ĐIỀU TRA VỀ HỒN VÍA CÁC DANH NHÂN TRONG NƯỚC HIỆN THỜI:

1. ÔNG NGUYỄN KHẮC HIẾU

Kể đến các người có tiếng ở nước nhà hiện còn đương sống, về cõi học cũ, hay nói chữ, về “cựu học giới” ‒ tay Dóc Công bấm đến trước nhất là Tản Đà sếnh sáng. Vậy, thử điều tra về hồn vía sếnh sáng coi mần răng!

Trước hết, Dóc Công thấy trong ba hồn vía của sếnh sáng có một hồn là hồn thơ. Muốn cho có được cái hồn thơ, cần phải có cái sức trừu tượng (abstraction) thật cao, cái sức tưởng tượng (imagination) thật giầu. Cái sức trừu tượng, cái sức tưởng tượng là hai cái lương năng (facultés) riêng có của loài người. Loài vật, nhiều nhà học giả đã xét ra, không loài nào có hai cái lương năng ấy. Vậy, trong ba hồn của Tản Đà sếnh sáng có một hồn là hồn thơ, nói thế tức là nói rằng có một hồn là hồn người.

Ngoài cái hồn thơ ấy, cái hồn thứ hai của sếnh sáng là cái hồn mê gái. Đọc thơ văn sếnh sáng, ta thấy cái hồn đó nó hòa lẫn với hồn thơ, cơ hồ không thể phân biệt được. Chẳng những sếnh sáng mê những gái đã quen biết, sếnh sáng còn mê những gái chưa quen biết, bởi vậy có thơ gửi cho tình nhân chưa quen biết; chẳng những sếnh sáng mê những gái ở cõi thực tại (dans le réel), sếnh sáng còn mê những gái ở trong mộng mị, bởi vậy có thư gửi cho Chu Kiều Oanh cố nhân. Cái câu thơ của sếnh sáng “Gớm nhẽ không chồng đau đớn lạ; đố ai đêm vắng dễ mần ngơ” ‒ chữ “chồng” xin đọc là chữ “vợ” hay chữ “gái”, vì sếnh sáng là đàn ông ‒ thật đã tả được cái hồn mê gái khi lên đến mực cao tột!

Cái mê gái mà đến nỗi “đau đớn lạ” trong khi “đêm vắng” đó, cái đức hiếu sắc đó hoạ chăng có anh chàng Văn Vương hồi xưa có thể sánh được. Bởi vậy sếnh sáng dịch Kinh Thi, vì đầu Kinh Thi có thơ “Quan thư” tả cái khổ mê gái của anh chàng Văn Vương: “Cầu chi bất đắc / Ngụ mị tư bặc / Du tai! Du tai! / Triển truyển phản trắc!” (a)

Bốn câu đó sếnh sáng lấy làm đắc ý, cho nên dụng công dịch ra văn Nôm hay lắm, hay đến nỗi tôi đã xem mà không còn nhớ sếnh sáng dịch ra thế nào…

Hoặc có người nói: cái đức háo sắc của sếnh sáng chẳng qua chỉ ở trong phạm vi thơ của sếnh sáng mà thôi, chứ sự thực thì cái mũi kiểu quả tô-mát của sếnh sáng cũng như cái mũi của me-xừ Xin-vét Bô-na (Sylvestre Bonnard) là cái mũi làm cho người sợ, còn có gái nào dám đến gần mà cho sếnh sáng mê được… Cái chứng cớ thứ hai để chứng cho sếnh sáng chẳng phải là người háo sắc là bà đầm Nguyễn Khắc Hiếu chẳng phải là một trang nghiêng nước lệch thành. Cái chứng cớ thứ nhất xin sổ toẹt! Nếu Tề Thiên đại thánh nằm bẹp trong kẹt đá, xa cách với đời, mà bụng vẫn chứa cái tư tưởng khuấy đời, thì sự không có gái đến gần, sao đủ cấm được Tản Đà sếnh sáng có lòng mê gái. Cái chứng cớ thứ hai lại đáng sổ toẹt nữa! Vợ không đẹp chẳng phải là cái chứng cớ không mê gái. Muốn rõ lẽ đó, xin các bạn hãy đọc một đoạn “hiếu sắc phú” dịch như sau.

