Sau khi bắt tay ông Lê Quảng Long, ông Nguyễn Phan Long sang dự Hội đồng Tiền tệ bên Pháp

Chuyện bắt tay này đã xảy ra cách đây đã vài tháng. Từ đó đến giờ, người viết bài này dù hay bép xép cũng không nói đến lần nào; mà cho đến cả mấy anh đồng nghiệp có mục kích chuyện ấy cũng không ai hề nói tới nữa. Thế thì hôm nay tôi giở giói ra làm chi? Gần tới Tết rồi, để lỗ tai mà nghe tiếng pháo chẳng hơn?

Thế nhưng bới nó ra đây là vì một cái liên tưởng nó xui giục tôi: Ông Nguyễn Phan Long ngồi máy bay sang dự Hội đồng Tiền tệ bên Pháp, bất giác tôi nhớ lại câu chuyện khả quái mà cũng khả ố ấy.

Lê Quảng Long là một người đàn ông gọi là già chứ chưa già mấy. Ở Hà Nội này như ông ta cũng khả dĩ cho là hạng người tai mắt; vả, cái khẩu khí và cái dáng điệu của ông ấy thường thường tỏ cho ta thấy ông ấy tin mình là người lịch duyệt, người thạo đời, nhất là người rành phép lịch sự về giao tế, chẳng những An Nam với nhau, dù cho tiếp ông Tây hay chú Khách, ông ấy tiếp cũng ra vẻ lắm mà.

Nếu quả ông ấy tin mình như vậy thì ông ấy cứ nhớ lại giữa bữa tiệc đãi các đại biểu trong Nam ra dự Hội đồng Kinh tế, các thân hào cùng các người làm báo tại nhà ông P.Đ.C. ở đường phố Phúc Kiến ngày nọ, thử ông đã hiến cho cử tọa những cái khó chịu gì.

Miệng nói ba hoa, tay vung quá trán, mỗi tiếng trong câu chuyện hay dằn, hay nhấn, làm ra dáng kẻ cả,… những điều ấy làm cho chúng tôi cười sau lưng ông thì có, chứ không có làm cho chúng tôi bực mình đâu. Ông còn sống ngày nào thì ông cứ giữ theo ông cái bộ tịch ấy, chúng tôi không nói làm sao hết, có cái trò này, rày mà đi, chúng tôi van ông đừng diễn lại một lần nào nữa!...

Hồi đó vào giữa bữa tiệc, nghĩa là ăn đâu chừng được vài bốn món, ai nấy còn ngồi, kẻ xỉa răng, người nhấm rượu để chờ món khác, thì vùng một cái, ông Lê Quảng Long đứng dậy với bắt tay ông Nguyễn Phan Long!

Tiệc ăn đông, người ta đặt bàn theo lối chữ “công”   Ông Long Phan ngồi bên kia cái sổ, ông Long Quảng ngồi bên này cái sổ mà lệch nhau ước đến ba bốn ghế. Nói vậy cho biết người này nếu muốn bắt tay người kia, tất phải chồm từ bên này sang bên kia, nằm sấp hẳn trên bàn ăn, tha hồ cho “mù tạc” vấy áo hay là chai cốc đổ vỡ loảng choảng thì mới cử hành cái lễ mình muốn cử hành được. Ấy thế mà ông Lê Quảng Long định cử hành cái lễ trọng của ông thì cử hành ngay, không ngần ngại.

Trong bụng đương nghĩ cái gì không biết, con mắt đăm đăm nhìn ông Long Phan, chợt ông này vừa nhìn qua thì ông Long Quảng đứng phắt dậy, nói lẩm bẩm gì đó, rồi ngã mình sang, đưa tay ra đòi bắt… Lúc bấy giờ ba vị khách ngồi kề ông bị ông ném cả người ra án trước mắt họ thì họ đều quay mặt ra phía sau bành ghế, ý chừng bực mình lắm mà lại giả đò làm như mình cần phải hỉ nước mũi hay là phun cái cặn rượu gì đó.

Hết thảy khách mời ngồi bàn sổ và cả đến hai bàn ngang, ai nấy đều gườm gườm ngó ông Lê Quảng Long trong cái khoảnh khắc ấy, như là có điều gì hờn ghét ông lắm chứ không phải lo cho ông làm lấm áo gấm của mình hay làm vỡ đồ sứ quý giá của chủ.

Bên kia, ông Nguyễn Phan Long chừng cũng lấy làm khó chịu thì phải, nguýt hơi hơi một cái, từ từ đứng dậy, như cất người lên không nổi, đáp mấy lời cụt ngủn, rồi cũng từ từ đưa tay ra, dường muốn nói: bắt thì bắt…

Ông Nguyễn Phan Long dùng dắng như thế là muốn tỏ cho đồng toạ biết rằng mình vì cực chẳng đã quá mà phải đáp lễ một cái cử chỉ phi lễ. Chỗ đó người ta hiểu cho ông lắm chứ; nhưng còn một nỗi khác ông Nguyễn Phan Long không nghĩ đến: Người ta muốn, không muốn bắt thì đừng bắt, còn cực chẳng đã phải bắt, thà bắt phứt đi, chứ ông Long Phan chần chờ như thế chỉ tổ cho ông Long Quảng nằm lâu trên bàn thêm chướng mắt!

