SÁCH GIÁO KHOA CHO NỮ HỌC SINH

 

Theo chế độ giáo dục hiện thời ở xứ ta, con trai con gái không học chung một trường. Chúng tôi cho điều đó là điều thích hợp với tình thế riêng trong xứ.

Hiện nay ở các nước đương có cái khuynh hướng cho con trai con gái học chung. Họ bảo làm như thế thì việc giáo dục mới được bình đẳng, và nhất là phá được cái hủ tục coi khác con trai con gái.

Ý thì rất phải. Nhưng nếu thi hành sự ấy ở ta đây, lại chưa tiện. Là vì số nam học sinh thường thường gấp năm gấp bảy số nữ học sinh; nếu cho học chung, có thể làm cho cái bản tính “yếu đuối” lại còn vì hoàn cảnh mà càng thêm yếu đuối. Chúng tôi muốn nói một số ít học trò gái chen lộn với một đám đông học trò trai, tự nhiên bên gái phải thấy mình lẻ loi, thua sút đối với kẻ khác giống, mà rồi nhân đó chí tiến thủ nhụt đi, sự học chậm đi cũng nên.

Đợi bao giờ trong một trường, số nam nữ học sinh bằng nhau, hãy cho học chung. Còn như bây giờ, cho học riêng là phải.

Tuy vậy, có một điều đáng nói, là: Về sách giáo khoa, không có sách riêng cho nữ học sinh. Theo chúng tôi, học đã học riêng, thì sách cũng nên có sách riêng mới phải.

Về các môn khoa học, như toán, vật lý, lịch sử v.v… đành không có sách riêng được. Bởi đã muốn cho gái và trai đồng có một cái tri thức ngang nhau thì phải học một thứ sách như nhau. Chúng tôi nói “sách riêng” ở đây, chỉ là nói về một hai món mà một  hai món ấy rất quan hệ.

Như trong sách “Quốc văn giáo khoa” cho lớp dự bị có bài học thứ 91, đề là: “Anh em phải hòa thuận”. Một con bé ở nhà ban tối, ôn lại bài ấy. Mẹ nó nghe xong, nhắc cho nó một câu rằng:

‒ Đó, con có thấy không? Sách người ta dạy như thế, mà con thì cứ hục hặc với chị con hoài!

‒  Không, thưa mẹ, ‒ con bé nhanh miệng trớ vỉa liền, ‒ đó là người ta dạy về anh em, chứ có dạy về chị em đâu!

Coi một việc xảy ra đó, chúng tôi thấy học chung sách như thế, cho con gái, chẳng có ích lợi gì hết.

Chừng như hồi biên tập sách giáo khoa ấy, các nhà biên tập chỉ có ý làm cho con trai học mà thôi, con mắt họ chỉ nhắm nơi con trai, lấy con trai làm chủ vị, bây giờ đem cho con gái học, hóa nên nó không thân thiết.

“Người ta dạy về anh em, chứ có dạy về chị em đâu!” ‒  Lời con bé ấy nói thật lắm đấy. Nó nói thế, cũng như nói: Người ta dạy cho con trai, chứ không dạy cho con gái!

Phải chi trong bài học thứ 91 ấy, có thêm hai chữ “chị em” vào nữa, thì dùng làm sách dạy cho bên nữ cũng tiện. Nay đã dạy riêng về anh em, như lời con bé nói, mà đem cho con gái học, thì thành ra như học mượn học nhờ, nghĩ cũng tủi cho con gái lắm.

Chúng tôi thấy trong sách ấy cũng có một vài bài nói về con gái. Nhưng lĩnh lược đại ý của cả sách, thì trong đó chỉ thấy được cái nhân cách của con trai… Con gái bị gìm ếm đi đã lâu rồi, ngày nay há còn nên làm như thế!

Tưởng nên làm thêm sách “Nữ tử quốc văn giáo khoa” để dạy trong các trường nữ học. Trong cách sách ấy phải lấy con gái làm chủ vị. Phải cho cái nhân cách của con gái hiển hiện ra ở trong cách sách ấy.

Rồi thì “Luân lý giáo khoa thư” nữa, cho con gái, cũng phải có sách riêng.

P. K.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 21 (4. 2. 1934), tr. 1.