“Quan đại phu Đăng Đồ Tử ngồi hầu vua Sở chê Tống Ngọc rằng: Ngọc là người đa tình lại hiếu sắc. Vua Sở đem lời Đăng Đồ Tử hỏi Ngọc. Ngọc nói: “Người đẹp ở dưới trời không đâu bằng ở nước Sở; kẻ sinh ở nước Sở, không ai bằng ở làng tôi. Kẻ mỹ miều ở làng tôi lại không ai bằng cô bé cái nhà ở bên Đông nhà tôi. Cô bé nhà bên Đông, thêm vào một phân thì dài quá, giảm đi một phân thì ngắn quá, đánh phấn thì trắng quá, bôi son thì đỏ quá; mày như lông trả, da như tuyết trắng, lưng như bó lụa, răng như vỏ hến bé, nhoẻn miệng cười một nụ, làm mê hoặc cả hai huyện Dương Thành, Hạ Sái. Vậy mà người con gái ấy leo tường ròm tôi ba năm, đến nay tôi vẫn chưa ưng. Đăng Đồ Tử thì không thế, vợ hắn đầu bù, tai thối, môi hở, răng thưa, đi lệch, lưng gù, vừa ghẻ vừa trĩ, thế mà Đăng Đồ Tử mê hám, khiến cho có năm con. Nhà vua xét kỹ cho, ai là người hiếu sắc?”

Ấy đó, bà đầm Hiếu có mấy con rồi thì chẳng rõ, song vợ không tuyệt sắc có đủ chứng là chồng không mê gái được đâu?

Cái hồn mê gái, con người ta có lẽ không ai không chứa một phần. Cụ Cáo Tử đã cho “ăn và gái là tính trời” mà cụ Khổng Tử cũng vẫn than phiền “ta chưa thấy ai mê đạo như mê gái ấy vậy!” Tuy nhiên, mê gái mà đến quá độ thì theo người An Nam họ không cho là hồn người nữa, họ cho là “hồn dê”; họ gọi là “dê”. Vậy Tản Đà sếnh sáng có một hồn là hồn dê…

Đến cái hồn thứ ba của sếnh sáng mà Dóc Công xét ra thì là hồn rượu. Cái hồn ấy, có thể gọi là hồn Lưu Linh, Lý Bạch, thì cũng có thể gọi được là hồn của con tinh tinh. Con tinh tinh trông thấy rượu, biết uống say thì sẽ bị người ta bắt và giết, song cũng cứ uống cho say. Tản Đà sếnh sáng trông thấy rượu, biết uống say thì sẽ hết viết bài, hết sửa mo-rát (morasse), làm cho An Nam tạp chí quay lơ, song cũng cứ uống cho “túy lúy càn khôn dại”!

Nói tóm lại thì ba hồn của Tản Đà sếnh sáng là “thơ, rượu, gái”. Hay nói khác đi là trong người sếnh sáng có một phần người, một phần dê, và một phần tinh tinh. Tuy vậy, dê và tinh tinh chẳng phải là vật hại người, mà câu chuyện “sặc những mùi thơ” của sếnh sáng lại làm cho ta vui, vậy sếnh sáng là người “chơi được”.

Xin các bạn biết sếnh sáng rõ hơn điều tra hộ bẩy vía của sếnh sáng xem là những vía gì…

DÓC CÔNG

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 130 ( 26. 8. 1933), tr. 1.

Chú thích

(a) Tản Đà dịch: “Nhớ cô dằng dặc cơn sầu; Cho ta dằn dọc dễ hầu ngủ yên!” (Tản Đà toàn tập, tập IV, Hà Nội, 2002, Nxb. Văn học, tr. 29)