xóm đi ngang qua, thấy thế thì thương hại, bèn giả tảng cởi cái giây thắt lưng của mình ra bỏ lại đó rồi đi. Văn Giai nhờ giây thắt lưng ấy đóng khố mới lên được, nên cảm ơn người con gái ấy, về nhà liền ghi lấy cho nhớ.

Giữa triều Quang Hưng (Lê Thế Tôn), Văn Giai đỗ Hoàng giáp, làm quan Hiến sát Thanh Hóa, sau thăng về Thượng thơ, kiêm luôn việc lục bộ đến mười chín năm, lại thăng Ngự sử, Thái phó, phong Lễ Quận công, rất là phú quý.

Số là, trước kia, khi Văn Giai bắt lấy vật gì của ai cũng đều có biên chép tên họ người ấy. Đến khi đỗ, bèn đặt tiệc, mời hết thảy những người đã có biên tên đó đến dự tiệc và chiếu giá trả tiền cho, nên ai nấy đều phục tình. Bấy giờ người con gái bỏ giây thắt lưng hồi trước đã có chồng rồi, đẻ được một trai một gái. Văn Giai vẫn cứ nhớ ơn mãi, muốn báo ơn cho được, bèn gọi người chồng đến, kể chuyện trước cho nghe, và ngỏ ý muốn chuộc nàng nọ lại làm vợ mình.

Anh chàng nghe nói, ngần ngừ lấy làm khó; nhân nói nhà mình tuy không giàu chớ cũng chẳng nghèo chi, cho nên không thiết tiền của là mấy, chỉ muốn được chức Đề lại một huyện nào, có võng, có ngựa, có kẻ hầu hạ thì lấy làm sướng lắm; được như thế thì hắn cũng không tiếc gì vợ, bằng lòng xin nhường lại cho Văn Giai.

Văn Giai vừa cười vừa nói: “Tưởng gì chứ cái đó không khó”. Rồi ông ấy tâu cùng vua, cho chàng nọ làm Đề lại huyện Tư Nông. Và chàng làm chức ấy trọn mười tám năm.

Còn vợ chàng về với Văn Giai, đẻ được mấy con vừa trai vừa gái. Con trai đều theo nghề văn học cả, cũng có đỗ đạt, nối nghiệp thư hương, ai nấy lấy làm khen ngợi.

Sau Văn Giai về hưu rồi, nghĩ vì Thanh Lâm là quê mẹ, muốn trả ơn cho, bèn tâu vua xin bãi con đê ở đó, vua cho, cả dân đều mừng rỡ. Văn Giai thọ được 75 tuổi thì mất, được tặng chức Tư đồ Thái tể.

(Trần Lê ngoại truyện)