Ông Đỗ Văn với ông Đỗ Thận

Ông Đỗ Văn đi sang Pháp hai lần, đâu chừng trong năm sáu năm, ăn học thành tài rồi thì ông về ở Hà Nội. Ở Hà Nội bốn năm năm nay, ông ấy trổ tài chuyên môn của mình mà làm cho nghề in và nghề báo ở Bắc Kỳ nẩy ra cái vẻ đặc sắc hơn xưa.

Thế mà thôi, ông Đỗ Văn nghĩ là chưa đủ, ông còn phải ra một tờ báo, làm chủ một tờ báo.

Vừa rồi báo Nhật tân xuất bản, in một cách đẹp hơn cả các báo Đông Dương. Còn phải tán gì, ông là chúa nghề in.

Có một điều đáng lạ, là báo Nhật tân mới ra đã nhè ngay ông Đỗ Thận mà công kích.

Như thế thành ra như ông Đỗ Văn đã trau dồi cái nghề ông trong bấy nhiêu năm là để chực công kích ông Đỗ Thận hay sao? Như thế thành ra như ông Đỗ Văn có hiềm giận gì ông Đỗ Thận, đi học tây về để mở báo, mà mở báo là cốt để công kích ông Đỗ Thận hay sao?

Con nhà họ Đỗ với nhau, có gì đi nữa lại đâu đến nỗi thế? Không có lẽ.

Ta hãy xem thử công kích về điều gì. Nhật tân chẳng nói xa nói gần gì hết, kêu tên ông Đỗ Thận ra mà nhạo báng rằng ông ấy đã hai lần vận động vào Huế làm quan đều trật hết.

Ủa hay, vận động làm quan mà trật đi, trật đi đến hai lần, lẽ đáng thương hại cho người ta mới phải, việc gì mà công kích? Thế nhưng chúng tôi đọc kỹ Nhật tân rồi thì thấy công kích cũng đáng lắm.

“… Quần áo xúng xính… tay áo dài phủ cả ngón tay, bệ vệ ngồi xe như ngồi ở khám thờ, hai tay lúc nào cũng chắp như sắp cúc cung bái…” ‒ Ấy là mấy lời của Nhật tân tả chân ông Đỗ Thận đó.

Phải, chúng tôi cũng đồng ý với bạn đồng nghiệp đứng đắn ở đường Hàng Da mà bảo rằng nội ngần ấy đó ông Đỗ Thận cũng đã đáng cho người ta công kích rồi.

Tay áo việc gì lại phải dài phủ cả ngón tay?

Ngồi xe việc gì lại phải bệ vệ như ngồi ở khám thờ?

Hai tay việc gì lại phải lúc nào cũng chắp như sắp cúc cung bái?