Phong hóa, tờ báo hiện chạy nhất Đông Dương

Báo chí xứ ta từ trước chưa có mấy tờ mà cũng chưa phát đạt mấy. Như Nam phong hồi đó thịnh lắm cũng chỉ phát hành mỗi kỳ hơn ba ngàn số. Bắt đầu từ năm 1928 trở đi, các báo ra đời mới càng ngày càng đông mà cũng từ đó mới có những tờ báo có hàng vạn độc giả.

Tức như Thần chung, hồi thịnh lắm, mỗi ngày ra đến ngót 12 ngàn số. Lại Phụ nữ tân văn năm thứ nhất cũng chạy đến hơn một vạn. Hai tờ báo ấy cùng phát hành tại Sài Gòn, cùng chạy ngoài số vạn, rồi cùng bị đóng cửa cách năm trước năm sau: ấy là một cái kỷ niệm rất lợi hại cho làng báo, người cầm bút không bao giờ quên được.

Sau hai báo ấy, chưa có báo nào chạy bằng. Tờ nào giỏi lắm chỉ bốn năm ngàn số là cùng. Đến nay mới có tờ Phong hóa. Người ta nói Phong hóa mỗi kỳ phát hành đến hơn vạn, nhưng kỳ thực đâu chừng bảy tám ngàn, bờ đó mà thôi. Thời buổi này, đồng tiền eo hẹp, lại có lắm báo, thì bảy tám ngàn cũng đã nhiều rồi, kể còn nhiều hơn một vạn của mấy năm trên.

Phong hóa sở dĩ chạy đến số ấy bởi nó có một cái đặc sắc khác các báo mà ở xứ này thuở nay cũng chưa hề có: vui. Điều đó thì ai cũng biết.

Nhưng sao kẻ khác không bắt đầu làm thứ báo vui ấy mà phải đợi đến bọn ông Nguyễn Tường Tam? Sao trước kia xứ ta không đòi thứ báo vui ấy mà đến bây giờ lại phải cần có Phong hóa? Điều đó thì ít ai nghĩ đến.

Ấy là bởi cơ hội xui nên, mà cái tài của bọn ông Nguyễn Tường Tam đủ lợi dụng cơ hội.

Từ năm 1930 về sau, có một dạo, trong nước xảy ra nhiều việc, mà giữa ngôn luận giới lại không được sấn sướt như xưa. Cái luận điệu như luận điệu của Thần chung trước đó một vài năm thì bấy giờ không tài nào cho có nữa. Vào đến khoảng năm kia năm ngoái đây, thật là lúc cả nước thái bình vô sự, vô sự quá cũng chán, lòng người chỉ mong mỏi có món gì tiêu khiển. Đối với tờ báo, họ muốn đọc những tờ như trước kia thì không có, còn những tờ hiện ở trước mắt thì họ cứ cho là buồn. Kỳ thực cái buồn này, ở tờ báo một phần, mà một phần đã có sẵn trong lòng độc giả.

Cũng như nhà buôn bán đầu cơ, bọn ông Nguyễn Tường Tam vào sâu trong cái tâm lý ấy của xã hội bấy giờ, rồi dựng tờ Phong hóa đương ngủ dậy mà bắt nó múa, nó hát, nó bông lơn, nó pha trò, cho thiên hạ xem chơi, thành ra thiên hạ thích, chứ có phải là ngẫu nhiên đâu.

Phong hóa, cái thể tài của nó là hài báo. Cái thể tài ấy vẫn có ở các nước nhưng chưa có ở xứ ta, cho nên đối với báo giới ta, nó là một thể tài mới. Bọn ông Nguyễn Tường Tam là ông tổ khai sơn của thứ hài báo ở xứ ta vậy.

Việc đã chẳng phải việc ngẫu nhiên, mà lại việc ấy chẳng phải ai làm cũng được. Phải có đủ tay như Tú Mỡ, Đông Sơn, Tứ Ly, Nhất Linh gì gì đó, mỗi người đều có cái óc biết thế nào là đáng cười, biết thế nào là nói chơi, biết thế nào là vui, thì mới làm nổi; há phải rằng ai ai cũng được, muốn làm hài báo thì cứ làm rồi nó thành ra hài báo?

Vậy mà có một vài bạn đồng nghiệp toan bắt chước, toan tranh cạnh, bắt chước người ta mà lại cùng người ta tranh cạnh, chuyện như thế, gẫm hết sức ly kỳ!

Nghề làm báo, làm hài báo là khó nhất. Những người viết các thứ báo thường mà viết hay, bắt viết hài báo chưa chắc là viết được. Thế thì, những người làm tờ báo thường không chạy mà quay ra làm hài báo, khác nào anh sốp-phơ cho xe chạy đường bằng chưa vững mà lại thích trèo đèo Cù Mông hay đèo Cả!

Vả lại trong một xứ, báo thường có bao nhiêu cũng được, mà hài báo không thể có nhiều. Lẽ ấy cũng như trong một bản tuồng, không thể vai nào cũng vai hề. Thế mà có tờ báo lăm le làm tờ Phong hóa đến những thứ năm thứ sáu, thì thật là không hiểu việc đời.

Nói vậy thì duy có bọn ông Nguyễn Tường Tam mới làm hài báo được mà thôi sao? Và duy có tờ báo Phong hóa cứ vĩnh viễn làm tờ báo chúa xứ này sao? Cũng không phải vậy. Không phải một mình bọn ông Nguyễn Tường Tam mới làm được, mà là phải những người có tài như bọn ông ấy mới làm được. Không phải Phong hóa sẽ làm chúa luôn báo giới xứ này, mà hiện nay phải kể nó chạy nhất Đông Dương.

Giá thử bây giờ lại có lớp phong trào gì mới, lòng người lại quay về phương diện khác, tự nhiên Phong hóa phải bị chán ngay. Mà sự ấy không có, người ta đương còn cần tiêu khiển, nên Phong hóa vẫn chạy. Tuy vậy, trên kia đã nói làm hài báo là khó, nếu những tinh tuý ở óc của đám Tú Mỡ, Nhất Linh vắt ra không đủ cung cấp cho cái lòng ham mới chuộng lạ của mọi người thì rồi người ta cũng lại chán. Đừng thấy cái đèn đương sáng chói lói mà nói nó không có lúc hết dầu.

Ở đâu không biết, chứ ở Hà Nội hiện giờ, nhiều người nói Phong hóa chạy là chạy với trẻ con. Nếu người ta nói vậy mà đúng thì là một điều đáng lo cho Phong hóa… Muốn gỡ điều đáng lo ấy, Phong hóa phải làm thế nào cho ra tờ báo người lớn thì mới trường cửu được.

Làm cho ra tờ báo người lớn?... Ấy là cái bí quyết của nhà nghề!... Để xem!...

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 6 (22. 10. 1933), tr. 8-11.

Chú thích

(a)  "đàn bà này" nói ở đây có thể trỏ chính Phan Khôi, người từng viết trên Phụ nữ tân văn và lúc này là Phụ nữ thời đàm, đã từng có không ít va chạm với một số bài trên Tiếng dân.

(1)   ,    ,    (nguyên chú)