PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

NHỮNG ĐIỀU NGHE THẤY

LỜI DẪN – Như đã diễn giải, mục “Những điều nghe thấy” vốn là mục của Phan Khôi trên báo Trung lập, năm 1933 lại có sự tham gia của Nguyễn An Ninh, do việc Phan Khôi rời Sài Gòn về Quảng Nam rồi ra Hà Nội, còn Nguyễn Anh Ninh thì bước vào tòa soạn Trung lập từ ngày 2/3/1933, tham gia vận động tranh cử cho nhóm ứng cử viên thuộc “sổ lao động” trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ngoài các loại bài mục khác, Nguyễn An Ninh còn viết mục hài đàm “Những điều nghe thấy” ký bút danh Thông Reo vốn là mục do Phan Khôi lập ra và Thông Reo vốn là bút danh của Phan Khôi.

            Việc phân giới tác quyền trên từng bài viết cụ thể của hai tác gia ở trường hợp này là Phan Khôi và Nguyễn An Ninh là việc khó.

            Người biên soạn tạm lấy thời điểm Nguyễn An Ninh bước vào tòa soạn Trung lập, ngày 2/3/1933, với tuyên bố đăng ở trang nhất, làm mốc. Trước thời điểm đó, các bài trong mục này hoàn toàn là thuộc ngòi bút Phan Khôi. Sau thời điểm đó, từng bài trong mục có thể là thuộc Nguyễn An Ninh, nhưng cũng vẫn có thể là của Phan Khôi, nếu ông từ xa gửi bài về tòa soạn qua bưu điện. Bởi vậy, toàn bộ mục “Những điều nghe thấy” trên báo Trung lập từ ngày 2/3/1933, người biên soạn xếp vào phần Tồn nghi.

N.B.S.        

MẦY MẸ, TAO CHA

− Anh Tư, có vài cô nói đờn bà là mẹ của nhơn loại. Rồi có vài ông trả lời lại: đàn ông là cha của nhơn loại. Họ cãi cọ nhau…

− Ối, một đàng muốn làm mẹ, một đàng muốn làm cha: kết cuộc, lập một đám cưới thì hết cãi cọ.

− Mà, Thông Reo, anh cũng dư ngày giờ thật. Câu chuyện đó đâu có ra vấn đề quan trọng cho xã hội, mà anh phải để tâm trí vào đó chi cho mệt.

Người mình có tánh ưa nói "cao", muốn với trên đầu người ta, thành ra trong lúc cãi cọ, lắm khi trong lời nói không có lý lẽ gì hết. Mà cũng mất vui nữa. Phải chi mấy ông và mấy cô cãi nhau đó, họ nói "thấp" xuống một chút, thì họ chắc phải "hòa" với nhau. Sự thiệt thì đờn bà trong xã hội cũng có làm tới bà nội người ta, mà cũng có làm con cháu người ta nữa.

− Thôi, anh Tư. Bỏ câu chuyện "mầy mẹ, tao cha" đó đi. Song còn cái vấn đề "Chị cần tôi chị mới đẻ; anh cần tôi, anh mới có con". Mà đứng về phương diện khoa học thì Thông Reo sợ cho đờn bà họ mạnh lý hơn. Vì hóa học nói: về sau có thể chế ra được một thứ thuốc để thế con tinh trùng của đờn ông.

− Thông Reo khéo lo xa thì thôi. Tôi nghe nói hóa học nói vậy, chớ hóa học cũng còn mơ màng, đương kinh nghiệm với vài loại nhỏ tí ti mà thôi. Mà sự kinh nghiệm của họ cũng chưa kết quả gì chắc chắn. Mà chắc gì nếu sự kinh nghiệm ấy kết quả mỹ mãn, thì hóa học có thể đem kinh nghiệm với loài người được. Vậy chớ loài gà kia, trong động vật giới, lại còn gần loài người hơn; mà sao bấy lâu nay, Thông Reo anh thấy những chuyện trước mắt mà không lo cho loài người mai sau có thể cũng "lẹ làng" như gà vậy?

− Không. Tôi sợ, như hóa học tìm được thứ thuốc thế cho con tinh trùng của đờn ông, thì về sau chắc đờn bà họ lập xã hội riêng. Có lẽ nhơn loại chỉ còn đờn bà không mà thôi như xứ đờn bà ở bên Tây Tạng đó.

− Tìm được thứ thuốc đó, là một vấn đề. Đờn bà chừng ấy sẽ còn cần dùng đờn ông hay không? là một vấn đề khác. Tôi dám chắc hai vấn đề đó không quan hệ gì nhau cả.

− Nầy Thông Reo, tôi lớn tuổi hơn Thông Reo, thế nào tôi cũng thạo đời hơn Thông Reo, tôi biết tâm lý của đờn bà. Họ không thể ở chung với nhau lâu được đâu.

− Nhưng mà bây giờ đây mới làm thế nào giải quyết về sự cãi nhau trong hai phe nam nữ đó?

− Về vấn đề "mầy mẹ, tao cha", thì tôi có biểu cứ để sự cãi cọ nó dắt đi đến đám cưới là xong. Còn về vấn đề "ai cần ai?" thì phe nữ cứ hiệp nhau lập công đoàn đi, phe nam cũng lập một công đoàn. Rồi thay phiên nhau đình công. Ai cần ai sẽ biết. (*)

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6952 (3. 3. 1933)

Chú thích

(*)  Từ 2/3/1933, Nguyễn An Ninh lại bước vào tòa soạn Trung lập với lời tuyên ngôn rõ (đăng trang nhất); cũng từ lúc này, bên cạnh các bài viết khác, Nguyễn An Ninh cũng tham gia viết bài cho mục “Những điều nghe thấy”, và vẫn ký Thông Reo chứ không ký tên khác; đây có lẽ là một thoả thuận giữa hai nhà báo (Phan Khôi và Nguyễn An Ninh), có sự đồng thuận của chủ nhiệm Trung lập  Trần Thiện Quý.