PHỤ NỮ HÀ NỘI ĐỐI VỚI

SỰ XƯỚNG LẬP "NỮ LƯU HỌC HỘI" Ở SÀI GÒN

 

Trong một số báo trước, chúng tôi có nói: "Kể về sự lìa chốn buồng the, ra làm công kia việc nọ giữa xã hội, thì bốn năm năm nay hình như chị em trong Nam đã làm được nhiều hơn" ‒ nhiều hơn ngoài Bắc chúng ta.

Khi nói câu ấy, chúng tôi có ý dè dặt một chút, nên mới dùng hai chữ "hình như". Thực ra thì điều ấy chắc chắn lắm, nếu kể từng việc ra, sẽ thấy nhiều hơn rành rành, không còn "hình như" gì nữa.

Đại khái công việc phụ nữ có thể làm được ngày nay, chia làm hai phương diện: một là việc từ thiện; hai là việc học.

Hai phương diện ấy chị em trong Nam tiến hành ngang nhau; không như ở ta đây chỉ làm qua loa được một vài việc về phương diện thứ nhất, còn phương diện thứ nhì, việc học, chẳng ai hề nói tới! Nội ngần ấy đó cũng đủ thấy sự "nhiều hơn" là sự thực rồi.

Việc học đây là nói về việc học riêng, phụ nữ tự lo lấy mà dạy dỗ lẫn nhau, chứ không phải nói về việc nữ học của nhà nước. Về việc ấy, chị em ở Sài Gòn chú ý một cách đặc biệt, và đã thực hành ra bằng một vài phương tiện cho ta trông thấy.

Gần hai năm nay, đã bắt đầu gây lên cái phong trào phụ nữ diễn thuyết. Diễn thuyết cũng tức là một phương giáo dục cho phần đông người. Ban đầu còn nói về những vấn đề thông thường; mấy cuộc diễn thuyết gần đây đã tiến lên đến vấn đề "thơ mới", vấn đề quốc văn, đủ biết chị em Sài Gòn đã có cái hứng thú về văn học.

Một "Phòng đọc sách" đã mở tại đó. Chưa biết thành tích ra sao; nhưng, phàm sự có là bởi sự cần: phụ nữ Sài Gòn có nhiều người cần đọc sách nên mới có phòng đọc sách, điều ấy đã hẳn.

Lấy làm chưa đủ, các bà các cô trong đó hiện nay còn trù liệu để mở một hội học cho phụ nữ, lấy tên là "Nữ lưu học hội".

Nghe nói học hội này sẽ có cái tánh chất bình dân, đàn bà con gái bất kỳ hạng người nào cũng được đăng tên vào sổ học sinh cả. Cách dạy thì dùng cách giảng diễn (conférence); những bài giảng diễn do mấy ông giáo sư chuyên môn biên ra bằng tiếng ta, ông nào giỏi về khoa nào, chuyên dạy về khoa ấy. Mục đích sự học là để trao cho nhất ban phụ nữ những cái tri thức thông thường.

Sự phát khởi này do mấy tay nữ thanh niên ở Sài Gòn và nhờ báo Phụ nữ tân văn làm cơ quan tuyên truyền cổ động. Thấy nói sắp lập ra một "Ban xướng suất" (Comité d'initiative), ban ấy gồm có nhiều người, chia nhau mà đảm nhiệm mọi công việc tiến hành. Ban ấy thành lập xong, sẽ mời nhóm tất cả nữ đồng chí một hôm, rồi thảo chương trình, xin lập hội.

Những điều bàn định trên đó ở vào khoảng cuối tháng mười tây vừa rồi. Hôm nay có lẽ đã thành hình được ít nhiều thì phải.

***

Phụ nữ tân văn trong một bài nói về việc ấy có nhắc đến chị em ở Trung Bắc Kỳ: có ý mong cho ở Huế và Hà Nội, chị em cũng sẽ hưởng ứng với Sài Gòn mà lập ra thứ học hội như thế.

Huế, thế nào thì chả biết; chứ Hà Nội đây, chúng tôi nghe nói mà chỉ nhễu nước giãi thôi, khó lòng mà nói chuyện làm được như chị em trong Nam.

Không phải là chúng tôi chịu đi rằng không làm được, có điều chúng tôi xem xét hoàn cảnh mà thấy rằng chưa làm được. Tốt hơn là, theo gương chị em trong Nam, ta phải có dự bị trước, dự bị từ bây giờ, rồi mai kia ta sẽ làm.

Ở Sài Gòn hôm nay có sự tổ chức Nữ lưu học hội như vậy, há phải là việc thình lình đâu. Chị em trong đó lâu nay đã gây ra một cái phong thượng hiếu học giữa phụ nữ, rồi bây giờ mới bước tới một bước nữa mà rủ nhau lập học hội đó chứ.

Không nói đâu xa, chỉ nói từ lúc mấy cuộc diễn thuyết của phụ nữ kế tiếp mở ra, "Phòng đọc sách" nghiễm nhiên thành lập, cái không khí học vấn đã bao phủ giữa đám má hồng; tự chị em coi sự học là sự cần thiết cho mình, tự người ngoài cũng không còn lấy sự chị em hoạt động làm lạ lùng nữa, nên mới có được như ngày nay vậy. Rồi ngoái nhìn phụ nữ Hà Nội ta đây còn chưa bước được bước thứ nhất, dễ đâu mong bước ngay được bước thứ nhì?

Hỡi các bạn nữ thanh niên chúng ta! Chúng ta muốn theo kịp chị em trong Nam thì hãy lo mà bước cái bước thứ nhất đi đã. Trước hết phải có người dạn dĩ như bà cử Phan Văn Gia, như hai nữ sĩ Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Kiêm, đứng trên diễn đàn, hô hào cho ai nấy tỉnh dậy, biết lấy sự học làm cần, tạo ra một vùng không khí học vấn cho nó bao phủ nữ giới đất Thăng Long rồi mới tiến dần dần lên…

Vậy xin chị em ở Sài Gòn lượng thứ cho: đối với sự xướng lập Nữ lưu học hội trong Nam, chị em chúng tôi ngoài này hâm mộ hết sức, nhưng về phần chính mình chúng tôi thì lại chỉ được như thế!

PHỤ NỮ THỜI ĐÀM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 10 (19. 11. 1933), tr. 1-2.