Ông Diệp Văn Kỳ với vợ ông ấy

Người Trung, Bắc Kỳ nghe cái tên Diệp Văn Kỳ quen lắm là từ lúc có báo Thần chung sấp về sau. Lúc Thần chung còn sống thì ngoài này lắm người tôn họ Diệp như một vị thánh ở Nam Kỳ. Nhưng kế đó họ Diệp vì cứ lăn lóc mãi trong nghề báo, nhiều lần bị chửi bởi bạn đồng nghiệp mình, nhất là cái anh “trật búa” Nam Chúc ở Đuốc nhà Nam, thì lắm người lại tưởng họ Diệp không ra chi, gần như đã “vỡ nợ” về nhân cách.

Toàn là sai cả. Ông Diệp Văn Kỳ thánh không phải thánh mà cái nhân cách của ông thì cũng chẳng đến vỡ nợ như người ta tưởng.

Ông là người khá. Song le khi nào nói về ông cũng nên nói luôn về vợ ông là bà Diệp Văn Kỳ, thì mới dễ phô bày sự thực. Vì cặp vợ chồng này quan hệ với nhau riết lắm, chẳng những như cặp khác.

Thì từ lúc sang học bên Pháp, vào khoảng năm 1920 cho đến 1925, vợ chồng  họ vẫn cứ cặp kè nhau ở Paris. Bà Diệp thì chẳng đỗ đạt gì, nhưng ông ta thì đỗ ngay cử nhân luật. Đi học mà lại đem vợ theo, có kẻ đã lấy điều ấy trách ông đấy; nhưng ông cãi rằng: “… thì tôi đây há chẳng nói được: một là vợ, hai là cử nhân hay sao?” ‒ Cũng thông đấy chớ!

Về Nam Kỳ, không làm gì mà làm báo, ấy là cái điều khả thủ của ông Diệp. Nhưng, hai lần làm chủ hai tờ báo ‒ Đông Pháp thời báo Thần chung ‒ mà lần sau vớt lại được sự lỗ lã của lần trước, ấy lại là nhờ cái tài kinh doanh của bà ta. “Bà Diệp Văn Kỳ”, người Sài Gòn để ý đến là từ đó.

Sau khi Thần chung bị đóng cửa, ở không một độ rồi ông Diệp làm trạng sự, lại làm chủ bút báo Công luận cho đến bây giờ. Nhưng bà Diệp chừng như ít biểu đồng tình với việc ông làm, bà nói: “Sao lại phải như thế? Tôi đây cứ giữ lấy một cái nhà in Bảo Tồn cũng đủ sống!” Mà thật, bà làm chủ nhà in Bảo Tồn bảy năm nay, chạy đáo để!

Nói vậy cho biết vợ chồng họ Diệp, ý kiến dầu có khác nhau, nhưng tài năng vẫn ngang nhau, đừng thấy bà ta không đỗ cử nhân mà tưởng là kém.

Ông Diệp, học thì không uyên súc lắm, nhưng biết nhiều. Ngồi nói chuyện phiếm chơi, bất kỳ về vấn đề gì, ông nói đều được cả, đều có câu hay cả. Bà Diệp mà phục ông là tại đó.

Đến văn ông viết, hồi trước ở Thần chung, bây giờ ở Công luận, như chúng ta đã đọc, là thứ văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, hay. Bà Diệp lại cũng chịu ông về phương diện này.

… Gần nay dư luận xôn xao, đồn rằng nay mai ông sẽ về Huế làm một chức gì đó. Đồn thế, chẳng đến nỗi vô lý cả.

Lá rụng về cội. Ông Diệp đẻ ở Huế thì bây giờ rụng về Huế cũng phải. Duy còn bà Diệp, chẳng biết bà có biểu đồng tình về việc này chăng. Chỉn e bà lại ngủng ngẳng mà nói rằng: “Tôi là con nhà bách tánh ở Nam Kỳ”.

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 2 (24. 9. 1933), tr. 10-12.

Chú thích

(1) Nguyên chữ   , đọc là hoạn hay huyễn, đối với chân     , nhưng xưa nay ta đọc lầm là ảo rồi quen đi (nguyên chú)

(a) Hai chỗ này, báo gốc để chấm lửng, có lẽ mỗi chỗ bị bỏ 1-2 từ trước khi báo in.

(b)  Hai chỗ này, báo gốc để chấm lửng, có lẽ chỗ trên bị bỏ 1-2 từ, chỗ sau bị bỏ 5-6 từ trước khi báo in.