Những hiện trạng kỳ quái  (a)

Có nhiều việc xảy ra trước mắt phải bật cười, không thì phải tắc lưỡi, không thì phải bĩu môi… chỉ vì nó nhỏ nhặt quá, cũng vụn vặt quá, không đáng lưu tâm làm gì, cho nên tuy lắm lúc bực mình vì nó mà cũng cứ để mặc: nó xảy ra rồi nó qua đi, qua đi hẳn…

Thế nhưng, những việc đó cũng đáng kể là những cái hiện trạng kỳ quái. Kỳ quái vì trong xứ này, đã đến ngày nay, lẽ đáng không còn có những việc như thế mới phải, mà lại có được đi.

Nó nhỏ, thật nhỏ, song le đã cho là kỳ quái thì nên chép, thì tôi chép.

***

Cái xứ có báo đã ba bốn mươi năm nay mà những người viết bài lai cảo cho nhà báo cũng còn viết cả hai mặt giấy. Phải là kẻ quê mùa, trong thôn dã, như anh trùm, anh lý viết tới xin “quan lớn chủ bút” kêu giùm với sở Thương chánh cho khỏi sai lính đi bắt rượu lậu, thôi chả nói làm chi. Cái này, người có học, học khá, bài của họ đã được đăng một vài lần rồi, thế mà lần sau gởi đến cũng còn cứ viết hai mặt.

Lần này quyết không đăng đấy. Xin đừng trách …

***

Có người Pháp nào mới tập tò viết văn Pháp, nghĩa là mới bắt tay viết lần thứ nhất, mà đã viết bài gởi đăng báo không?

Có người Tàu nào mới tập tò viết văn Tàu, nghĩa là mới bắt tay viết lần thứ nhất, mà đã viết bài gởi đăng báo không?

Hẳn là không có.

Vì thứ chữ nào cũng vậy, viết cho thành một bài văn không phải dễ; huống chi một bài văn đăng báo, lại càng không dễ lắm. Dù cho thông minh tài bộ đến đâu, mới tập viết lần thứ nhất thì bài văn cũng chưa thành văn được, có sửa chữa thế nào cũng khó lòng mà đăng lên báo được.

Thế mà trong xứ này, có sự như thế đấy!

Một bài văn dài mươi trang giấy học trò, viết chữ khít nhau, luận về một vấn đề khá lớn, gửi cho chúng tôi, có phụ theo một bức thư, cuối cùng một đoạn rằng: Lần này là lần đầu tôi mới viết quốc văn, lời lẽ không đúng nghĩa và có chữ sai, xin nhờ ngọn bút đàn anh nhã giám.”

Những chữ in đứng đó để chỉ thực cái sự “không đúng nghĩa” ra. Tuy vậy, mới viết lần đầu, có ai nỡ trách. Chỉ trách một điều là mới viết lần đầu, sao lại gởi mà đăng báo?

Có muốn viết bài đăng báo mà chơi, thì nên tập viết ở nhà một dạo đi. Bao giờ khỏi có sự sai chữ và không đúng nghĩa đã rồi hãy viết mà gởi cho báo đăng. Như vậy thì mới mong bài mình đăng được chứ, mà câu chuyện mới khỏi chướng tai chứ.

***

Một dân đã không sành về nghề báo như thế, lẽ đáng, có muốn làm báo thì phải học tập cho lung đã rồi hãy làm. Thế mà lại không. Mới ở trong cửa buồng vợ đi ra là bước thẳng tới tòa soạn!

Nhiều người như thế rồi, nhưng chẳng hơi đâu nhắc lại làm chi. Hôm nay vừa tiếp được tờ “Sao mai” số 1 ở Nghệ mới ra đời, làm cho tôi chưng hửng!

Ông Trần Bá Vinh, chủ nhiệm kiêm chủ bút!

Quái! Ông Trần Bá Vinh thì làm thầu khoán, thì làm dân biểu, chứ cái gì lại làm chủ nhiệm? Lạ hơn nữa, cái gì lại làm chủ bút?

Tôi không nói ông ấy không làm chủ bút hay chủ nhiệm được; nhưng tôi nói, ít ra ông cũng phải học nghề làm báo lấy mươi năm rồi hãy làm.

Mình lăn lộn trong nghề báo có gần tới 20 năm mới dám đứng chủ trương một tờ báo mà họ thì ở trong cửa buồng vợ vừa bước ra, họ làm thê! có quái không?

K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 20 (28. 1. 1934), tr. 6.

Chú thích

(a) Bài này vốn không đăng trong mục “Dưới mắt chúng tôi”  của P.N.T.Đ.; có vẻ như với nhan đề chung này P.K. định mở một mục mới, nhưng lúc này ông sắp rời P.N.T.Đ., nếu có thì ý định ấy cũng không thành. Vì bài chỉ có một kỳ nên người sưu tầm xếp chung vào mục “Dưới mắt chúng tôi”.