ÔNG BẦU ĐỜI NAY

An Nam ta có nhiều tiếng thiệt trớ trêu lắc lở, như ông Bầu − Bầu gánh. Ông… Bầu! Ai không biết dân An Nam là một dân rất có trật tự trong những cách xưng hô: hễ đáng chú kêu chú, đáng thầy kêu thầy, mà đáng ông mới kêu ông. Thế thì mình đã tặng cái chức ông cho bầu gánh là mình phải chỉnh nghiêm lễ nghĩa với người ta, chớ có đâu hễ nói tới ông Bầu thì ai nấy đã sẵn ngầm cái ý dể duôi bỡn cợt vậy?

Nghĩ nát không biết đâu mà tính, Thông Reo mới hỏi thăm tự vị. Hỏi tới chữ "bầu" thì Huỳnh Tịnh Của tiên sinh ngài dạy: "Bầu là một vật hông lớn mà tròn tròn". Ờ, phải rồi! bị cái đề-phi-ni-xông (định nghĩa) như vầy mà không ngấm cười sao được. Chắc là mỗi lúc gọi ông Bầu thời trong trí tưởng của chúng ta nó gợi ra những là ông tướng, ông tiêu, ông bao, ông bị đó.

− Ý! Anh đừng nói thế! Đời bây giờ có nhiều ông bầu họ lớn đại đài đai; anh lấp lửng họ quở cho mà chết!

Cảm ơn anh, thôi để kêu lại bằng ông thiềm thừ ngheo! Tôi nói ông bao, ông bị là vì tiếng Tây gọi ông bầu là nhà thầu khoán cuộc xem chơi (entrepreneur de spectacle) mà hễ thầu thì bao xai hóa lóng chóng cũng như bầu thì gánh gồng, hát sát vậy mà!

− Anh thiệt thì thôi! Đời mới, cái gì cũng mới, anh biết hông? Theo Tây thì cái trường hành động (le champ d'action) rộng lắm. Bất kỳ ai, miễn là có "bụng" thì, rộng đồng mặc sức, muốn tương thân tương trợ, hay cứu tế cứu tai gì cứ việc. Có nhiều ông Bầu, họ vừa tinh về thể dục mà vừa thạo việc cải lương. Có nhiều ông bầu họ đã chuyên nghiệp thể thao lại sành về hội chợ nữa. Họ hay nghinh, hay tiếp, hay tiệc, hay tùng, hay đánh võ, hay chạy đua, hay vẽ bùa, hay đọc chú….

− Ủa! vậy thì thần thông biến hóa đủ, sao anh còn nói cái gì?

− Nói cái gì đâu! Anh không hiểu tôi, tôi nói để mà khen họ chớ. Hồi thái bình thời ai cũng oai nghi bệ vệ, ông sở bà ty. Đến bây giờ − bây giờ ta mới ra thân hèn − đem nghi vệ oai phong của mình mà bán rẻ để thiên hạ mua vui làm… nghĩa.

Anh chưa biết cái thiên chức cầu vui cho thiên hạ nó ăn thâm đến hạnh phúc của mình là chừng nào. Mình đã đành đem cái vui của mình mà rao bán để lấy tiền thì mình phỏng còn vui đâu tá? Bởi hiểu thế nên khi nào tôi nghe mấy ông bầu ta họ than: "Lôi thôi đến thác!" hay "Chạy chọt những còn…" thời tôi đau đứt ruột đi anh!

Anh nghĩ coi: gặp cái "kinh tế" nầy mà cứ tinh xảo chuyên môn, trung thành nghề nghiệp thì nguy mất. Vì vậy mà ta chẳng nên cười mấy ông bầu ta. Ta thấy họ giỏi xoay giỏi xở, giỏi tráo giỏi trở, thì lý ưng ta phải hoan hô để nông chí giục lòng họ cho thêm hay thêm khéo chớ.

Ừ, thì họ hát hay ta coi hát, thế có phải là đỡ cả đôi bên chăng! Đừng thèm lo cho họ đỡ tủi ta; họ đỡ tủi, ta đỡ buồn, mạnh ai nấy đỡ đần, rán nương nhau qua buổi.

Gắng lên ta!

Lần theo ống thẳng bầu tròn,

Rán mà chịu đựng miễn còn thì thôi!

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6938 (15. 2. 1933)