Sư Thiện Chiếu hoàn tục

Nghe tin sư Thiện Chiếu hoàn tục từ trong Nam đưa ra, ai cũng phải lấy làm lạ, mà nhất là người nào đã biết sư từ trước.

Sư Thiện Chiếu năm nay chừng 40 tuổi. Xuất gia từ lúc 17 tuổi. Hơn 20 năm trời khổ hạnh, tiềm tâm nghiên cứu đạo Phật,  không phải tu giả dối như kẻ khác đã đành, mà cũng không phải chỉ theo lối tiểu thừa, quỳ hương gõ mõ, sư chăm việc cầu đạo lắm, thế mà ngày nay bỗng cổi áo cà sa, cái đầu trọc nghiễm nhiên đổi ra cúp rẽ, thì còn ai nghe nói mà chẳng dửng dừng dưng? (a)

Người viết bài này có được biết sư Thiện Chiếu ít nhiều. Sau khi trò chuyện mấy lần rồi, tôi nhận là một con người có tánh cách đặc biệt không giống những người Nam Kỳ khác. Đối với đạo Phật, sư rất có nhiệt thành, mà cái nhiệt thành nối nắm luôn chứ không phải nóng đó rồi nguội đó. Sư học chữ Hán thông lắm và viết văn quốc ngữ cũng khá rành. Trước đây chừng bảy tám năm, sư có đi ra Trung Bắc Kỳ, lùng từng tỉnh để tìm những người có thể gọi là đồng chí trong cửa Phật. Thì nghe đâu như sư chỉ tìm được một người ở Phú Yên và một người ở Bắc Kỳ mà thôi. Chuyến đi ấy làm cho sư thấy rõ cái nền Phật giáo ở nước ta suy nhược lắm, phải chấn chỉnh lại, mà nhất là phải cách tân. Khi về rồi sư mới bắt đầu viết bài cổ động trên các báo. Ở Nam Kỳ có cái phong trào chấn hưng Phật giáo là từ đó. Cái thuyết trọng yếu của sư lúc bấy giờ là phá trừ những điều mê tín trong nhà chùa mà trở về thẳng cùng Phật tổ Thích Ca, đem cái tinh thần từ bi dũng cảm ra mà thực hành sự cứu thế.

Bao nhiêu cái óc cũ không dung nạp được cái thuyết ấy, hóa nên con người xướng nó ra cũng bị ruồng rẫy hết nơi này đến nơi khác. Khắp các hạt Nam Kỳ, sư Thiện Chiếu luôn luôn từ chùa này dời qua chùa kia, không chùa nào ở được lấy nửa năm. Đồ đệ Phật nếu cũng chung một khẩu khí với đồ đệ cửa Khổng thì, trước cái tình cảnh ấy, cũng nên ngùi vậy mà than rằng: Thôi rồi! đạo đã bất hành rồi!

Thuyết pháp nhiều lần, viết cũng đến năm ba quyển sách, kêu gào cải lương Phật giáo, phá trừ mê tín, trở về thẳng với Thích Ca, mà chừng như chẳng ăn thua gì hết, cái chợ tông giáo Nam Kỳ cứ việc mua bán với nhau, chẳng ai thèm trả lời cho sư Thiện Chiếu. Con người ta nếu không phải đã đến bậc ngồi 49 ngày đêm dưới gốc cây, không ăn không uống, thì gặp phải cái bước ấy, có lẽ cũng đến ngã lòng.

Nhưng, sư Thiện Chiếu bỏ đạo Phật, theo lời ông ta nói, thì lại không phải bởi cớ ngã lòng mà bởi cớ khác. Sau khi sư đã từ chay sang mặn rồi, báo Đuốc nhà Nam có cho người phỏng vấn thì sư nói rằng bởi đã tìm khắp kinh Phật mà không thấy được cái phương pháp gì cứu thế hết, có lẽ nào đương giữa lúc sanh linh khốn đốn này mà ta lại nỡ ngồi nhập định, nhắm cái mục đích ở thế giới khác và ở lai sinh?

Lạ thật! Nhưng mà ai kia chứ tôi là người đã biết sư Thiện Chiến ít nhiều rồi thì cũng chẳng nên lấy làm lạ. Con người như sư Thiện Chiếu, một là theo Phật mà làm cho tới cùng, một là bỏ Phật mà quay sang một con đường nào cũng cho xứng đáng với cái sự bỏ ấy; chẳng vậy thì sư Thiện Chiếu quyết không bao giờ bỏ đạo.

Bên Tàu có ông Lương Thốc Minh cũng đã bỏ Phật mà về với Khổng. Sư Thái Hư cho Lương làm như vậy là ngu. Nhưng, đã là con người có đặc tánh thì người ta làm ra việc gì cũng có lý do mạnh mẽ và vững chãi cả, nếu tự thấy là ngu thì có ai chịu làm? Sư Thiện Chiếu thì cũng thế thôi.

Hơn 20 năm nay, bây giờ mới thấy ra trong kinh Phật không có phương pháp gì cứu thế, thế thì trong khoảng mấy năm gần đây kêu gào sự cải lương, cách tân, là dựa vào cái phương pháp nào? Trong khoảng thời gian ấy chẳng biết sư Thiện Chiếu nhờ cái gì trong cửa Phật mà sống cho đến ngày nay, rồi ngày nay lại nói rằng không có phương pháp gì cả? Tuy nhiên, ta nên cầm cái điều ấy là việc đã qua, không nên hỏi đến nữa.

Bây giờ ta nên hỏi sư Thiện Chiếu bỏ Phật rồi theo gì? Làm gì? Trong kinh Phật, tìm khắp mà không thấy được cái phương pháp cứu thế, thì tìm ở đâu cho thấy cái phương pháp cứu thế?

Nhắm cái mục đích ở thế giới khác và ở lai sinh, sư Thiện Chiếu cho là không hợp, thế tất phải quay về cái thế giới này và cái đời hiện tại này. Nhưng mà, than ôi! Cái thế giới này và cái đời hiện đại này, dễ lắm mà tìm cái phương pháp cứu nó được ư!

Tôi vẫn biết cái tánh cách của Thiện Chiếu rồi, cho nên trong việc này, tôi lại càng thấy Thiện Chiếu là con người có nhiệt thành thuỷ chung mà lại là chân thật nữa. Nếu sống chỉ để mà nói khoác thì nấp dưới bóng Phật, lo việc thế giới khác và việc lai sinh, là việc minh mông chẳng có ai chứng thực được hết, há chẳng dễ hơn là quay về trần thế, lúng túng trong những vấn đề hiện tại hay sao? Lánh cái dễ mà tìm cái khó, điều ấy do cái nhiệt thành chân thật mà ra, cho nên tôi không ngờ Thiện Chiếu về sự bỏ đạo mà lại lấy làm thương hại!

Tôi không tin rằng sau khi bỏ Phật rồi, sư Thiện Chiếu chỉ ăn mặn, lấy vợ, đẻ con, đẽo guốc bán để sống, làm một người dân lương thiện xứ Nam Kỳ mà lấy làm đủ. Không, con người ấy phải có cái gì để trỗi hơn đám người thường là chúng tôi đây chứ!

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 14 (17. 12. 1933), tr. 4-6.  

Chú thích

[*] Xin lưu ý nhận xét đã nêu: trong hành văn của Phan Khôi, “dửng dừng dưng” thường hàm nghĩa ngạc nhiên, kinh ngạc.