Sau khi về nhà ngụ, ông Nguyễn Phan Long nói cho bạn đồng hành với ông hay rằng giữa tiệc, ông Lê Quảng Long muốn làm quen với mình mà làm ra cái cử chỉ như thế. “Khi bấy giờ ‒ lời ông Long, ‒ tôi cự đi thì mếch lòng ông ấy, mà chìa tay ra bắt thì vô phép với cử tọa; phân vân giữa hai mối, thật là khó xử cho tôi. Sau cùng, tôi nghĩ không nên làm mất thể diện một người giữa nhiều người, nên tôi cũng đưa tay ra cho qua việc; tôi tin rằng cử tọa cũng sẽ lượng thứ cho tôi về điều đó.”

***

Tôi không lấy một việc này mà khái luận rằng cả mọi sự hành vi đối đãi của ông Nguyễn Phan Long đều như thế. Nhưng tôi biết, ông là người nho nhã mà có hơi “văn nhược”, hay nể mích lòng, hay khoan dung điều ngang trái, cái tính ấy là tính tốt của ông, nhưng tiếc một điều: nó không hợp với người làm chính trị!

Ngộ tay khác, khi ông Lê Quảng Long vừa đứng dậy, đón ý mà dùng lời uỷ uyển cự cái bắt tay đi, há chẳng được hay sao? Nhưng ông Nguyễn, cái văn ông làm sao, con người ông làm vậy: đẹp đẽ, hòa nhã, êm đềm, hay thì hay thật, nhưng không thấy có cái gì là cái đặc tính của kẻ hào kiệt ra gánh vác việc đời. Đã vậy thì ông biết nể mếch lòng một người mà không biết nể mếch lòng mấy chục người, là sự có thể có lắm, ta chẳng nên lấy làm lạ.

Xứ ta gặp lúc việc nhiều mà nhân tài hiếm, cho nên lắm kẻ phải đứng ra nhận lấy phần việc mà tư cách mình không hợp. Như ông Nguyễn Phan Long, giá ở nước nào thì ông chuyên nghề trứ thuật hoặc đến làm báo là cùng; nhưng ở ta đây, con người ấy phải lăn lộn trong đám nghị viên ở Hội đồng quản hạt, rồi đến sang Tây dự Hội đồng Tiền tệ, ‒ tiền tệ, cái vấn đề rắc rối thứ nhất thuộc về khoa kinh tế học, đến ông Bùi Quang Chiêu là người đủ điều hơn cũng còn thú nhận là mình không sành, ‒ thì có phải là nhân đó mà thấy một cái hoàn cảnh đáng thương hại không?

Tôi nói thế, không phải chê ông Nguyễn Phan Long không làm chính trị được; tôi vẫn biết ở các nghị trường chán khi ông cãi vã lắm điều đắc lực và có phát nghị nhiều việc có ích một cách dạn dĩ; tôi vẫn biết ông làm chính trị còn hơn người khác làm; nhưng tôi nói đây là có ý dẹp những thực sự của chúng ta lại đó mà đuổi theo một lý tưởng cao hơn, muốn nhắc cái trình độ chánh khách nước ta lên bằng cái trình độ chánh khách ở bên Pháp chẳng hạn. Nếu có ý thế, thì ông Nguyễn Phan Long không phải là người làm chính trị không được, nhưng là người không đáng làm chính trị, lại có lẽ người như ông mà đeo đuổi theo chính trị là uổng!...

Trước khi ngồi máy bay sang Pháp, ông Nguyễn Phan Long có ngỏ cho một nhà báo trong Nam một vài ý kiến của ông trong việc đi công cán này. Hầu hết là bi quan!

Phóng viên hỏi:

‒ Theo ý ông, đại biểu ta phen này qua đó, có hy vọng gì đắc thắng không?

Ông Long đáp:

‒ Đắc thắng! Đắc thắng cái gì? Đại biểu ta qua đó có làm gì đâu mà đắc thắng hay không đắc thắng?

‒ Thưa ông, sao vậy?

‒ Vì Hội đồng Tiền tệ chỉ cho đại biểu ta có quyền báo cáo tình hình bên này, chớ không cho được có quyền thảo luận mà! Đại biểu qua Paris chẳng khác nào đi làm chứng cho họ giải quyết cách nào đó họ giải quyết.

(Hai câu vấn đáp trên đây theo báo “Sài Gòn”)

Ta xem đó cũng đủ biết chuyến đi này ông Nguyễn Phan Long đã cầm sẵn cái kết quả trong tay, là cái kết quả không được việc gì!

Mà cầu cho được việc cũng khó lắm. Tôi nói câu này xin người đọc chỉ hiểu ở ý chứ đừng nệ ở việc: Giá trong bàn ngồi thảo luận vấn đề tiền tệ mà cũng có một ông Lê Quảng Long đứng dậy đòi bắt tay ông Nguyễn Phan Long, rồi ông Nguyễn Phan Long cũng bắt tay lại, thì hiếm được việc lắm!...

Làm chính trị thì đừng hay nể. Hay nể thì đừng làm chính trị.

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 20 (28. 1. 1934), tr. 10-11.