Nữ diễn giả trong Nam

Vài năm nay, nhiều người hay nói phụ nữ trong Nam tiến bộ hơn phụ nữ ngoài Bắc. Lời bình phẩm ấy khó mà biết là đúng hay không đúng. Bởi vì người đất Bắc có cái đặc tính là dè dặt và ngấm ngầm, không xốc nổi nóng nảy như người trong Nam, đàn ông đã vậy mà đàn bà cũng vậy. Nếu phụ nữ ở Bắc Kỳ có tiến bộ thật, nhưng họ không chịu biểu lộ ra hoặc chưa có dịp biểu lộ ra cho ta thấy mà ta vội phán đoán như thế, thì sự phán đoán của ta tất nhiên là sai lầm.

Bởi vậy, muốn làm sự so sánh này, ta không nên vội dùng những tiếng trừu tượng như: tiến bộ, hơn, kém mà phán đoán; nhưng ta hãy xem xét bằng cách cụ thể, nghĩa là chăm nhìn vào hiện trạng, thường chú ý đến những việc đã xảy ra, rồi lấy đó làm căn cứ cho sự so sánh, may mới khỏi "sai một ly, đi một dặm".

Kể về sự lìa chốn buồng the, ra làm công kia việc nọ cho xã hội, thì bốn năm năm nay, hình như chị em trong Nam đã làm được nhiều hơn.

Cuộc đấu xảo nữ công, Hội chợ phụ nữ, cũng đều do các bà các cô ở Sài Gòn mở trước. Lại mới đây có "Phòng đọc sách" mà cô Nguyễn Thị Phương Hoa làm Tổng thư ký, cũng sáng lập tại kinh đô Nam Kỳ. Ở Lục tỉnh thì có các đội banh tròn của phụ nữ, là một việc phát khởi mà dù các nước văn minh hình như cũng chưa từng có. Kể đến viện Dục Anh là chỗ nuôi trẻ con thì ở trong ấy cũng thành lập trước "Phòng nuôi trẻ" của hội Tế Sinh ngoài này.

Tuy vậy, những việc đó đều nhờ đông tay vỗ nên bộp, chưa có thể nhân lấy mà nghiệm thấy cái tài của từng người. Muốn đó xem về mặt tài học của phụ nữ trong Nam, ta nên chú ý vào các cuộc diễn thuyết.

Bắt đầu từ tháng Avril năm 1932, trong bốn ngày Hội chợ phụ nữ Sài Gòn mở cửa, có đến bốn cuộc diễn thuyết do bốn tay nữ diễn giả đứng nói, mà người nào nói cũng nên hình. Bà Giáo Ất, bà Phan Văn Gia, cô Ngọc Thanh, cô Nguyễn Thị Kiêm, mỗi một người nói, hết thảy thính giả nam nữ đều hoan nghinh.

Tuy rằng lúc nhất sơ, có người không làm lấy bài diễn văn được, nhưng đến nói thì đều được trôi chảy, tựu trung lại có người đã muốn thành ra tay diễn thuyết nhà nghề.

Sang năm nay, cô Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Khuyến học hội, về vấn đề "thơ mới". Đêm hôm ấy có nhiều tay thanh niên nam tử chực phản đối, song nhờ cái tài bặt thiệp của cô Kiêm, đi qua được trót lọt.

Mới đây lại có cô Thụy An, diễn thuyết về vấn đề quốc văn, cũng tại Sài Gòn. Lần này thấy các báo khen lắm, cho là cô Thụy An nói giỏi hơn cả những người đã nói mấy lần trước.

Sự người ta khen đó, chẳng biết có đích xác không, nhưng thế nào cũng không đến nỗi trái lại.

Coi đó thì nữ nhân tài về mặt diễn thuyết, trong Nam đã sản xuất bao nhiêu người rồi. Không bù với Hà Nội, chưa thấy một ai.

Chúng tôi không tin rằng phụ nữ ở Hà Nội lại kém phụ nữ trong Nam về khoa ngôn ngữ. Chẳng qua vì ở đây phong khí chưa khai thông, hoàn cảnh còn bó buộc, nên nhân tài chưa xuất hiện đó thôi.

Ở Hà Nội, mỗi lần có diễn thuyết, tức như hai lần ở hội quán Trí Tri vừa rồi, đều không thấy đàn bà đi nghe. Ấy cũng là điều khác với Sài Gòn. Sài Gòn, mỗi cuộc diễn thuyết, bên nữ thính giả dù đông không bằng bên nam, chứ cũng được một số kha khá.

Đi nghe diễn thuyết còn không chịu đi thay, huống chi là đứng lên diễn thuyết cho kẻ khác nghe!

Chị em bắt đầu từ đây nên đến dự thính các cuộc diễn thuyết. Rồi sau này trong chúng ta cũng sẽ có tay nữ diễn giả xuất sắc như trong Nam.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 6-7.

Chú thích

(1) Rau sam, cái cọng nó mềm, trẻ con chơi nghịch, hay lấy cọng nó bẻ ra chừng bằng hai phân tây đem chống hai mí con mắt cho to ra. "Bẻ cọng rau sam chống con mắt" là một cái thành ngữ, người ta quen dùng. (nguyên chú)